Học sinh lớp 12 chờ đợi thông tin chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: Đ.N.T
Thắc mắc ngay từ cuộc họp phụ huynh đầu năm
Đối với học sinh (HS) lớp 12, mối bận tâm lớn nhất bây giờ là kỳ thi tốt nghiệp 2021 sẽ ra sao? Các trường ĐH xét tuyển như thế nào?...
Là năm học cần có sự chuẩn bị tốt nhất để tự tin bước vào kỳ thi THPT, tham gia xét tuyển ĐH, hoạch định nghề nghiệp cho tương lai nên Huỳnh Gia Hân, HS lớp 12A15 Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), bày tỏ: “Mong muốn của em lúc này chính là việc Bộ GD-ĐT đưa ra được phương án cho kỳ thi THPT nhanh chóng và phù hợp với tình hình hiện tại nhất. Bởi theo em, việc học và dạy trong thời gian này rất khó khăn do tình hình dịch bệnh không biết trước thế nào. Nếu phương án được đưa ra gần ngày thi hoặc không phù hợp sẽ dẫn đến việc HS và cả thầy cô sẽ trở tay không kịp. Chính vì thế phương án được đề ra càng sớm và phù hợp thì sẽ tạo lợi thế cho chúng em trong việc ôn thi hơn”.
Không chỉ có HS lo lắng mà phụ huynh cũng “đứng ngồi không yên” để cùng đồng hành với con trong việc học.
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học mới này ở một số trường THPT tại TP.HCM, các câu hỏi phụ huynh gửi đến giáo viên chủ nhiệm đều xoay quanh có sự thay đổi gì không trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau.
Chị Nguyễn Thanh Hòa, phụ huynh HS lớp 12 Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), nói: “Tôi thường xuyên theo dõi thông tin về thi cử để có thể kịp thời chia sẻ với con. Năm cuối cấp, các cháu đã khá căng thẳng cho việc chuẩn bị kiến thức rồi nên mọi sự thay đổi về hình thức, phương án thi, xét tuyển càng khiến các cháu “căng” hơn. Vì vậy, con học, con thi thì ba mẹ luôn bên cạnh để cùng lên kế hoạch phù hợp. Hai năm lớp 10, 11, cháu tập trung học, ôn thi theo khối có tổ hợp xét tuyển nên nếu sắp tới xét một điểm hay các đầu điểm môn thi thành phần trong bài thi tự chọn cần phải biết sớm để học trò có kế hoạch học và ôn tập phù hợp”.
Tương tự, chị Hồ Thị Phương Thảo, phụ huynh HS Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho biết đối với HS lớp 12, ngoài việc phải lo ôn luyện cho kỳ thi cuối cấp thì việc chưa có thông tin về phương án thi THPT gây bất an cho các em. Khi Bộ GD-ĐT chậm công bố phương án thi, HS lo lắng một, cha mẹ lo lắng gấp đôi khi không biết rõ thông tin về thi cử, hình thức xét tuyển ĐH... Phụ huynh thường cho con học không phải một mà 2 khối để dự phòng nên vừa lo cho sức khỏe con vừa lo gánh nặng kinh phí”.
Giáo viên cũng khó chủ động khi chưa có thông tin
Trước những lo lắng của phụ huynh, HS, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), đưa ý kiến: “Việc chậm công bố phương án thi gây hoang mang không chỉ cho HS và phụ huynh mà còn khiến thầy cô cũng không thể chủ động trong việc giảng dạy và lựa chọn lượng kiến thức cần thiết giúp các em ôn luyện cho kỳ thi quan trọng này. Để giải tỏa, Bộ GD-ĐT nên sớm công bố phương án thi THPT và xét tuyển ĐH giúp các HS tự tin trong học tập và đạt kết quả như mong muốn”.
Giáo viên Trần Đình Hương, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cũng cho rằng Bộ GD-ĐT tổ chức thi hay giao về các sở GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH tổ chức thi riêng như thế nào sẽ tác động lớn đến việc học của HS. Quá trình học, chuẩn bị kiến thức khác nhau hoàn toàn và tùy thuộc vào mỗi phương án thi, xét tuyển. Nếu Bộ tổ chức thi, các trường sẽ bám sát với cấu trúc và định hướng ra đề của Bộ còn nếu TP.HCM tự tổ chức thi thì đương nhiên định hướng ra đề của TP sẽ khác... Vì vậy, theo giáo viên Trần Đình Hương, từ giáo viên cho đến HS đang chờ đợi Bộ sớm công bố thông tin kỳ thi năm 2021.
Đầu tháng 10, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết kỳ thi năm 2020 đã được giao về cho địa phương với cách ra đề theo chuẩn đầu ra của chương trình, chứ không ra đề nhằm 2 mục tiêu như kỳ thi THPT trước đây. Nhờ vậy, kết quả thi đã phản ánh đúng hơn chất lượng dạy học ở phổ thông, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi với tên gọi thi tốt nghiệp THPT. Cách thức xây dựng đề kiểm tra theo ma trận, đặc tả mà Thông tư 26 thay đổi đánh giá, kiểm tra HS THCS, THPT đang hướng tới cũng nhằm tiến tới việc đánh giá định kỳ thực chất, công bằng hơn giữa các nhà trường, địa phương.
Ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, cho biết theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, đầu tháng 10, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương chuẩn bị. Trước khi công bố, phương án này phải trình và được Chính phủ đồng ý mới cho phép triển khai.