LĐO - TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị đấu thầu 4 tuyến trong tổng số 45 tuyến xe buýt trợ giá để thu hút nhà đầu tư bên ngoài có năng lực tham gia, vực dậy sản lượng vận tải xe buýt, thu hút người dân sử dụng dịch vụ này.

Xe buýt thường đến trễ, chậm giờ, khiến số người sử dụng ngày càng giảm. Ảnh: Minh Quân
Xe buýt thường đến trễ, chậm giờ, khiến số người sử dụng ngày càng giảm. Ảnh: Minh Quân

Xe buýt giảm khách, tăng tiền trợ giá

Tính đến nay, tổng số đầu xe buýt đang hoạt động của TPHCM khoảng 2.335 xe trên 128 tuyến (gồm 91 có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá) và mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân.

Trong khi đó, mỗi năm TPHCM trợ giá hơn 1.000 tỉ đồng cho xe buýt. Riêng năm 2020 số tiền trợ giá là 1.150 tỉ đồng, và đang được Sở GTVT đề xuất bổ sung thêm 128 tỉ, trong đó có một phần hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Số tiền ngân sách rót hàng năm cao là vậy, thế nhưng lượng khách đi xe các năm gần đây đều giảm. Từ con số 305 triệu lượt khách của năm 2012, đến năm 2018 chỉ gần 290 triệu lượt, năm 2019 còn 255 triệu lượt và năm nay dự kiến còn 159 triệu lượt.

Nguyên nhân khiến xe buýt hoạt động chưa hiệu quả được cho là nhiều xe cũ, chậm trễ giờ, thiếu cơ sở hạ tầng, việc bố trí các tuyến chưa hợp lý để kết nối thu hút người dân sử dụng...

Cùng với đó, sự phát triển của xe ứng dụng công nghệ cạnh tranh trực tiếp với xe buýt nhờ sự tiện lợi, cơ động và chi phí gần bằng đi xe buýt. Nếu năm 2016, hành khách đi xe công nghệ chỉ có 20,8 triệu lượt thì đến năm 2019 tăng lên hơn 191 triệu lượt, tác động không nhỏ đến thói quen đi lại của người dân.

Hiện, TPHCM có khoảng 12 doanh nghiệp vận tải chạy các tuyến xe buýt trợ giá. Những năm qua, kinh phí trợ giá xe buýt thực hiện theo phương thức thành phố đặt hàng cho các doanh nghiệp vận tải. Cách thức trên có ưu điểm đơn giản thủ tục lựa chọn doanh nghiệp tham gia đấu thầu, nhưng nhược điểm thời gian thực hiện hợp đồng quá ngắn (theo từng năm). Điều này khiến các doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư, ít thu hút được doanh nghiệp mới tham gia phát triển mạng lưới xe buýt. Chưa kể phương thức cũ còn chậm thanh quyết toán các khoản công nợ, trợ giá thiếu hụt khiến nhiều đơn vị xe buýt lâm vào khó khăn. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ tiền trả lương, nhiên liệu, có nguy cơ ngừng hoạt động.

Do đó, việc TPHCM chuẩn bị đấu thầu một số tuyến xe buýt thay cho việc đặt hàng như nhiều năm qua được kỳ vọng tạo làn gió mới thu hút nhà đầu tư bên ngoài có năng lực tham gia, vực dậy tình hình xe buýt vốn đang èo uột.

Cần có làn đường riêng cho xe buýt

Ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) cho biết, từ nay đến đầu năm 2021 sẽ đấu thầu 45 tuyến xe buýt có trợ giá.

Mới đây Trung tâm đã có tờ trình gửi Sở GTVT TPHCM về phê duyệt hồ sơ kỹ thuật khai thác tuyến, dự toán trợ giá và kế hoạch lựa chọn nhà thầu 4 tuyến xe buýt số 1,15, 65 và 152. Sau khi được Sở GTVT xét phê duyệt, trung tâm sẽ lập hồ sơ lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu từ tháng 9 đến cuối tháng 10.2020. Các đơn vị trúng thầu dự kiến khai thác từ 2021 và kéo dài đến 2025.

Theo ông Lê Hoàn, cơ chế đấu thầu mới giúp quản lý chất lượng xe buýt tốt hơn, người dân sử dụng dịch vụ tốt nhưng giá vé sẽ không đổi. 4 tuyến buýt đưa ra đấu thầu đợt đầu tiên sẽ phải tăng độ hài lòng của khách lên 65% đến 85%, tùy tuyến.

“3 tiêu chí thời gian, chất lượng, an toàn sẽ được lượng hóa bằng điểm số để Trung tâm có cơ sở đánh giá chất lượng, thanh toán tiền trợ giá. Doanh nghiệp có hệ thống xe đạt chất lượng sẽ nhận đầy đủ kinh phí, còn dịch vụ kém chỉ nhận 92% số tiền đã ký kết” - ông Hoàn nói.

Có thể thấy việc đấu thầu hay ký hợp đồng đặt hàng như hiện nay chỉ là cách để doanh nghiệp nhận tiền trợ giá. Vì bản chất không thay đổi nhưng nếu Trung tâm bắt buộc doanh nghiệp hoạt động đáp ứng đủ 3 tiêu chí (thời gian, chất lượng, an toàn) mới cho nhận đủ tiền, bằng không sẽ nhận ít đi khiến doanh nghiệp gặp khó.

“Tiêu chí thời gian hoạt động gần như không phụ thuộc vào năng lực doanh nghiệp mà chủ yếu do hạ tầng đô thị ở TPHCM. Các tuyến xe buýt chạy giờ cao điểm, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, dừng/đỗ nhiều bến thường dễ gây tình trạng kẹt xe. Vì thế, việc đúng giờ là tiêu chí rất khó để đảm bảo. Trong khi đó, tiêu chí chất lượng, an toàn thì doanh nghiệp có thể cải thiện” - ông Phùng Đăng Hải - Giám đốc liên hiệp hợp tác xã vận tải xe buýt thành phố, nói.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải xe buýt cho rằng, Sở GTVT TPHCM cần mạnh dạn đưa những tuyến xe buýt có lượng hành khách đi nhiều để đấu thầu theo hướng không trợ giá xe buýt. Đồng thời, cần tính toán đưa vào đấu thầu “trọn gói” trợ giá tuyến xe buýt đưa rước học sinh. Bởi vì xe buýt đưa rước học sinh có lượng hành khách đi lại tương đối ổn định trong một năm học.

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cho rằng, với tình hình sản lượng đang trồi sụt mà không có làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt là thua, bởi đi xe buýt chậm hơn đi xe máy rất nhiều.

Xe buýt muốn hoạt động hiệu quả phải đảm bảo nguyên tắc đầu tiên là đúng giờ. Hiện phương tiện cá nhân chiếm dụng quá nhiều diện tích đường, xe buýt không có chỗ chạy, đến trễ, chậm giờ nên mới bị “ghẻ lạnh” như vậy. Do đó, TPHCM cần bắt tay thực hiện ngay các làn đường dành riêng xe buýt, đồng thời tiến tới các giải pháp hạn chế xe cá nhân.