Kênh giao tiếp ứng dụng trực tuyến
Mới chuyển đến sống tại phường 15 quận Bình Thạnh, anh Trần Minh Đức trong một lần đi làm giấy tờ ở phường đã được giới thiệu cài đặt ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” vào điện thoại. Từ đây, anh Đức có thể làm, nộp qua mạng hồ sơ điều chỉnh thiết kế giấy phép xây dựng. Khi có việc cần trực tiếp lên UBND quận làm giấy tờ, anh Đức có thể lấy trước số thứ tự từ điện thoại để khỏi phải chờ đợi. Anh Đức nhận xét, ứng dụng này có rất nhiều thông tin bổ ích.
Trước đó, từ tháng 5-2017, quận Bình Thạnh ra mắt ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”. Một trong những điểm nổi bật của ứng dụng này là người dân ở bất cứ nơi đâu cũng đều dễ dàng tương tác với chính quyền thông qua chiếc điện thoại thông minh. Tới nay, rất nhiều người đã biết với ứng dụng trực tuyến, người dân có thể chụp hình, quay video, phản ánh vi phạm xây dựng, lấn chiếm lòng lề đường… Đã có hơn 20.800 ý kiến phản ánh của người dân được gửi tới, trong đó, có tới 95% tin phản ánh của người dân là đúng sự thật.
Trong khi đó, người dân có bức xúc, phản ánh vi phạm theo quy trình thông thường thì phải gửi đơn qua phường, có khi mất 15 - 20 ngày để xử lý và trong thời gian đó cũng không biết phản ánh của mình đã được giải quyết tới đâu. Vậy là một hệ thống phục vụ cho công chức, lãnh đạo, người dân được Bình Thạnh tính đến, trong đó có ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”. Theo ông Phan Văn Định, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, điều tích cực là người dân đã phản ánh kịp thời các vi phạm để cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết. Người dân tương tác trực tiếp với các cơ quan nhà nước, thay vì trước đây phải gửi đơn thư. Ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức được tăng cao, hạn chế các tiêu cực vì hệ thống công khai hình ảnh vi phạm và kết quả xử lý cho người dân giám sát. Bên cạnh đó, ý thức của người dân có những chuyển biến, có sự thay đổi hành vi, không dám vi phạm vì tất cả các hành vi vi phạm có thể bị phát hiện bất cứ lúc nào.
Giờ đây, ứng dụng trực tuyến đã được vận hành tại các địa phương trên địa bàn TPHCM, tạo thành một kênh để chính quyền giao tiếp hiệu quả hơn với người dân. Là địa phương vừa ra mắt ứng dụng “Thủ Đức trực tuyến”, ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND quận, khẳng định ứng dụng này bao quát nhiều nội dung, với nhiều tính năng.
“Thủ Đức trực tuyến” được xem là một trong các giải pháp trọng tâm để thực hiện công tác quản lý. Đây cũng là công cụ để người dân giám sát việc thực thi công vụ, tạo môi trường tương tác giữa chính quyền với người dân.
Tại quận 2, quận đã vận hành ứng dụng “Quận 2 trực tuyến” để tiếp nhận các nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực. Hiện nay quận cũng đang tập trung xây dựng để đến tháng 9-2020 sẽ vận hành 4 công trình ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và quản lý nhà nước.
“Đây là các công trình cụ thể, được quận xác định sẽ tập trung thực hiện nhằm triển khai quyết liệt Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh trên địa bàn quận”, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, bày tỏ.
Mở rộng tương tác với người dân
Tại quận 1 - một trong 2 quận đầu tiên ở TPHCM (cùng với quận 12) thí điểm xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết, đô thị thông minh tại quận 1 với mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh được tích hợp cùng 8 hệ thống thông minh ở các lĩnh vực.
Điểm đặc biệt, quận 1 đã nâng cấp dịch vụ công trực tuyến “tiếp nhận đăng ký không giấy” trên nhiều lĩnh vực. Thủ tục dịch vụ công trực tuyến được rút gọn tối đa. Người dân có thể làm thủ tục trực tuyến một cách rất đơn giản: sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để “đăng ký giải quyết thủ tục hành chính” và gửi hồ sơ. Quá trình làm thủ tục hành chính, người dân không phải nộp bất kỳ giấy tờ liên quan nào.
Quận còn kết nối với ngân hàng để người dân có thể thanh toán trực tuyến, không cần xài tiền mặt. Nhờ thuận tiện như vậy, người dân từng bước thay đổi thói quen, chuyển từ hình thức nộp hồ sơ trực tiếp sang nộp hồ sơ trực tuyến. Lượng hồ sơ trực tuyến năm 2019 trên địa bàn quận tăng gấp 4 lần so với năm 2018, đạt gần 70%. Trong những tháng đầu năm 2020, lượng hồ sơ thủ tục trực tuyến chiếm đến 96%.
Trong khi đó, tại quận 12, quận đẩy mạnh các hoạt động tương tác với người dân qua môi trường điện tử. Người dân có thể sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ hành chính để theo dõi quy trình xử lý hồ sơ ở từng công đoạn và nắm bắt kết quả giải quyết ngay lập tức. Ngoài các kênh truyền thống giao tiếp với người dân, quận đã xây dựng website, Facebook, Zalo tương tác với đông đảo người dân. “Phản ánh của người dân đều được trả lời trong vòng 48 tiếng. Quận đảm bảo tất cả ý kiến của người dân đều được tiếp nhận và xử lý”, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu chia sẻ.
Quận Bình Tân được biết đến là địa phương đông dân nhất TPHCM và cũng là cấp quận huyện đông đân nhất cả nước, với khoảng 780.000 người. Vì vậy, ông Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin để tương tác, kết nối với người dân. Bình Tân đã có ứng dụng “Bình Tân công dân số” (ứng dụng trực tuyến trên điện thoại di động) để người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên một số lĩnh vực và tra cứu thông tin về thủ tục hành chính, tra cứu thông tin quy hoạch, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ cũng như phản ánh, góp ý về các vấn đề quan tâm.
TPHCM đã cung cấp 1.070 dịch vụ công trực tuyến. Các sở ban ngành, UBND quận huyện đã triển khai hệ thống một cửa điện tử, ISO điện tử giúp lãnh đạo giám sát tình trạng xử lý hồ sơ của đơn vị, biết nguyên nhân trễ hạn để có hướng xử lý |
Về nội dung này, ông Huỳnh Nhật Tâm, Chánh văn phòng HĐND - UBND quận Thủ Đức, cho biết thêm đến nay quận đã hoàn thành việc xây dựng CSDL (theo yêu cầu xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố) với gần 1,5 triệu trang tài liệu, có chức năng tự động thu thập văn bản, hồ sơ, bóc tách, số hóa, cập nhật vào kho lưu trữ số từ phần mềm quản lý văn bản - hồ sơ công việc. Quận cũng đang tiếp tục tạo lập CSDL đầu kỳ cho dữ liệu hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận cha mẹ con) với gần 1 triệu trang tài liệu; CSDL hồ sơ lĩnh vực quản lý đô thị với hơn 2,6 triệu trang.
Trên toàn địa bàn, TPHCM đang tổ chức khai thác Kho dữ liệu dùng chung nhằm phục vụ công tác quản lý và cung cấp các tiện ích khai thác dữ liệu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. TPHCM tập trung hoàn thiện thể chế, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Kiến trúc Chính quyền điện tử TPHCM, thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, gắn bó chặt chẽ với xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.