Quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh (HS) phổ thông được sử dụng điện thoại trong trường học đã gặp phải cuộc tranh luận sôi nổi trái chiều, kẻ ủng hộ, người phản đối. Ai cũng có lý, còn HS là đối tượng bị tác động trực tiếp thì một lần nữa, như con chuột bạch được đưa ra thử nghiệm cho một vấn đề mà thế giới cũng ứng xử trái chiều.
Vô vàn hiểm nguy
Không sai khi đại diện bộ quản lý chuyên ngành cho rằng quy định này hỗ trợ HS tra cứu, tìm kiếm thông tin, nguồn học liệu, làm giàu kiến thức trong học tập. Ở các quốc gia có điều kiện, HS khi đến lớp, vừa thực hiện bài học vừa tra cứu thông tin. Giáo viên tổ chức cho HS học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, năng lực. Không ít ý kiến ủng hộ cho rằng HS dùng điện thoại trong lớp là phù hợp với xu hướng dạy và học mới, ứng dụng ngày càng nhiều tiện ích công nghệ. Cấm đoán là bảo thủ, lạc hậu, đi ngược xu thế, tự đóng cửa tương lai của con em mình.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là thay vì được hỗ trợ bằng các phần mềm chuyên dụng, nền tảng trực tuyến an toàn cho HS thì quy định mới này được thả nổi và người được giao trọng trách giám sát HS "bằng mắt thường" lại chính là giáo viên.
Các số liệu thống kê cho thấy mỗi ngày có hơn 175.000 trẻ em bắt đầu tham gia thế giới mạng, mỗi giây có một em vào thế giới mạng. Các em đang đối mặt trước vô vàn hiểm nguy mà người lớn chỉ mới nhìn nhận chứ chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn hay chống trả. Chỉ cần một cái "bấm ngón tay", các em có thể để lại "dấu vết số" mà kẻ xấu có thể lần vết, không gian riêng tư và đời tư các em bị xâm phạm và có thể trở thành nạn nhân của tệ khiêu dâm hay tội phạm trẻ em, các trò quấy rối tình dục.
Báo cáo của UNICEF về "Tình trạng trẻ em trên thế giới năm 2017: Trẻ em trong một thế giới số" cho biết có đến 1/3 người sử dụng internet là trẻ em nhưng cộng đồng quốc tế lại có quá ít hành động để bảo vệ các em trước những mối đe dọa của thế giới số.
Việc dùng điện thoại thông minh, có lẽ Việt Nam đang là xứ sở "tự do" nhất. Rất phổ biến, khi trẻ ngay từ lúc chưa biết nói đã được cha mẹ phát cho cái điện thoại thông minh để "bấm ngón tay, vuốt, lướt" thế giới mạng. Trẻ em ở độ tuổi dưới 15 được tự do tham gia các hội, nhóm trên mạng, mỗi em có nhiều tài khoản cá nhân trên mạng mà cha mẹ hoàn toàn bị cô lập là chuyện thường. Nhiều vụ việc đánh nhau được lôi từ thế giới mạng ra đời thực.
1/3 người sử dụng internet là trẻ em nhưng cộng đồng quốc tế lại có quá ít hành động để bảo vệ các em. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Ảnh: Hoàng Triều
Phải bảo vệ con em chúng ta an toàn
Nhân ngày An toàn internet (6-2-2018), Đức Giáo hoàng Francis đã kêu gọi: "Tất cả chúng ta cần chung tay cam kết bảo vệ trẻ em trong thế giới số". Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama quản chặt các cô con gái vị thành niên sử dụng điện thoại và cấm dùng Facebook. Ngay cả các tỉ phú như Steve Jobs, Bill Gates, Mark Cuban... dù là cha đẻ các công nghệ hiện đại nhưng lại quản con cháu rất chặt trong việc này. "Chúng tôi không mở điện thoại khi đang ăn, không cho các con xài điện thoại di động cho đến khi chúng 14 tuổi" - Bill Gates cho hay. Còn Mark Cuban thì "lấy công nghệ quản công nghệ", giám sát hành vi trẻ nhỏ một cách văn minh, an toàn. "Tôi đã cài đặt các bộ định tuyến của Cisco, tôi có phần mềm quản lý, cho biết những ứng dụng các con tôi đang dùng để tôi có thể tắt điện thoại của chúng". Steve Jobs thì chỉ cho phép con trao đổi về lịch sử, văn chương, những chuyện đời thực trong bữa ăn. Các con ông không ai nghiện điện thoại, máy tính bảng dù ông khai sinh ra chúng.
Công nghệ đang giúp chúng ta tư duy lại, thay đổi phương thức làm việc, sinh hoạt, vui chơi thỏa mãn hơn nhưng chúng cũng có thể đang gặm nhấm tâm hồn, làm rối loạn, đảo lộn hành vi ứng xử, tiêu hủy những giá trị ngàn năm được hình thành, phát triển. Chúng đặt ra thách thức mới ở tất cả mọi phương diện, sâu rộng đến mức con người phải tái định nghĩa và tái tổ chức xã hội của mình, trong đó có giáo dục, khoa học và sự lan truyền tri thức. Nhưng trong khi tìm cách tận dụng tốt nhất những ưu việt của công nghệ thì vẫn phải không quên bảo vệ con em chúng ta an toàn. Không nên lấy HS ra thử nghiệm trước vấn đề còn nhiều ý kiến quá khác nhau. Thầy cô không thể giám sát các em hữu hiệu nhất, bảo vệ các em an toàn nhất trước quá nhiều nguy hiểm đang rình rập.
Chúng ta chỉ có thể an tâm khi trả lời được ít nhất 3 câu hỏi: Làm sao để con em chúng ta nhận diện được cái xấu, cái nguy hiểm trên thế giới mạng để tránh? Có công cụ, công nghệ nào để người lớn có thể phân tích, phát hiện và giám sát được? Môi trường pháp lý có bảo đảm an toàn, minh bạch và xử lý cương quyết trước hành động phạm tội, tác động xấu của mạng xã hội đối với trẻ em?
(Hình minh họa: dantri.com.vn)