TTO - Dù các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet đã sẵn sàng và thông báo lịch bay quốc tế thường lệ, nhưng vẫn còn một số điều kiện cần thống nhất như nhập cảnh, cách ly, vì thế các chuyến bay vẫn phải chờ.
Nhân viên y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra thông tin cá nhân hành khách trở về từ Đà Nẵng trước khi đưa đi cách ly - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết chiều ngày 22-9, Cục Hàng không cùng Bộ GTVT đã họp để thống nhất các nội dung triển khai "Hướng dẫn tạm thời việc giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam" của Bộ Y tế.
Theo ông Thắng, các nội dung liên quan về giám sát người nhập cảnh mà Bộ Y tế hướng dẫn sẽ được thông báo cho các hãng hàng không, nhà chức trách hàng không các quốc gia và vùng lãnh thổ dự kiến thực hiện các chuyến bay thường lệ có chở khách vào Việt Nam.
"Quan trọng nhất là Việt Nam có bộ hướng dẫn về giám sát nhập cảnh để công bố cho các đối tác. Việt Nam quy định như thế nào thì các nước sẽ thực hiện như vậy khi cho hành khách từ quốc gia đó bay vào Việt Nam" - ông Thắng nói.
Về việc Thủ tướng đồng ý mở lại đường bay tới Thái Lan, cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết Cục Hàng không Việt Nam đã có trao đổi với nhà chức trách Thái Lan về việc này và hai bên sẽ bàn bạc thống nhất đường bay, tần suất bay cụ thể.
Ngoài ra, theo ông Thắng, vẫn cần phải thống nhất giữa các nước về điều kiện hành khách, quy định mua vé, nhập cảnh, cách ly... mới thực hiện được các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách hai chiều giữa Việt Nam và các đối tác.
Trước đó, báo cáo Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết các hãng Vietnam Airlines, Vietjet đã thông báo kế hoạch khai thác các đường bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam bắt đầu từ ngày 21-9.
Theo đó, Vietnam Airlines khai thác đường bay TP.HCM đi Quảng Châu (Trung Quốc), Hà Nội đi Tokyo, Seoul, Đài Bắc bằng máy bay Boeing 787 có 367 ghế với tần suất 1 chuyến/tuần; bay TP.HCM - Phnom Penh (Campuchia) và Hà Nội - Vientiane (Lào) 1 chuyến/tuần bằng máy bay Airbus A321 (203 ghế). Vietjet bay từ TP.HCM đi Tokyo, Seoul, Đài Bắc bằng máy bay Airbus A321 có 240 ghế, tần suất 1 chuyến/tuần.
Đối với phía nước ngoài, Cục Hàng không cho biết nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đều nhất trí với phương án Việt Nam đưa ra và chỉ định các hãng hàng không của mình khai thác đến Việt Nam với tần suất 1 chuyến/tuần.
Tuy nhiên, đến ngày 22-9, các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia vẫn chưa thể thực hiện do cần thống nhất các điều kiện, thủ tục liên quan đến kiểm dịch, nhập cảnh, cách ly...
Cục Hàng không cũng cho rằng việc thống nhất đối tượng khách cho cả hai bên là không khả thi. Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài cũng không thể xác định được hành khách là chuyên gia, nhà đầu tư... hay đối tượng khác để bán vé, làm thủ tục hàng không.
Do vậy, Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng giao nội dung này cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đưa vào quá trình xem xét cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài chỉ xem xét làm thủ tục hàng không cho hành khách có thị thực nhập cảnh Việt Nam do các cơ quan chức năng cấp...
TP.HCM tiếp tục mở rộng cơ sở cách ly Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đang trong quá trình triển khai giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng dẫn tạm thời từ Bộ Y tế. Qua đó, khẳng định TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận người nhập cảnh trong giai đoạn sắp tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn cụ thể của Ban Chỉ đạo quốc gia. Ngoài ra, đơn vị chủ động phối hợp Sở Du lịch thẩm định thêm 18 khách sạn (quy mô 1.371 giường), nâng tổng số lên 25 khách sạn với quy mô lên 2.329 giường và tiếp tục mở rộng các cơ sở lưu trú để đáp ứng nhu cầu cách ly y tế cho người nhập cảnh. TP.HCM được xác định là nơi trọng điểm kinh tế, mật độ giao thương cao, đặc biệt là chuyên gia từ nước ngoài, do đó ngoài việc triển khai hướng dẫn trên, trước đó Sở Y tế TP.HCM có đề nghị các doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài khi muốn nhập cảnh vào sân bay Tân Sơn Nhất để làm việc tại TP.HCM cần thực hiện thủ tục 3 bước theo đúng quy định. Cụ thể, công ty, doanh nghiệp gửi hồ sơ chuyên gia về Sở LĐ-TB&XH nêu rõ phương án cách ly có thu phí do đơn vị đề xuất theo danh sách các khách sạn đã được TP thẩm định. Sau đó Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Y tế TP và các đơn vị liên quan trình UBND TP xem xét, phê duyệt danh sách các chuyên gia được phép vào làm việc tại TP.HCM. Kế đến, UBND TP.HCM có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) xem xét giải quyết thủ tục nhập cảnh. Và sau cùng khi được sự chấp thuận của UBND TP và được cấp phép nhập cảnh, các đơn vị gửi hồ sơ về Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP và trung tâm y tế các quận huyện nơi khách sạn đăng ký để phối hợp cách ly theo quy định. H.LỘC |
TUẤN PHÙNG