LĐO - Ngày 25.9, Bộ Y tế tổ chức khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo tại Lễ khánh thành. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành Y tế trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cứu sống những ca bệnh nguy kịch từ xa
Sản phụ Trần Thị T, 30 tuổi ở tận huyện Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, mang thai ở tuần 35 dọa sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới đã được cứu sống kịp thời cả mẹ và con nhờ thực hiện tốt hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba và Bệnh viện Trung ương Huế thông qua Đề án Khám, chữa bệnh từ xa - Telehealth.
Cũng nhờ Telehealth, vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút.
Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm ca bệnh đã được khám, điều trị nhờ qua Đề án Khám, chữa bệnh từ xa - Telehealth.
Sau 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), Mường Nhé (tỉnh Điện Biên)…
Hy vọng Telehealth “phủ sóng” rộng rãi
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đơn vị được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, cho biết: Nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn. Mặc dù không thể thay thế tuyệt đối phương pháp khám chữa bệnh truyền thống như hiện nay, nhưng Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu và thiết thực cho hệ thống y tế.
Hiệu quả rõ nhất là giảm tỉ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở, giảm tỉ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện Trung ương. Đặc biệt là giảm tỉ lệ tái khám của người bệnh. Từ khi triển khai đến nay, chúng tôi đã khám, chữa bệnh cho gần 300 bệnh nhân với 40 buổi. Đây mới là giai đoạn đầu giúp tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thời gian tới, các buổi khám bệnh phải tạo hứng thú cho những người tham gia. Bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới phải coi nhau là đối tác chứ không chỉ thực hiện cho xong. Làm sao các bác sĩ tuyến dưới tự tin khám chữa bệnh, để người bệnh tin tưởng, không lên tuyến trên gây quá tải.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có một số khó khăn như một bác sĩ bệnh viện tuyến dưới và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng khám thì ai ký đơn thuốc? Bác sĩ tuyến dưới ký đơn thuốc thì phải chịu trách nhiệm với người bệnh. Hay việc chi trả bảo hiểm cho người bệnh. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ký bảo hiểm với một đơn vị nhưng đến nay chưa một trường hợp nào được thanh toán…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện đã có 26 bệnh viện tuyến trên đăng ký tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa. Theo đó, những bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện, năng lực sẽ được nhận sự hỗ trợ trực tiếp, đồng thời của bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh. Việc này giúp bệnh viện tuyến huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng chuyên môn tốt của tuyến trên ngay tại tuyến huyện.
Từ nay đến năm 2021, Đề án tập trung đầu tư vào các chuyên khoa có tình trạng quá tải trên cơ sở thống kê mô hình bệnh tật như tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm và các bệnh khác trong cộng đồng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. |
LỆ HÀ