(CLO) Đổ lỗi cho cơ chế chỉ là một cách bao biện hòng đổ vấy trách nhiệm cho hoàn cảnh. Thay vì tìm cách vá lỗ hổng cơ chế, người ta lại lợi dụng nó để lộ ra những khoảng tối lòng tham.
1. Cuối cùng thì màn kịch phù phép hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh tại bệnh viện Bạch Mai từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng đã lộ diện thêm những nhân vật chính.
Còn nhớ khi “vở kịch” mới bắt đầu công diễn, ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã trả lời báo chí rằng bệnh viện cũng chỉ là nạn nhân. Sự bao biện ấy đã không thuyết phục được dư luận và cơ quan điều tra.
Tối 25/9, cả ông Nguyễn Quốc Anh, ông Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó Giám đốc) và bà Trịnh Thị Thuận (nguyên Kế toán trưởng) đã đồng loạt bị khởi tố để điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Những tưởng những người như ông Anh, ông Hiền, bà Thuận chỉ là tuyến nhân vật phụ kiểu ...chạy cờ, múa phụ họa trong màn kịch vụng mang tên “ăn trên lưng người bệnh”. Những tưởng Bạch Mai chỉ là nơi cho mượn sân khấu để những nhân vật chính là nhà đầu tư và đơn vị thẩm định giá tự tung tự tác. Nhưng không, tất cả họ đều trên cùng tuyến nhân vật, tạo thành một ê-kíp có năng lực hô biến giá trị của máy móc như …ảo thuật gia.
Kết cục, khán giả, ở đây là bệnh nhân đã phải đau đớn mua vé với giá cắt cổ những mong chữa lành vết đau. Và rồi thì vết đau ấy khi chưa lành lại thêm một lần rạn vỡ khi biết tin mình mua phải "vé giả giá cao" để xem một vở bi kịch có tên “lừa đảo và lợi dụng”.
2. Giờ đây, những tin tức khởi tố, bắt bớ với ngay cả những cán bộ lãnh đạo cao cấp, thậm chí với cả những người từng là anh hùng, thần tượng đã không còn khiến dư luận bất ngờ. Nhưng trường hợp của những người thầy thuốc với sứ mệnh cao cả là chữa lành vết đau, cứu vớt sự sống của đồng loại khiến chung ta không khỏi cảm thấy xót xa.
Bỏ qua suy nghĩ ông Quốc Anh từng là Anh hùng Lao động, từng là nhà khoa học xuất sắc. Hãy nghĩ về họ với sứ mệnh của một lương y, để thấy sự xót xa có thể gọi thành tên: sa lầy, vấy bùn ở chính nơi họ được trao truyền sứ mệnh trồng cấy, chăm bón.
Rồi thì bao nhiêu cuộc sống, số phận đã được hồi sinh, tái tạo từ bàn tay, khối óc và cả trái tim của những người thầy thuốc có thành tựu như ông Quốc Anh, ông Ngọc Hiền sẽ đón nhận thông tin họ bị khởi tố như thế nào?
Đó chắc chắn không phải là một “tai nạn nghề nghiệp” kiểu như tai biến y khóa để có thể tìm thấy sự chia sẻ của cộng đồng
3. Cần phải nhắc lại rằng, chủ trương xã hội hóa y tế là đúng đắn, thiết thực. Nếu không huy động các nguồn lực xã hội hóa, nền y tế ở một đất nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam sẽ rất khó phát triển. Vấn đề đặt ra là vận hành cơ chế ấy như thế nào để hiệu quả, để không tồn tại những khoảng tối nhập nhèm chia chác mật mỡ.
Cơ chế đặt máy móc, thiết bị y tế xã hội hóa trong các bệnh viện công có nhiều ưu điểm nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ để tham nhũng, “lợi ích nhóm” hoành hành. Đặc biệt, trong điều kiện quản lý về đấu thầu, thẩm định giá lỏng lẻo như hiện nay, ai có thể dám chắc không có những cuộc “đi đêm” bằng “nén bạc” nhằm đâm toạc …tờ giấy.
Ai có thể giám sát việc anh A, chị B là những người có quyền lực thông qua vợ, con, người thân, doanh nghiệp “sân sau” núp bóng gửi máy móc thiết bị vào để kiếm lời?
Máy móc xã hội hóa đặt trong bệnh viện công là một phương án kinh doanh siêu lợi nhuận. Một mặt được thu tiền của người bệnh theo kiểu đơn phương “áp giá” như trường hợp ở bệnh viện Bạch Mai. Mặt khác còn được thanh toán Bảo hiểm y tế đối với những dịch vụ kỹ thuật trong phạm vi cho phép.
Như vậy, cơ chế vận hành này tựa như “phòng khám tư…di động” được đặt trong bệnh viện công. Nói cách khác, đây là biểu hiện của tình trạng công không ra công, tư không ra tư. Điều đáng nói là nhiều năm qua, hiện tượng này lại được nhìn nhận như là một biện pháp nhằm tiết kiệm chi ngân sách, giảm áp lực quá tải cho bệnh viện công, giúp người bệnh có thêm sự lựa chọn.
4. Trở lại câu chuyện đặt máy móc thiết bị y tế xã hội hóa tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi vụ việc bại lộ, nguyên Giám đốc Nguyễn Quốc Anh cho rằng, bệnh viện cũng chỉ là nạn nhân.
Nhiều người cũng chia sẻ với ông Anh đồng thời vịn vào lỗ hổng cơ chế. Rằng bản thân vị nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai đơn thuần chỉ là nhà khoa học nên thiếu kinh nghiệm trong quản trị bệnh viện theo mô hình công tư kết hợp. Nhưng rồi khi cơ quan điều tra đưa ra thông tin ban đầu về việc thực hiện cơ chế xã hội hóa tại bệnh viện này, không ít người đã giật mình bởi những con số …khủng.
Cụ thể: trong thời gian từ 2007 đến nay, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện 35 đề án xã hội hóa, liên doanh liên kết để đặt máy, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh. Doanh thu từ mô hình này tính đến hết năm 2019 là 2.561 tỷ đồng. Trong số đó, nhiều đề án xã hội hóa đã triển khai thực hiện sai quy trình, quy định, gây thiệt hại cho bệnh nhân và quỹ BHYT.
Như vậy, không thể đổ lỗi cho cơ chế hay kinh nghiệm quản lý mà trái lại, họ đã tìm cách để trục lợi cơ chế.
Điều đáng quan tâm là quá trình đặt máy móc, thiết bị y tế xã hội hóa tại bệnh viện Bạch Mai đã kéo dài hàng thập kỷ và chắc chắn cơ quan chức năng cũng đã có chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát nhưng tại sao phải đến khi ông Giám đốc nghỉ hưu, vụ nâng khống giá hệ thống hỗ trợ phẫu thuật thần kinh bị phanh phui thì mới lộ ra thêm nhiều sai phạm khác?
Nếu cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng phạm vi điều tra đến các cơ sở y tế khác, liệu có xuất hiện thêm những… Bạch Mai tiếp theo?
Đổ lỗi cho cơ chế chỉ là một cách bao biện hòng đổ vấy trách nhiệm cho hoàn cảnh. Thay vì tìm cách vá lỗ hổng cơ chế, người ta lại lợi dụng nó để lộ ra những khoảng tối lòng tham.
Quang Duy