Tìm mọi thủ đoạn để tiến công Đảng, Nhà nước Việt Nam là hành vi quen thuộc mà một số người gọi là “nhà dân chủ” đã thực hiện trong nhiều năm qua. Ngay cả việc công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng bị những đối tượng trên cố tình bóp méo, xuyên tạc, suy đoán tùy tiện để mưu đồ lũng đoạn nhận thức, gây hoang mang dư luận. Ý kiến ông Minh Giang - người Mỹ gốc Việt, trình bày qua clíp “Dân chủ cuội bao che tham nhũng với lập luận cũ rích...” công bố ngày 30-8-2020 trên trang Trực diện TV là một cách tiếp cận vấn đề này. Báo Nhân Dân giới thiệu bản lược ghi để bạn đọc tham khảo.
 

Vừa qua trong thông tin về Việt Nam chúng ta thấy liên quan đến các vụ án là hàng loạt những thông tin trôi nổi trên mạng xã hội, thậm chí xuất phát từ những người gọi là “đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam”, một số thông tin báo chí hay các trang mạng ở hải ngoại theo kiểu chống đối với chính sách của Nhà nước Việt Nam. Thật ra người ta nhân danh là đấu tranh dân chủ nhưng mà cuối cùng thì lại  lộ rõ ý đồ đẩy dư luận theo cái kiểu hướng đây là vụ việc gần như mang tính chất là đấu đá nội bộ hoặc đây là một sự thanh trừng lẫn nhau, hay là các cuộc “nội chiến”...

Chúng ta thấy tất cả những điều đó không có gì là lạ. Nhớ lại trước kia trong vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, một người sai phạm rất nhiều, một cán bộ không có năng lực, thậm chí cố ý làm trái trong rất nhiều trường hợp. Các sai phạm đó đã minh chứng bằng những bản án và Trịnh Xuân Thanh đã bị nhận án tù nhiều năm. Thời điểm đó, cái giới gọi là “đấu tranh dân chủ nhân quyền” cũng lên tiếng rất nhiều. Họ nói rằng phía sau vụ việc này là “đấu đá”, là muốn trừng phạt hay “đánh sân trước, sân sau” của ông này ông kia, nhưng cuối cùng vấn đề chúng ta quan tâm nhất là người ta làm có sai hay không, người ta ra tòa có chứng cứ hay không và những chứng cứ đó có đúng theo các quy định của luật pháp của Việt Nam hay không?... Ngành luật pháp của Việt Nam đang đi theo hướng hoàn chỉnh, hoàn thiện hơn và một người đứng trước cơ quan pháp luật phải có chứng cứ. Nếu những người như  Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng ra tòa mà không có chứng cứ đầy đủ thì người ta có để yên như thế không? Thực ra, việc nói là tranh giành quyền lực, đấu đá hay phe này đánh phe kia thì từ trước tới giờ là kiểu mà người ta thường nói rồi. Bây giờ họ cũng nói ra luận điệu giống vậy. Thí dụ trên trang của VOA, đã phỏng vấn một ông tiến sĩ ở Việt Nam. Và ông này nói về “các phe phái lại tăng cường đấu đá để tranh giành quyền lực”. Hoặc bài báo của một trang mạng bên Đức nói rằng đây là “nội chiến” và đưa ra khá nhiều nhận định mà chúng ta thấy những nhận định đó không có cơ sở để đánh giá. Về việc thực thi pháp luật, thí dụ như đấu tranh để một đất nước, một xã hội phải đi theo guồng máy, theo trật tự trị an, điều đó mới đúng. Việc tố cáo hoặc nhận định lung tung cũng thường xảy ra, ngay ở chính trường của Mỹ cũng vậy. Như tại Mỹ, cũng có một nhóm gọi là “dân chủ cuội”, họ đấu tranh và nói nước Mỹ cần phải thế này, cần phải thế kia nhưng cuối cùng họ lại ủng hộ cho quậy phá, biểu tình bạo loạn, đốt phá,... và đủ thứ chuyện khác. Họ còn làm cả những việc chống lại luật pháp nữa. Họ nói rằng luật pháp ở xứ Mỹ này không có bình đẳng, không bảo vệ quyền lợi của người dân. Nhưng nếu không bảo vệ quyền lợi người dân thì làm sao nước Mỹ được như ngày hôm nay, và ngay cả trong trường hợp của nước Việt Nam cũng vậy.

Nực cười là không hiểu những người giương “ngọn cờ đấu tranh cho dân chủ” đã đấu tranh cho công bằng xã hội, cho kỷ cương, cho dân chủ, nhân quyền hay muốn đấu tranh vì mục đích như thế nào, trong khi lại vinh danh tội phạm, thậm chí vin vào đó để tố cáo ngược lại, vẽ vời ra rất nhiều thứ nhằm mưu toan, dẫn dắt dư luận vào ngõ cụt? Ở thời điểm như hiện nay, trong thời gian khoảng một năm gần đây, nhất là trong đại dịch Covid-19, rất nhiều người đã thấy được bộ mặt của đám “dân chủ cuội”, của đám “đấu tranh giương cao ngọn cờ” này kia, nhưng thật ra là nhằm mục đích chính trị hoặc vì một điều gì đó theo cách rất  cá nhân. Mà nhân thân của những người này là gì mà được phong tặng “trời thần, đất lở”, một số thông tin báo chí tiếng Việt ở nước ngoài cũng đã bơm thổi lên giống như những kẻ “đấu tranh dân chủ nhân quyền” là mô hình để thu hút quần chúng. Như “Mẹ Nấm” (tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - kẻ năm 2017 nhận bản án 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, năm 2018 đã được Nhà nước Việt Nam cho phép đến Mỹ định cư) chẳng hạn, xuất hiện hết trang này đến trang kia. Họ vin vào điều này điều khác, mà mục đích của “đấu tranh” không phải vì chân - thiện - mỹ, mà vì cái rất cá nhân, nếu chúng ta không khéo sẽ đi theo đường hướng đó và nó sẽ dẫn dắt, sẽ làm nguy hại tư cách của chúng ta trước... Đứng sau họ là rất nhiều thế lực, họ múa may, hoặc chỉ có tính chất tượng trưng, nhằm thực hiện các mục đích sâu xa hơn của kẻ đứng phía sau.

Chúng ta thấy rất nhiều thông tin ở trên mạng xã hội dù chỉ trích hay muốn mở rộng vấn đề nọ, vấn đề kia thì cũng liên quan đến pháp luật và liên quan đến kinh tế. Một xã hội càng ổn định, đi vào kỷ cương thì kinh tế phải ổn định, chính trị, pháp luật phải hoàn thiện. Khi một cán bộ dung dưỡng cho những cách làm kinh tế rất sai trái thì chúng ta phải hiểu rằng tự thân việc làm như thế đã phá hoại kinh tế, phá vỡ sự ổn định của quốc gia, và ngay cả với luật pháp cũng vậy. Ủng hộ cách làm sai rõ ràng là đang phá vỡ các trật tự. Bảo vệ kẻ tội phạm thì chẳng khác nào dung dưỡng và nuôi nấng tội phạm để tiếp tục làm hại quốc gia. Vậy những người muốn “đấu tranh dân chủ cho Việt Nam”, muốn “đấu tranh cho Việt Nam” là để dung dưỡng cho những kẻ tiếp tục phá hoại đất nước hay sao? Họ cho rằng “thanh trừng lẫn nhau”, “đang có nội chiến”, nhưng cuối cùng bản thân họ mới là những người đang cố trở thành một bên của “nội chiến”, hoặc là họ cố kích thích cuộc “nội chiến”. Đây mới là vấn đề cần chú ý và chúng ta thấy mỗi lần xảy ra sự việc này, việc kia thì một nhóm người lại tung các tin như thế. Có rất nhiều vi-đê-ô clíp trên mạng xã hội được họ giật “tít” theo kiểu rất nguy hại. Nội dung không nguy hại mà họ giật cái “tít” như vậy là đã bậy rồi, vì không có cơ sở gì hết. Song không hiểu vì sao có nhiều vi-đê-ô clíp được giật “tít” như vậy mà cũng có người tò mò vào xem. Thí dụ, họ giật “tít” bảo ông phó thủ tướng nọ, ông bộ trưởng kia có mấy chục triệu mỹ kim gửi ở nước ngoài, hoặc đã có vợ hai, vợ ba, thậm chí họ còn nói người này chết rồi, người nổi tiếng kia bị tai nạn,... rồi đủ thứ chuyện khác. Phải nói rằng họ đã xúc phạm, xâm phạm rất nhiều vào đời tư của người khác. Thậm chí họ dựng chuyện một cách hết sức trơ trẽn, như kiểu câu view (lượt xem) câu like (lượt thích), hay làm để chụp giật. Cũng ít trách nếu như họ là những người bình thường, nhưng những kẻ nhân danh, núp bóng hội đoàn này hội đoàn kia, chụm đầu với nhau để nâng đỡ, thổi phồng lẫn nhau và cuối cùng sử dụng thông tin nhằm mục đích lôi kéo quần chúng thì không thể bỏ qua được. 

Cho nên khi xem xét các thông tin trên mạng chúng ta phải hết sức cảnh giác, phải biết được thông tin nào đúng, thông tin nào sai, không nên tò mò hoặc vào xem các mảng tối như thế. Luật pháp, kỷ cương cần phải giữ vững, người càng cao hay chức vụ như thế nào đi nữa cũng không có ngoại lệ, tức là không có vùng cấm. Ở góc độ của Chính phủ, Bộ Công an hay các cơ quan như tư pháp, khi họ đưa ra những thông tin cụ thể về các vấn đề như vậy thì rõ ràng cũng không có vùng cấm. Do đó ít nhất cũng bảo đảm mức bình đẳng giữa người với người trước pháp luật. Bao nhiêu nước khác cũng đang hô hào, mong muốn phát triển để đến được mức độ như thế. Ngay ở Mỹ, ai cũng phải chấp hành, thượng tôn pháp luật và thượng tôn pháp luật là điều mà tất cả các nước hướng tới. Ở Việt Nam cũng vậy, Việt Nam cũng nói rằng xây dựng Nhà nước và phấn đấu để có công bằng, tiến bộ xã hội. Rõ ràng chúng ta cần hiểu rằng khi đã sống và làm theo pháp luật thì cán bộ dù đương chức đi nữa, nếu phạm luật thì vẫn bị xét xử. Nếu luật pháp làm được điều đó, chúng ta phải thấy mừng mới đúng chứ, sao lại chống? Rõ ràng cần chúng ta hiểu rằng khi sống và làm theo pháp luật, thì những cán bộ dù đương chức chăng nữa  nếu vi phạm vẫn bị pháp luật xử lý. Và khi họ bị cáo buộc, bị xét xử trước pháp luật, điều chúng ta cần quan tâm là chứng cứ đúng hay không, căn cứ theo luật pháp thì họ có tội hay không có tội. Còn từ đó cho rằng bên trong là “ông này đánh bà kia”, “bà kia đánh bà nọ”,... là không hiểu biết. Không hiểu biết pháp luật, đoán mò theo kiểu “rờ mu rùa”, làm như người khác không biết gì hết,… là điều rất là đáng trách. Và chúng ta thấy rằng những luận điệu như thế còn tiếp diễn, và thường tiếp diễn trong giới gọi là “hoạt động dân chủ” và “dân chủ cuội” nhiều hơn. “Dân chủ cuội” ở đâu cũng có, ngay tại Mỹ, ngay ở Việt Nam cũng có. Và dường như có một bộ phận còn dính liền với nhau ở trong và ngoài nước với giới “dân chủ cuội” để thực hiện các mục đích bất chính của họ.

(*) Đầu đề là của Tòa soạn.

 
ĐOÀN DÂN (lược ghi)