LĐO - Khi tiến hành sáp nhập phường, quận, TPHCM sẽ không thu các loại phí, lệ phí và tạo thuận lợi trong việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Khi sáp nhập phường, quận, TPHCM không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi giấy tờ.  Ảnh: Minh Quân
Khi sáp nhập phường, quận, TPHCM không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi giấy tờ. Ảnh: Minh Quân

Không thu phí, lệ phí chuyển đổi giấy tờ

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TPHCM giai đoạn 2019 – 2021, sẽ có 3 quận và 19 phường thuộc diện sáp nhập.

Cụ thể, ở cấp huyện, TPHCM nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành một đơn vị hành chính mới – thành phố Thủ Đức. Ở cấp xã, TPHCM sắp xếp 19 phường thuộc các quận: 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

UBND TPHCM đánh giá, việc sắp xếp, bố trí địa bàn dân cư bước đầu có ảnh hưởng đến nếp sống, điều kiện sinh hoạt của người dân khi nhập với đơn vị hành chính mới. Ngoài ra, ít nhiều gây xáo trộn đến đời sống người dân ở địa phương được sáp nhập trong việc thay đổi giấy tờ tùy thân.

Trong khi đó, một số công việc đang được triển khai thực hiện ở các địa phương trên địa bàn quận, phường sáp nhập sẽ chậm tiến độ vì bàn giao cho cơ quan quản lý mới, không liên tục và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công, UBND TPHCM đã yêu cầu các quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp chủ động triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ.

Thành phố sẽ không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi và tạo thuận lợi trong việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ, nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn tiếp tục được sử dụng tại đơn vị hành chính mới.

Sắp sếp cán bộ dôi, dư thế nào?

TPHCM có phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp.

Theo đó, đối với cán bộ, công chức cấp quận dôi dư sau sáp nhập thực hiện giảm dần trong thời gian 60 tháng.

Cụ thể phương án bố trí, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư: giải quyết nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi) hoặc không đủ chuẩn để tái cử; điều động sang quận, huyện khác hoặc xét chuyển thành công chức TPHCM.

Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định chính sách của TPHCM.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã, sau khi sắp xếp 19 phường thành các đơn vị hành chính mới, tổng số cán bộ, công chức của 19 phường hiện có 308 người, tổng số người hoạt động không chuyên trách là 276.

Số lượng cán bộ, công chức dôi dư là 107 người, số lượng người hoạt động không chuyên trách dôi dư 151 người.

Phương án bố trí, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư là: giải quyết nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi) hoặc không đủ chuẩn để tái cử; điều động sang phường khác hoặc xét chuyển thành công chức cấp huyện; giải quyết thôi việc; thực hiện tinh giản biên chế.