QĐND - LTS: Sau khi Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Báo Quân đội nhân dân đã đăng vệt bài: "Từ phiên tòa xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội): Lời cảnh tỉnh cho lòng tham phi pháp".
Vệt bài này đã nêu rõ nguồn gốc đất sân bay Miếu Môn, những diễn biến chính về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm dẫn đến vụ án ngày 9-1-2020 tại thôn Hoành; diễn biến thực tế của quá trình điều tra, xét xử vụ án. Sau khi vệt bài đăng tải, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến.
Các bị cáo vụ án ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN |
* Tiến sĩ Vũ Hồng Khanh, nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng: Thông tin kịp thời để bạn đọc nhận rõ chân tướng vụ việc
Những ngày vừa qua, chúng tôi theo dõi thông tin về vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm qua các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân và một số báo, đài khác. Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của Báo Quân đội nhân dân thông qua vệt bài: "Từ phiên tòa xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội): Lời cảnh tỉnh cho lòng tham phi pháp". Chúng tôi cũng nhận thấy đây là vụ án hình sự đặc biệt nguy hiểm, các bị cáo coi thường pháp luật, tính mạng con người. Qua theo dõi phiên tòa, chúng tôi cũng thấy, các bị cáo hầu hết là nông dân, nhận thức pháp luật còn hạn chế, lại bị khống chế, lôi kéo, kích động bởi một số kẻ xấu. Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, ăn năn, thành khẩn gửi lời xin lỗi đến gia đình 3 chiến sĩ công an hy sinh. Có lẽ vì thế nên tội danh của một số bị cáo đã được tòa điều chỉnh theo hướng có lợi cho các bị cáo, đây chính là tạo điều kiện để các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bản án mà tòa đã tuyên là công tâm, đúng với bản chất và thực tiễn vụ án, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số nhân dân. Qua theo dõi cho thấy, dư luận đánh giá cao thái độ nghiêm túc, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, thượng tôn pháp luật và cũng rất nhân văn của hội đồng xét xử.
Nhưng qua theo dõi chúng tôi cũng thấy, trong quá trình bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa, một số vị luật sư có vẻ như vẫn cố tình đưa ra những yêu cầu có phần phi lý. Vì thế những yêu cầu đó không được tòa chấp nhận cũng là lẽ đương nhiên.
Lại nữa, ngay trong quá trình xử án và sau khi có phán quyết của tòa, một số người mượn danh "đấu tranh dân chủ" ở trong và ngoài nước đã vội vàng viết bài, bình luận, chia sẻ một số bài viết, nêu những ý kiến với những lời lẽ thiếu chuẩn mực về vụ án, trong đó có một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, như: VOA, BBC, RFA... và một số người trong các tổ chức nước ngoài... Đọc những thông tin mà họ đăng tải, cá nhân tôi cho rằng các viết bài này thiếu sự công tâm, tính chỉ trích nặng nề, nhiều thông tin sai lệch, không chính xác về sự việc xảy ra ở Đồng Tâm cũng như phán quyết của tòa án. Rất có thể những người viết bài muốn cố tình tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo bản chất vụ việc tại Đồng Tâm, muốn bôi nhọ chính quyền, lực lượng chức năng bằng cách ngụy tạo chứng cứ, vu cáo cơ quan chức năng "vi phạm" Hiến pháp và pháp luật; phê phán, chỉ trích phương pháp của chính quyền khi giải quyết vụ việc...
Thật tiếc là việc làm của họ lại nhận được sự "ủng hộ" của một số cá nhân, tổ chức, đài, báo nước ngoài để hướng vào mục tiêu "quốc tế hóa" vụ việc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Thậm chí, HRW (Tổ chức theo dõi nhân quyền) còn ra thông cáo "kêu gọi chính quyền Việt Nam phải mở một cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ đụng độ giữa người dân và công an khiến ít nhất 4 người chết"... Qua sự việc này chúng tôi thấy, thực sự là đang có một số người lợi dụng danh nghĩa "đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền", để cố tình vu cáo, nói xấu cơ quan chức năng, với mục đích là vừa muốn kiếm tiền qua mạng xã hội, vừa muốn gieo rắc hoang mang, hòng làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước và có thể can thiệp vào hệ thống pháp luật của Việt Nam. Vì vậy, thông tin trên các bài báo trong vệt bài của Báo Quân đội nhân dân về vụ án xảy ra ở thôn Hoành là rất cần thiết...
* Đại tá Phạm Hồng Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân đoàn 4: Bản án nghiêm minh và rất nhân văn
Chúng tôi rất cảm ơn Báo Quân đội nhân dân đã thông tin kịp thời về diễn biến vụ việc, vụ án xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm thời gian qua, nhất là trong những ngày Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Thông tin mà báo đưa chúng tôi thấy rất tin cậy. Chúng tôi luôn theo dõi sát sao vụ việc và thấy, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã khép lại với bản án thích đáng, đúng người, đúng tội. Theo dõi toàn bộ sự việc và diễn biến phiên tòa, tôi rất tán thành với quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội khi đưa ra đầy đủ bằng chứng khẳng định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng; hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội. Chỉ vì tham lợi ích vật chất và nghe theo sự xúi bẩy mà các bị cáo đã cố tình vi phạm pháp luật, xâm hại tính mạng của cán bộ, chiến sĩ công an, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền và gây hoang mang cho nhân dân.
Tôi cho rằng, sự nguy hiểm nhất, đáng lên án nhất của các bị cáo là hành vi phạm tội có tổ chức, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phân công vai trò từng người, thực hiện ý đồ phạm tội một cách quyết liệt, bất chấp pháp luật để đạt được mục đích. Và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra. Bởi vậy, bản án mà tòa tuyên đối với các bị cáo giữ vai trò chủ mưu là hoàn toàn thỏa đáng, phù hợp với tính chất, bản chất của vụ việc, vụ án. Điều này càng khẳng định sự nghiêm minh, công bằng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, cá nhân tôi cũng như đại đa số dư luận cũng rất đồng tình với phần tuyên án dành cho các bị cáo khác không phải là chủ mưu. Sự vận dụng linh hoạt, tối đa các tình tiết giảm nhẹ theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, chứng tỏ tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam, giúp các bị cáo có cơ hội sửa chữa sai lầm, tìm về nẻo sáng, để luôn tự răn mình và người thân thượng tôn pháp luật, sống có ích cho xã hội.
* PGS, TS Hoàng Minh Thảo, tổ dân phố 2, phường Sông Trí (TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh): Nâng cao trình độ, nhận thức về pháp luật, không để kẻ xấu lợi dụng
Từ ngày 9 đến 14-9-2020, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Xung quanh vụ án, đã có nhiều ý kiến, nhiều góc nhìn khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vệt bài viết của Báo Quân đội nhân dân đăng từ ngày 17 đến 19-9 đã tập trung phân tích nhiều vấn đề, làm rõ bản chất vụ việc, vụ án và những mưu mô của một số người hòng lợi dụng sự việc này để trục lợi.
Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, vấn đề cốt lõi của vụ án là, dưới sự thao túng của cha, con ông Lê Đình Kình và "tổ đồng thuận", một bộ phận dân cư đã tiến hành các hoạt động tranh chấp đất quốc phòng ở cánh đồng Sênh, thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Điều đáng nói ở đây là, mặc dù đã được các cơ quan pháp luật, chính quyền từ xã, huyện, thành phố và Trung ương giải quyết công khai, minh bạch và công bằng. Nhưng do sự kích động, xúi bẩy của một số người nên sự việc diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, để lại hậu quả nặng nề. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, đại bộ phận người dân cho rằng, đây là một vụ án hết sức nghiêm trọng, dự đoán sẽ được pháp luật xét xử hết sức nghiêm khắc... Ngày 14-9, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên án tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức về tội giết người (là những kẻ chủ mưu, cầm đầu vụ giết người). Cùng tội danh, tòa tuyên Lê Đình Doanh án chung thân, Bùi Viết Hiểu 16 năm tù giam, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù giam, Nguyễn Văn Tuyến 12 năm tù giam. 23 bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam đều về tội "Chống người thi hành công vụ". Đó là những mức án đúng người, đúng tội và thể hiện rất rõ sự khoan dung của pháp luật đối với những người biết ăn năn, hối lỗi.
Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do đó, luôn tôn trọng sự mưu cầu hạnh phúc của người dân. Mỗi người dân có quyền mưu cầu hạnh phúc, nhưng quyền đó phải được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp. Vụ án ở thôn Hoành cho ta thấy rõ, những kẻ cầm đầu được sự hậu thuẫn của các thế lực khủng bố bên ngoài đã lường gạt một số người dân trở thành tội phạm hung hãn với những hành vi dã man. Họ thừa biết đất đồng Sênh (thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm) là đất quốc phòng, là tài sản của quốc gia đã được đưa vào sử dụng cho mục đích quốc phòng, nhưng họ vẫn cố tình xúi bẩy người dân đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Rõ ràng, đây là một việc làm hoàn toàn có chủ đích, với mưu đồ hết sức thâm độc, được dàn dựng một cách bài bản, hòng đẩy những vấn đề có tính dân sự, dân sinh thành những vấn đề "nóng" gây mất an ninh trật tự ở nông thôn. Mục đích của họ là muốn chính trị hóa vấn đề, nhằm kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp vào vấn đề nội bộ của Việt Nam. Đây là phương thức tiến hành lật đổ chính quyền theo kiểu sử dụng xã hội dân túy và "cách mạng màu" đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới.
Tóm lại, vụ án Đồng Tâm đã được HĐXX tuyên án rõ ràng, minh bạch, đúng người, đúng tội, những kẻ chủ mưu giết người phải nhận những mức án thỏa đáng. Đối với những người khác bị xúi bẩy, lường gạt đã được tòa nhận rõ nên tuyên các mức án thể hiện rõ sự khoan hồng. Qua vụ án này, từng người dân cần tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, tuyệt đối không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào những hoạt động vi phạm pháp luật.
* Thạc sĩ Lâm Thanh Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Phải luôn sống với tinh thần thượng tôn pháp luật
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 9-1-2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Bản án Hội đồng xét xử đã tuyên dành cho 29 bị cáo rất đúng người, đúng tội nhưng cũng rất nhân văn. Điều đó thể hiện khi nhiều bị cáo lúc phạm tội đã rất manh động, nhưng quá trình xét xử đã thành thật khai nhận, nhận ra lỗi lầm, đã được tòa vận dụng tối đa các tình tiết giảm nhẹ. Phiên tòa đã khép lại, song một số dư luận trái chiều vẫn cố tình xuyên tạc bản chất vụ án theo kiểu suy diễn thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật.
Theo tôi, bản án đã tuyên rất nghiêm minh, góp phần cảnh tỉnh những ai còn đang coi thường pháp luật, sống vì mục đích vụ lợi cho bản thân. Pháp luật là nền tảng của xã hội. Chấp hành nghiêm pháp luật là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam ta. Với những phán quyết của tòa từ vụ án ở xã Đồng Tâm đã khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật. Điều đó đã giúp chúng ta hiểu rằng, mỗi người bằng những hành động cụ thể, thiết thực, hãy cùng chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Là một công dân, chúng tôi phê phán và không đồng tình với những ai tự cho mình cái “quyền” thay pháp luật để “phán xử”. Chẳng hạn, một số cơ quan truyền thông nước ngoài hay một số trang mạng xã hội vừa qua đăng phát hình ảnh, thông tin sai sự thật về vụ án, là rất đáng lên án. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật không chỉ chấp hành nghiêm là đủ, mà mỗi người cần hiểu rõ, rèn luyện kỹ năng phân tích, nhận định đúng để có sức “đề kháng” trước những thông tin xấu độc. Mỗi chúng ta cần nâng cao hiểu biết về pháp luật, thực hiện nghiêm túc là góp phần xây dựng văn minh xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
* Ông Phan Văn Phấn, Chủ tịch các Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng: Không thể xuyên tạc bản chất vụ án
Phiên tòa xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) do Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét sử sơ thẩm đã khép lại. Tôi cho rằng, quá trình xét xử cũng như bản án đối với các bị cáo là “thấu tình đạt lý”. Kẻ chủ mưu, phạm tội giết người đã phải đền tội, những đối tượng kém hiểu biết, bị lôi kéo, xúi giục, hùa theo phạm tội đã tỏ ra ăn năn, hối cải và được khoan hồng, được giảm nhẹ hình phạt. Điều này đã minh chứng tính công khai, công bằng của phiên tòa, đồng thời thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật cũng như chính sách nhân văn, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta.
Xem xét toàn bộ quá trình phạm tội của các đối tượng trong vụ án tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, có thể thấy: Đây là một vụ án hình sự mà những kẻ chủ mưu cùng đồng phạm là những kẻ tha hóa, biến chất, côn đồ, hoặc bị lợi dụng, xúi giục dẫn tới hành vi quá khích, thậm chí giết người, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Đây cũng không phải là hiện tượng cá biệt tại nông thôn Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với sự ác ý và thù nghịch cố hữu, một số thế lực nước ngoài và các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, phản động lại ra sức “lu loa” đây là vụ án chính trị. Rằng Nhà nước Việt Nam đàn áp người dân, đánh đồng tội phạm với những người dân lương thiện tại thôn Hoành. Bằng các chứng cớ ngụy tạo, nhận định mang nặng tính suy diễn, phiến diện, chủ quan, thậm chí xuyên tạc trắng trợn, một số cơ quan báo chí nước ngoài và các “nhà dân chủ” cố tình tô vẽ những đối tượng vi phạm pháp luật thành những “nạn nhân” đáng thương, “tấm gương hoạt động dân chủ”. Trong các bài viết của họ, chính quyền và những người thừa hành công vụ trở thành lực lượng "đối nghịch” của nhân dân. Họ nói thế là nhằm cố tình lèo lái dư luận, kích động vào lòng thương hại, sự bất mãn của một số người ngây thơ, kém hiểu biết; xuyên tạc sự thật, bôi nhọ chính quyền và luật pháp Việt Nam; kêu gọi các tổ chức quốc tế vào cuộc nhằm gây sức ép, can thiệp vào nội bộ công việc của Việt Nam. Đó là những “chiêu bài” cũ rích nhưng vẫn được các thế lực thù địch lặp đi lặp lại trong các vụ án, sự kiện thời gian qua.
Tôi hoan nghênh Báo Quân đội nhân dân đã có loạt bài sâu sắc, kịp thời, giúp bạn đọc hiểu rõ bản chất vụ án cũng như vạch trần âm mưu xuyên tạc, cố tình “đánh lận con đen” của một số thế lực thù địch, cơ hội chính trị về vụ án này.
QĐND