PNO - Hơn 10 năm nay, thuốc phenobarbital là loại quen dùng của các bác sĩ nhi khoa, đến nỗi nó được gọi là thuốc... cổ điển. Loại thuốc này đang có nguy cơ đứt hàng.

Trở về sau cuộc họp giao ban bệnh viện, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện  Nhi đồng 1 (TPHCM) lắc đầu, than thở vì hôm nay câu chuyện "đứt hàng" thuốc phenobarbital lại đưa ra bàn bạc nhưng không lối ra. Nếu không được nhập về thì chỉ khoảng 4 ngày nữa, loại thuốc điều trị chống co giật này cho trẻ bị tay chân miệng sẽ không còn nữa!

Thuốc chống co giật là vũ khí không thể thiếu được để các bác sĩ dập tắt ngay các cơn co giật khi trẻ em bị bệnh tay chân miệng cấp độ nặng. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Thuốc chống co giật là "vũ khí " không thể thiếu để bác sĩ điều trị cơn co giật cho trẻ bị bệnh tay chân miệng nặng.

Bác sĩ mất "vũ khí" chống lại chứng co giật ở trẻ

Tháng 9 tựu trường cũng là thời điểm các dịch bệnh trẻ em có thể bùng lên, nhất là bệnh về hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết... bỗng chốc kéo nhau về một lúc.

“Có một ca bệnh tay chân miệng nặng vừa phải chuyển xuống phòng hồi sức rồi đó! Bệnh này từ tháng 9 sẽ tăng mạnh, kéo dài cho tới tháng 10, 11 hàng năm. Nhưng thuốc phenobarbital trị chứng co giật khi trẻ bị bệnh tay chân miệng thì sẽ đứt hàng vào cuối tháng 9 này. Chúng tôi phải làm sao đây?”, bác sĩ Khanh thở dài.

Mở điện thoại, bác sĩ Khanh cho tôi thấy tin nhắn trên Facebook của một bác sĩ ở tỉnh Lâm Đồng: “Tụi em sợ lắm, mùa này tay chân miệng tới rồi. Chỉ sợ họ không sản xuất thuốc nữa thôi. Nếu có chiêu gì hay, anh bày tụi em nha”. 

Cũng như bao bác sĩ khác đang lo sợ hết thuốc điều trị, bác sĩ Khanh chỉ biết than trời. Ông cho biết, ít nhất 3 tháng trước, các bác sĩ đã báo cáo cho lãnh đạo các bệnh viện về việc đứt nguồn cung cấp thuốc phenobarbital.

Ban giám đốc các bệnh viện đã thông báo cho Phòng nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM nhờ giúp đỡ. Từ nơi này, một văn bản đề nghị được cho nhập thuốc phenobarbital gửi thẳng ra Cục quản lý Dược, Bộ Y tế. Nhưng đến nay, thuốc vẫn không thấy đâu.

Tại TPHCM, có 3 bệnh viện nhi là Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố đều có sử dụng thuốc phernobarbital loại nhập khẩu (loại ống dùng để tiêm). Do đó, các bệnh này đều đối mặt với sự hụt hẫng khi loại thuốc này bị đứt hàng. 

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số thuốc phernobarbital có hạn sử dụng là ngày 27/9/2020. Nghĩa là sau thời gian này, nếu thuốc phernobarbital dạng ống không được nhập về sẽ không còn thuốc để dùng cho bệnh nhi.

Loại thuốc này do Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu từ Công ty Daihan của Hàn Quốc. Tuy nhiên, chưa rõ lý do vì sao loại thuốc này lại không còn được nhập khẩu về Việt Nam.

Thuốc Phenobarbital dạng tiêm. Ảnh: internet
Thuốc Phenobarbital dạng tiêm. Ảnh: internet

Phenobarbital là loại thuốc quen dùng của các bác sĩ nhi khoa. Nó quen thuộc đã hơn 10 năm nay, đến nỗi nó được gọi là thuốc... cổ điển – có lẽ là để so sánh với nhạc cổ điển. Thậm chí, trong danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành vào năm 2018, thuốc phenobarbital cũng được gọi tên. Loại thuốc này cũng có tên trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế. Theo đó, nó được dùng khi bệnh nhi bệnh tay chân miệng bắt đầu trở nặng (độ 2A, độ 2B) để xử lý ngay tình trạng co giật của trẻ.

Phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng độ 2 được Bộ Y tế ban hành như sau: “Nằm đầu cao 30°, cổ thẳng.

Thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút khi có thở nhanh.

Chống co giật bằng thuốc phenobarbital 10 mg/kg/lần tiêm bắp hay truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau 6-8 giờ khi cần. Immunoglobulin (nếu có).

Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác, ran phổi, mạch mỗi 4- 6 giờ. Đo độ bão hòa oxy SpO2 và theo dõi mạch liên tục (nếu có máy)”.

Sao chưa thấy hồi âm?

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, thạc sĩ - dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM khẳng định: Sở Y tế TPHCM đã có công văn đề nghị Cục quản lý Dược cấp phép nhập khẩu thuốc phenobarbital nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.

Đây là loại thuốc hướng thần nên thường phải xin quota để được nhập khẩu. Tuy nhiên, ông cũng xác định đây không phải là thuốc hiếm. Nguyên nhân của tình trạng đứt hàng, có thể do vấn đề của nhà sản xuất. Ông Dũng cho rằng có thể thay thế thuốc phenobarbital bằng nhiều loại thuốc khác có tác dụng tương tự.

Một bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng, nếu không có thuốc phernobarbital, bệnh viện có thể sử dụng thuốc an thần S. hoặc thuốc tiền mê M. Tuy nhiên, bác sĩ này khẳng định thuốc phernobarbital vẫn là một “vũ khí” của các bác sĩ. Bởi thuốc ít tác dụng phụ gây nguy hiểm, nhất là với trẻ sơ sinh.

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất mà các thuốc khác có thể gây ra đó là ngưng thở.

“Việc sử dụng các loại thuốc an thần thay thế chủ yếu cho trẻ điều trị nội trú trong bệnh viện. Bởi chỉ có vậy, bác sĩ mới kiểm soát chặt chẽ tác dụng phụ này”, một bác sĩ khác khẳng định.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng khẳng định về tính hiệu quả của loại thuốc phernobarbital này: “Thuốc này dùng trong chống động kinh, chống co giật, tác dụng kéo dài và ghìm luôn cơn co giật, không cho co giật trở lại. Đây là loại thuốc có từ lâu nhưng bác sĩ vẫn không bỏ nó vì có tác dụng nhanh khi xử lý các cơn co giật ở trẻ em”.

Chăm sóc cho trẻ bị bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Hiếu Nguyễn
Chăm sóc cho trẻ bị bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1 

Các bác sĩ xem thuốc men là "vũ khí" của mình. Trường hợp bệnh tay chân miệng và các bệnh khác bùng phát, nếu thuốc không có, chẳng khác nào bác sĩ đã bị tước đi "vũ khí".

Khi dịch bệnh bắt đầu gia tăng, với bổn phận của mình, hẳn nhiên bác sĩ sẽ phải xoay sở, không cách này thì cách khác để chữa trị. Nhưng có lẽ, bác sĩ cũng cần phải được “than” một tiếng – “Vì chính sinh mạng bệnh nhi, bác sĩ phải nói chứ”, ông bác sĩ của trẻ em Trương Hữu Khanh chẳng ngại ngần mà khẳng định dứt khoát.

Hiếu Nguyễn