Khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đất đai, bồi thường
Quận 9 và Thủ Đức là hai địa phương thời gian qua và tới đây sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án. Từ đó, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị rất lớn. Tại quận Thủ Đức, trong thời gian kể trên quận tiếp nhận 1.143 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Trong số 565 đơn khiếu nại, có 2 đơn khiếu nại đúng, 28 đơn đúng một phần và 520 đơn sai toàn bộ. Trong 45 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, không có đơn tố cáo đúng, 4 đơn có đúng có sai, còn 41 đơn tố cáo không đúng (chiếm 91%).
Đơn khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu về lĩnh vực đất đai, xây dựng; đặc biệt là về bồi thường tại các dự án, do chính sách về giá và phương án giá áp dụng so với thời điểm triển khai dự án quá lạc hậu.
Báo cáo tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy cho biết, quận 9 là quận có diện tích lớn nhất thành phố. Trên địa bàn quận thời gian qua nhiều dự án được triển khai. Nhiều diện tích đất của người dân bị thu hồi, chính sách đền bù chưa thật sự thỏa đáng, dẫn đến bức xúc của một bộ phận không nhỏ người dân bị thu hồi đất nên phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị trong thời gian qua.
Tại quận 9, Thanh tra quận là đầu mối tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo. Ban Tiếp công dân là đầu mối tiếp nhận đơn phản ánh, kiến nghị từ các kênh chuyển về, trên cơ sở đó tổng hợp và tham mưu cho Chủ tịch UBND quận giải quyết.
“Chúng tôi nhận thức việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo là trách nhiệm của người đứng đầu, nên không phân cấp hay ủy quyền cho ai cả, mà phải trực tiếp làm”, Chủ tịch UBND quận 9 nói. Đồng thời, ông cho biết đã nhiều lần trực tiếp ra tòa tranh luận với người khởi kiện trong các vụ án hành chính. Luật quy định trách nhiệm người đứng đầu tiếp dân một tháng 2 lần, nhưng với đặc thù quận 9 số vụ việc rất nhiều, nên trừ khi trùng lịch họp đột xuất của thành phố, còn lại mỗi tuần ông đều tiếp dân.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác tiếp dân, nên quận 9 bố trí một nơi khang trang, bố trí biên chế dư so với quy định (6 biên chế, trong khi các quận chỉ 3-4 người). Cán bộ ở bộ phận tiếp dân phải là những người có năng lực, được đưa về để đào tạo, thử thách và trưởng thành.
Quận 9 kiến nghị thành phố sớm có phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, vì hiện nay lượng đơn thư quá nhiều, rất khó khăn trong việc thống kê, theo dõi xử lý.
Chủ tịch UBND quận 9 cũng kiến nghị luật cần quy định rõ về căn cứ không thụ lý đơn thư, và quy định rõ chế tài trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để tránh việc lạm dụng từ cả hai phía.
Cụ thể là cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu không tiếp dân, hoặc tiếp một cách hình thức, đối phó thì chế tài ra sao? Hoặc người dân lợi dụng quyền này để vu khống trắng trợn, xúc phạm danh dự nhân phẩm của cán bộ cũng cần có chế tài.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo cần đi thực tế
Tại buổi giám sát, các đại biểu đánh giá cao việc quận 9 đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong phần làm việc với UBND quận Thủ Đức, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Lê Kim Hiếu đề nghị, khi giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những đơn thư về đất đai, xây dựng trái phép thì phải đi thực tế. Đồng thời ưu tiên giải quyết những việc đã kéo dài, dư luận quan tâm bức xúc, không để phải lên cấp trên giải quyết. Đại biểu Nguyễn Đức Sáu đề nghị các quận từ phân tích thực tiễn cần có kiến nghị cụ thể để hoàn thiện các quy định.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị UBND các quận tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân của Chủ tịch UBND quận và Thủ trưởng các phòng ban của quận. Đồng thời cần quan tâm đến các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp dễ dẫn đến khiếu nại, tố cáo đông người; tích cực phối hợp với các cơ quan trong giải quyết đơn thư của người dân. Quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thấy những quy định chưa phù hợp thì cần tổng hợp, báo cáo, kiến nghị để có sự thay đổi.
MAI HOA