LĐO - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương (30.9.1950 - 30.9.2020), đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời phỏng vấn về vai trò, đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương trong việc tham mưu cho BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về phát triển kinh tế - xã hội cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội trong công tác thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.
PV: Thưa Chủ tịch Quốc hội, trong suốt 70 năm hình thành và phát triển, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu cho BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về phát triển kinh tế - xã hội. Để đưa những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội vào cuộc sống, vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội trong công tác thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng là rất quan trọng. Xin Đồng chí đánh giá việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật những năm qua và vai trò của Ban Kinh tế Trung ương?
- Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân: Trong suốt quá trình lãnh đạo phát triển đất nước, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về kinh tế - xã hội qua các thời kỳ gắn với sự đổi mới của mỗi giai đoạn phát triển. Những nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị là những căn cứ quan trọng để Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và sau đó là giám sát tối cao đối với hoạt động này.
Và như thế, chúng ta sẽ tạo lập nên một hệ thống pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, chất lượng với vai trò trung tâm của các đạo luật để điều chỉnh có hiệu quả toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, và điều đó nó cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tôi muốn nói ngay trong nhiệm kỳ XII của Đảng, chúng ta đã triển khai thực hiện 3 Nghị quyết quan trọng của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII đó là về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Để thế chế hóa những văn kiện quan trọng đó thì Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo xây dựng những luật như Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… và còn nhiều luật khác liên quan tới hệ thống pháp luật về kinh tế. Nhờ đó đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, minh bạch cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động.
Trong gần 35 năm đổi mới, để chúng ta xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện, nhất là pháp luật về kinh tế, để góp phần quan trọng tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng mục tiêu đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, và sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan của Đảng, trong đó có Ban Kinh tế Trung ương trong việc tham mưu và thẩm định những vấn đề, đề án phát triển kinh tế.
Nhìn lại chặng đường 70 năm hình thành và phát triển với nhiều thay đổi về mô hình tổ chức phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu, đề xuất cho Trung ương ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và ngay trong nhiệm kỳ này, tôi thấy Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu 15 nghị quyết, kết luận về kinh tế - xã hội, đồng thời đã hoàn thành tốt việc thẩm định, thẩm tra, tham gia ý kiến đối với các vấn đề, các đề án, các báo cáo mang tầm chiến lược giúp cho Đảng hoàn thiện được thể chế, cơ chế, chính sách, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Và đặc biệt, từ sau khi tái lập lại Ban Kinh tế, tôi thấy những ý kiến thẩm định của Ban Kinh tế rất có chất lượng.
Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, tôi tin rằng thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương sẽ khắc phục những hạn chế để tiếp tục chủ động nghiên cứu những vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, tham mưu cho Đảng những chính sách giúp cho việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong đổi mới quản lý kinh tế và thúc đẩy các cơ quan hành pháp thực hiện.
Đồng thời, tôi cho rằng việc tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội cùng với Ban Kinh tế Trung ương để thẩm định, thẩm tra các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, và những đề án trình Bộ Chính trị để tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành rất là quan trọng và sẽ đưa hoạt động của Ban ngày càng hiệu quả, toàn diện và có chất lượng cao hơn.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội!