(PL)- Khi gặp các sự cố như cây ngã, ổ gà, bật nắp cống, ngập nước, mất điện…, người dân ở TP.HCM có thể gọi 1022 để được xử lý nhanh nhất.
Cổng 1022 hiện tiếp nhận phản ánh về sự cố hạ tầng của người dân ở TP.HCM lên cơ quan chức năng với các kênh gồm: Tổng đài, Mobile App, cổng thông tin điện tử (https://1022.tphcm.gov.vn), Facebook và email (1022@tphcm.gov.vn).
Phản hồi nhanh chóng
Với tinh thần “Gọi là có mặt - Hư là sửa”, nhiều người dân ở TP.HCM cho biết rất hài lòng khi phản ánh các sự cố điện, đường lên Cổng 1022.
Anh Trần Gia Huy (ngụ quận 2) cho biết anh thường đi làm qua đoạn đường dẫn lên cầu Phú Mỹ, quận 2 và thấy khu vực này thường xuyên ngập. Đặc biệt, những lần mưa lớn ngập đến hơn nửa bánh xe, có nhiều người đi xe số bị chết máy phải dắt bộ rất cực.
Thấy tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng không được xử lý nên giữa tháng 6 anh có gửi phản ánh kèm hình ảnh qua email đến Cổng 1022. “Họ phản hồi nhanh lắm, trong ngày là tôi nhận được luôn. Mai mốt có sự cố gì trên đường tôi cũng sẽ gửi Cổng 1022” - anh Huy hào hứng.
Anh Tuấn (ngụ quận 9) cũng cảm thấy hài lòng khi gửi phản ánh lên App Mobile của 1022 về tình trạng nắp cống bị sụp trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu) đã nhanh chóng nhận được phản hồi. Đến hôm sau anh thấy nắp cống đã được sửa sang lại. “Tôi mong kênh phản ánh này sẽ có tương tác trực tiếp với người dân để khi cần thiết tôi có thể báo liền được” - anh Tuấn nêu ý kiến.
Trong khi đó, anh Chiểu (ngụ huyện Bình Chánh) cho biết anh cũng từng phản ánh lên 1022 về việc cây nghiêng nhớm gốc, ngã vào đường dây điện ở khu dân cư Bình Hưng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Bởi trước đó anh nhiều lần liên lạc các cơ quan chức năng khác nhưng không được.
“Khi tôi lên trang web 1022 gửi phản ánh và đăng ảnh thì ngay sau đó hệ thống báo đang chuyển cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị kiểm tra, khắc phục. Đến hôm sau đã có lực lượng xuống chặt gọn cây. Chúng tôi mừng lắm!” - anh Chiểu kể và cho biết sẽ phản ánh lên 1022 khi gặp những sự cố tương tự.
TS Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết Cổng 1022 đã được tích hợp trên hệ thống Trung tâm Điều hành của đô thị thông minh TP. Ảnh: LÊ THOA
Toàn bộ phản ánh của người dân và kết quả xử lý đều được cập nhật trên cổng thông tin điện tử (https://1022.tphcm.gov.vn). Ảnh: LÊ THOA
Khắc phục sự cố trong 2 giờ
TS Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết trung bình mỗi tháng cổng thông tin 1022 tiếp nhận khoảng 4.000 tin phản ánh. Trong đó, khoảng 1.500 tin phản ánh về sự cố hạ tầng kỹ thuật, gãy đổ cây, hư hỏng đường, hỏng hệ thống chiếu sáng. Đặc biệt, vào mùa mưa thì các tin phản ánh về sự cố hạ tầng kỹ thuật này sẽ nhiều hơn.
“Mọi thông tin phản ánh hầu hết đều được các đơn vị tiếp nhận và xử lý nhanh chóng. Trường hợp nào chậm trễ chưa tiếp nhận hoặc tiếp nhận, xử lý rồi nhưng chậm kết thúc hồ sơ đều được tổng đài viên gọi điện thoại đốc thúc, nhắc nhở” - TS Cường khẳng định.
Theo ông Cường, hiện nay việc phối hợp trong tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh giữa Cổng 1022 với các đơn vị được thực hiện tương đối tốt. Các đơn vị xử lý đã cử đầu mối tiếp nhận và xử lý phản ánh nên việc cập nhật và kết thúc hồ sơ trên phần mềm được thực hiện nhanh chóng.
Khen thưởng người dân phản ánh tốt Khi người dân, doanh nghiệp và tổ chức thường xuyên cung cấp thông tin đúng, có giá trị giúp chính quyền TP kịp thời phát hiện những tiêu cực, phát huy hiệu quả trong công tác quản lý sẽ được xem xét tuyên dương, khen thưởng theo đúng quy định. Trường hợp cung cấp thông tin giả để vụ lợi, gây rối làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, uy tín của cá nhân, cơ quan, đơn vị thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định. TS LÊ QUỐC CƯỜNG, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM |
Vào tháng 5-2020, UBND TP đã ban hành Quyết định 1478 về quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin trên Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn TP.HCM.
Theo quy chế này, thời gian xử lý và phản hồi kết quả đối với các vụ việc không quá năm ngày làm việc. Trường hợp hết thời hạn này mà vẫn chưa thể xử lý xong ý kiến của người dân, doanh nghiệp và tổ chức thì cơ quan xử lý cũng phải phản hồi tiến độ xử lý đến thời điểm hiện tại kèm theo hình ảnh chứng minh và cam kết thời hạn xử lý dứt điểm.
Đối với sự cố bình thường có thể khắc phục ngay thì phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý trong khoảng thời gian không quá 2 giờ. Còn đối với sự cố phức tạp không thể khắc phục ngay thì xử lý tạm thời bằng rào chắn, treo biển cảnh báo và xử lý không quá 8 giờ sau đó.
Riêng việc tiếp nhận, phân loại và chuyển ý kiến thì không quá 5 phút sau khi nhận được thông tin.
“Nhờ quy chế này mà trường hợp các đơn vị hạ tầng kỹ thuật liên quan chậm giải quyết phản ánh hay cố tình kéo dài sự việc thì sẽ bị tạm ngừng cấp phép triển khai hạ tầng” - TS Cường nhấn mạnh.
Người dân có thể theo dõi quá trình xử lý phản ánh Cổng tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật 1022 được UBND TP chỉ đạo thực hiện và giao Sở TT&TT làm đơn vị chủ trì, cùng 84 đơn vị (sở, ngành, UBND 24 quận/huyện và các đơn vị quản lý/sở hữu/duy tu hạ tầng) tham gia giải quyết, xử lý các sự cố do người dân phản ánh. Cổng 1022 phục vụ tiếp nhận 24/7 các phản ánh của người dân; cho phép người dân theo dõi được quá trình xử lý, nhận được thông báo về kết quả xử lý sau khi hoàn tất giải quyết xử lý sự cố, người dân đối chiếu thực tế xử lý và tiếp tục phản ánh lại hệ thống trong trường hợp sự cố chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chất lượng. Cổng thông tin 1022 hiện tiếp nhận thông tin trên các lĩnh vực gồm đường dây nóng, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, trật tự đô thị, điện lực, viễn thông, giao thông công cộng, COVID-19… |