Khai giảng năm học 2020-2021 thống nhất trong cả nước là ngày 5-9. Các trường không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng

 
 

Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 30-6 ở Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết sẽ quy định thống nhất thời điểm khai giảng năm học 2020-2021 trên cả nước là ngày 5-9.

Học sinh tập trung vào ngày 1-9

Thời điểm tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1-9. Ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ GD-ĐT - cho biết các trường sẽ không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng năm học mà chỉ tập trung học sinh trước ngày khai giảng chỉ để ổn định nền nếp.

"Báo chí nếu có phát hiện trường hợp nào không thực hiện đúng quy định về tựu trường thì thông tin cho Bộ GD-ĐT, bộ sẽ kiểm tra, xử lý" - ông Nam nói.

Tuy nhiên, đối với các trường tư thục, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn tới kết thúc năm học 2019-2020 muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với sở GD-ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường.

Không tổ chức dạy học trước khai giảng - Ảnh 1.

Học sinh sẽ tựu trường vào ngày 1-9 để chuẩn bị cho khai giảng Ảnh: TẤN THẠNH

Nhưng phải lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè. Trước băn khoăn của các phóng viên về việc học sinh lớp 1 có bị ảnh hưởng bởi việc tập trung muộn hơn mọi năm hay không, Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT - cho rằng nếu khai giảng vào ngày 5-9 và kết thúc năm học vào ngày 25-5, thời gian học của bậc tiểu học là 38 tuần. Trong khi đó, chương trình học hiện nay là 35 tuần, vì thế các trường có 3 tuần để dự phòng và nghỉ các ngày lễ.

"Tôi khẳng định là không ảnh hưởng gì. Năm nay, học sinh lớp 1 học chương trình mới, học 2 buổi/ngày, mỗi ngày 7 tiết. Khoảng thời gian sau học chính khóa là thời gian để giáo viên hoàn thành các phần việc của mình" - ông Tài nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, cho hay năm học 2020-2021, bộ sẽ tiếp tục rà soát, tinh giản nội dung để tránh học sinh chịu nhiều áp lực cũng như dành thời gian cho các em có hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường. Theo đó, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần, giảm 2 tuần so với thời lượng 37 tuần hiện nay và bằng với thời gian học của bậc tiểu học.

Ông Thành cũng nhấn mạnh các trường có thể tập trung học sinh để chuẩn bị cho lễ khai giảng nhưng không được trước ngày 1-9 và không được tổ chức dạy học. "Quan điểm của bộ là để học sinh có thêm thời gian nghỉ hè. Chúng tôi sẽ quán triệt tinh thần không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, không chỉ ở năm học 2020-2021 mà sẽ áp dụng cả ở các năm học tiếp theo. Bộ sẽ đưa điều này vào quyết định khung kế hoạch năm học sửa đổi sắp tới" - ông Thành nói.

880.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT cho hay thống kê sơ bộ từ các địa phương cho thấy có hơn 880.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có hơn 600.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Năm nay, các giảng viên ĐH sẽ không tham gia công tác coi thi, chấm thi như mọi năm nhưng sẽ được huy động để tham gia các đoàn thanh tra của bộ, của sở triển khai công tác kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Sẽ có hơn 6.000 giảng viên ĐH được huy động thực hiện nhiệm vụ này.

Ngoài ra, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận thông tin lo ngại về tính trung thực, khách quan khi kỳ thi giao về cho địa phương tổ chức là có cơ sở. Để giải quyết vấn đề này, bộ sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, đặt ra yêu cầu rất cụ thể đối với cán bộ, giảng viên ĐH được trưng tập làm công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu trường nào cử cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn thì hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước bộ trưởng.

Bà Nguyễn Thu Thủy - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - đánh giá số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH tương đối ổn định so với năm 2019. Theo bà Thủy, trong mùa tuyển sinh năm nay, bộ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác lọc ảo ở lần xét tuyển đợt 1. Theo đó, thí sinh sẽ đỗ vào nguyện vọng cao nhất như đã đăng ký. Sau ngày 30-6, thí sinh sẽ không được thay đổi về các bài thi đã đăng ký. Tuy nhiên, với việc xét tuyển vào các trường ĐH, thí sinh sẽ được điều chỉnh các nguyện vọng đăng ký một lần vào tháng 9-2020.