PNO - Các chuyên gia nhân khẩu học cho rằng, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần chuẩn bị các chính sách đón một “xã hội già”, để tránh những thiệt hại từ kinh tế tới các khủng hoảng về mặt đạo đức, tính nhân văn và quyền con người.
Người già vẫn quần quật mưu sinh
Hơn 22g, bà Lựu(*) (64 tuổi) mới đẩy xe hàng rong về nhà - ở đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TPHCM. Xe hàng của bà như một hiệu tạp hóa thu nhỏ với nhiều sản phẩm: quần áo, dép, khăn, bông ráy tai, cây lau nhà, dây thun cột tóc… “Đây là vốn dưỡng già của tôi” - bà Lựu nói, tay chỉ vào những món hàng.
Nhiều người già ở Việt Nam vẫn phải vất vả mưu sinh - Ảnh: Trung Thanh |
Khi còn trẻ, bà Lựu buôn bán ở chợ Bà Chiểu. Hơn 10 năm nay, bà chuyển sang bán hàng rong trên các tuyến đường ở hai quận Bình Thạnh, Phú Nhuận. Mỗi ngày, bất kể nắng mưa, bà bắt đầu công việc của mình từ 17g cho tới khuya. Bà cho hay, ngày đắt khách, tiền lời khoảng 40.000-50.000 đồng.
Không có lương hưu, cũng không có nhiều tiền tiết kiệm, xe hàng là nguồn thu nhập chính của bà. “Tôi sống cùng vợ chồng đứa con gái. Tụi nó cũng không dư dả gì. Mình phải tự buôn bán để lo thuốc men, góp tiền cơm nước với con” - bà Lựu phân trần.
Số người lớn tuổi vẫn đang mưu sinh như bà Lựu không ít và cũng không phải là hiện tượng lạ ở TPHCM và các thành phố khác của Việt Nam. Trên đường phố, ở đâu cũng có thể bắt gặp những mái đầu bạc, bóng lưng còng đang bán buôn. Theo một báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hơn 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 vẫn đang làm việc.
Con số này được các chuyên gia nhân khẩu dự đoán tiếp tục tăng trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già đi.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thuộc Bộ Y tế, hiện Việt Nam có hơn 11 triệu người cao tuổi, trong đó có 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên.
Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ bốn người dân, có một người cao tuổi.
Có những người lớn tuổi làm cho vui, không hẳn vì nhu cầu mưu sinh mà vì muốn đóng góp ít nhiều công sức cho gia đình, xã hội và nhất là được khuây khỏa tuổi già. Nhưng cũng có nhiều người tuổi cao, bệnh tật vẫn phải bươn chải kiếm sống mỗi ngày do không có bảo hiểm hay tiền tiết kiệm.
Theo số liệu của Tổng cục DS-KHHGĐ, tại Việt Nam, chỉ có khoảng 27% số người cao tuổi có lương hưu và thu nhập ổn định, 73% còn lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái.
Bà Lựu kể, trong hơn 10 năm bán hàng rong, dù nhiều lúc lưng đau nhức nhưng phải cố đẩy xe hàng ra đường. Bà chỉ nghỉ ở nhà trong đợt dịch COVID-19 hồi tháng Tư năm nay. Con gái sợ bà tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm cao, mang mầm bệnh về gia đình nên không cho mẹ đi bán.
Đó cũng là khoảng thời gian khó khăn với bà vì không còn tiền mua thuốc và phải sống dựa vào con gái, con rể. “Con cái có gia đình riêng, muốn lo cho cha mẹ cũng khó. Mình ở nhà ăn bám lâu ngày, làm gánh nặng cho con, con có thương mấy cũng sẽ đến lúc cực khổ quá mà quát mắng mình” - bà nói.
Khó khăn chồng chất vì chưa giàu đã già
Theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 75,6, đứng thứ hai khu vực (chỉ sau Singapore) và đứng thứ 56 trong tổng số 138 nước, vùng lãnh thổ mà WEF khảo sát. Mặc dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi Việt Nam lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi).
Nguồn: Tổng điều tra dân số 1979, 1989, 1999, 2009 và Dự báo dân số của Tổng cục Thống kê (2010) |
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - lý giải, do phải trải qua nhiều khó khăn trong chiến tranh và hậu chiến, phần lớn những người trên 60 tuổi hiện nay ở Việt Nam mắc nhiều bệnh nền, sức khỏe yếu hơn so với nhóm dân số cùng độ tuổi ở nhiều quốc gia.
Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y; khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền.
Cũng theo cơ quan này, trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc ba loại bệnh và chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hiện vẫn chưa bắt kịp sự chuyển đổi mạnh mẽ của đặc điểm nhân khẩu học.
Hiện cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện tỉnh, thành phố có Khoa Lão, ba cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa. Bên cạnh đó, hệ thống trung tâm dưỡng lão cũng chưa bắt kịp mức độ già hóa dân số, “vừa rất thiếu, vừa rất yếu” theo đánh giá của Cục Bảo trợ xã hội, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Dân số của nhiều quốc gia châu Á đang già đi nhanh chóng. Nhưng tại Việt Nam, dân số già đi trước khi giàu có khiến những khó khăn càng trở nên lớn hơn.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng, để gia đình không là chỗ dựa duy nhất khi công dân bước vào tuổi xế chiều, ngay từ bây giờ, Nhà nước cần phải xây dựng chính sách cấp quốc gia thích ứng với già hóa dân số. Chính sách đó không chỉ dừng lại ở các nhu cầu ăn, ở, y tế mà còn phải tập trung vào cả đời sống tinh thần.
Theo các chuyên gia, trong quá trình thiết kế, xây dựng chính sách, cần gỡ bỏ định kiến xem người già là gánh nặng của xã hội.
“Già hóa dân số không phải là một gánh nặng mà nó sẽ làm cho gánh nặng kinh tế và xã hội trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng” - Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) nhận định.
Nhiều thách thức đang chờ đợi
Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, trong văn hóa Việt Nam, người cao tuổi luôn được kính trọng, người già sống thọ được xem là phúc đức của gia đình, dòng họ. Về tổ chức chính trị, Việt Nam có Hội Người cao tuổi từ trung ương đến địa phương để chăm lo cho người già.
Thế nhưng, trong hệ thống chính sách, nhóm dân số này đang chịu nhiều thiệt thòi với phúc lợi ít ỏi. Các chính sách cho người già thiếu bao quát, không hiệu quả và vẫn chỉ tập trung ở các đối tượng chính sách.
Bà Hồng nhận định, người già ở Việt Nam rất dễ bị tổn thương, đặc biệt ở những người già thuộc nhóm lao động phi chính thức. Họ không có lương hưu, bảo hiểm xã hội, cũng không có nhiều tích lũy vật chất, phải sống dựa vào con cháu hoặc phải vất vả mưu sinh dù đã qua tuổi lao động.
Đáng nói, đa số người già trong nước đang có hoàn cảnh như vậy. Vấn đề trở nên đáng lo ngại hơn khi đời sống kinh tế phát triển, tuổi thọ của người Việt ngày càng tăng nhưng mức sinh ngày càng giảm, các gia đình có xu hướng chỉ sinh 1-2 con.
Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già với nhiều thách thức đang chờ đợi - Ảnh: Trung Thanh |
“Trong tương lai không xa, một người con có thể phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc cho nhiều người già trong nhà. Nếu Nhà nước không có hệ thống an sinh xã hội tốt, người già sẽ trở thành gánh nặng cho con cái; khi đó, sẽ khó tránh khỏi các bi kịch con cái ngược đãi cha mẹ như mới đây ở Long An” - bà Hồng nói.
Chưa giàu đã già, màu xám đang bao trùm lên bức tranh kinh tế Việt Nam. Trong khi thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt ngưỡng trung bình thấp của thế giới, dân số quốc gia chuẩn bị bước vào ngưỡng dân số già hóa trong vài năm tới. Câu hỏi được đặt ra là, liệu Chính phủ có thể hỗ trợ hàng triệu người dân khi về già?
Các khoản trợ cấp dành cho người già, cán bộ công chức về hưu sẽ là gánh nặng khủng khiếp cho nền kinh tế Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, chi phí hưu trí có thể sẽ làm tăng chi tiêu Chính phủ lên mức 8% GDP vào năm 2050. So với 12 quốc gia châu Á khác mà IMF đánh giá, đây là tỷ lệ rất cao.
Trong khi đó, hệ thống bảo hiểm xã hội - công cụ bảo vệ cuối cùng cho người cao tuổi - lại luôn trong tình trạng mong manh.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi. Đến năm 2034, tức lúc xã hội Việt Nam chính thức già đi, quỹ bảo hiểm xã hội sẽ không đủ chi trả nếu không có nguồn đóng góp từ ngân sách nhà nước.
(*) Tên nhân vật đã thay đổi
Bảo Uyên