QĐND - Một trong những dấu ấn, thành tựu quan trọng của Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ qua là tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện ngày càng có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.
Với tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, huy động các nguồn lực xã hội tạo sức mạnh tổng hợp, việc xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng...
Chuyển biến về nhận thức, hành động và hiệu quả thực tiễn
Xây dựng KVPT tỉnh, thành phố vững chắc là chủ trương mang tầm chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta, kế thừa, phát triển tư tưởng “Lo giữ nước từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa nguy” của cha ông. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế; thời cơ-nguy cơ, thuận lợi-thách thức luôn đan xen; bên cạnh tập trung phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH); Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh (QPAN) nhằm phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ. Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới thể hiện tư tưởng của Đảng, nguyện vọng của dân và quân ta, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QPAN trong tình hình mới, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và tính chất đặc thù xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.
Quân khu 4: Phát động điểm thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Ảnh: Báo Quân khu 4. |
Qua hơn 10 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, phát huy vai trò tham mưu, chỉ đạo của các quân khu, đảng bộ quân sự các tỉnh, thành phố, nhiệm vụ chiến lược này đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đặc biệt, trong 5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đẩy mạnh thực hiện toàn diện, vững chắc các nội dung xây dựng KVPT. Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy các địa phương đều xác định lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng KVPT, củng cố tiềm lực QPAN là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện ngày càng có nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, khu vực. Đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã có nhận thức đúng đắn, xác định tốt trách nhiệm đối với nhiệm vụ quan trọng này. Cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng, duy trì hoạt động trong KVPT từng bước được hoàn thiện, vận hành đồng bộ, hiệu quả. Đảng ủy, bộ tư lệnh các quân khu và cơ quan quân sự địa phương đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức xây dựng KVPT đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thực chất.
Đánh giá của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW đã khẳng định: Tiềm lực, thế trận, sức mạnh của KVPT, đặc biệt là tiềm lực kinh tế, chính trị-tinh thần, “thế trận lòng dân”, thế trận quân sự được củng cố, tăng cường. Chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT địa phương được nâng cao. Hoạt động của KVPT các địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...
Có thể nói, chủ trương xây dựng KVPT là bước phát triển quan trọng cả về lý luận và thực tiễn xây dựng nền QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân của cách mạng Việt Nam. Tính đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta đã tạo môi trường phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, bài học kinh nghiệm từ các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và nghệ thuật quân sự Việt Nam. KVPT kết nối, hội tụ sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tạo thế và lực mới trong thế trận QPTD, thế trận an ninh nhân dân ở từng địa phương, từng khu vực và của cả nước. Đây cũng chính là tiền đề góp phần củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, tạo xung lực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thu hút đầu tư, đột phá phát triển KT-XH, nâng cao toàn diện tiềm lực, sức mạnh của đất nước.
Huy động hiệu quả các nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp
Thực tiễn sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW giúp chúng ta có thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, củng cố, phát huy mối quan hệ máu thịt truyền thống quân-dân. Khi cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân cùng tham gia vào nhiệm vụ củng cố vững chắc KVPT, bảo vệ Tổ quốc, quân đội và LLVT có thêm bệ đỡ vững chắc củng cố mối quan hệ máu thịt với dân, dựa vào dân thực hiện vai trò nòng cốt, huy động sức dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ở từng đơn vị cơ sở và phạm vi toàn quân, toàn quốc. Nếu giai đoạn đầu chúng ta vừa triển khai thực hiện vừa rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện cách làm, thì trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chất lượng, hiệu quả xây dựng KVPT đã đi vào chiều sâu, hình thành những mô hình hiệu quả bằng cách làm sáng tạo, chủ động từ cơ sở.
Chẳng hạn ở Quân khu 7, Mô hình “Vận động địa phương phía sau và các doanh nghiệp ủng hộ địa phương phía trước”, đã tập hợp sự vào cuộc của các địa phương địa bàn đô thị, đồng bằng và cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ triển khai đề án đưa dân lên lập nghiệp ở địa bàn biên giới. Chỉ trong vòng 3 năm (2017-2020), Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã huy động được hơn 50 tỷ đồng, nhằm triển khai xây dựng 34 điểm dân cư liền kề các chốt dân quân, với số lượng 170 căn nhà ở địa bàn các xã biên giới. Một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, nhiệm vụ xây dựng KVPT bằng huy động nguồn lực tổng hợp của xã hội là TP Hồ Chí Minh. Không chỉ hoàn thành các mục tiêu, nội dung kế hoạch xây dựng KVPT của địa phương mình, TP Hồ Chí Minh còn huy động các nguồn lực xã hội giúp đỡ, hỗ trợ cho các địa phương biên giới, hải đảo, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng củng cố tiềm lực QPAN, phát triển kinh tế. Mới đây, tỉnh Bình Phước đã triển khai các dự án đầu tư theo hướng lưỡng dụng, vừa phát triển KT-XH, vừa củng cố QPAN ở địa bàn các huyện biên giới Tây Nam. Cái được của các dự án này là đã từng bước giải quyết các “vùng trắng” ở địa bàn biên giới, nơi đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, chưa có dân cư sinh sống. Việc “đánh thức” những vùng đất khó khăn, lựa chọn các mô hình phù hợp để đưa dân ra biên giới định cư ổn định chính là kế sách “trù phương lược”, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị, vì sự phát triển đất nước phồn vinh.
Đó là những mô hình đã có “đáp số” từ cơ sở, cần tiếp tục được tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng trong thời gian tới. Chủ trương xây dựng KVPT, củng cố nền QPTD vững chắc ở từng địa phương, từng khu vực và cả nước tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, thông tin, tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội và toàn dân. Chúng ta cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng, hoạt động KVPT ngay từ cơ sở. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QPAN, tạo nguồn lực vật chất, kỹ thuật xây dựng KVPT ngày càng vững chắc. LLVT tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết số 28-NQ/TW trong tình hình mới.
PHAN TÙNG SƠN