Người dân làm thủ tục qua mạng - sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia - ẢNH: KHẢ HÒA
Vào thời điểm khai trương tháng 9.2019, Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) triển khai 8 nhóm thủ tục. Đến thời điểm hiện nay, Cổng DVCQG cung cấp 1.298 dịch vụ công trực tuyến; trong đó có 762 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp (DN), 640 dịch vụ công dành cho công dân.
Các thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ trên Cổng DVCQG đã tăng gấp hơn 160 lần so với thời điểm khai trương và đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng, hướng tới là kênh giao tiếp điện tử hiệu quả giữa người dân, DN và các cơ quan nhà nước.
Sau hơn 9 tháng hoạt động, Cổng DVCQG đã có hơn 69 triệu lượt truy cập, hơn 280.000 tài khoản đăng ký; tiếp nhận, hỗ trợ trên 30.000 cuộc gọi và 8.500 phản ánh, kiến nghị. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn của người dân, DN đối với các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng DVCQG. Đến nay, nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, tiện ích đã được cung cấp trên Cổng DVCQG. Không phụ thuộc thời gian, vị trí địa lý, người dân chỉ cần ngồi nhà vẫn được cung cấp dịch vụ công thông qua Cổng DVCQG.
Công dân đầu tiên đăng ký ô tô trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Cấp đổi giấy phép lái xe chỉ trong vài phút
Tại thời điểm khai trương, Cổng DVCQG cung cấp các dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, TP gồm đổi giấy phép lái xe (GPLX), thông báo hoạt động khuyến mãi, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng, cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), cấp điện trung áp (phục vụ DN) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện; cung cấp các dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ gồm cấp GPLX quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa...
Cấp đổi GPLX là một trong những dịch vụ công trực tuyến được cung cấp đầu tiên khi Cổng DVCQG khai trương tháng 12.2019. Đến 22.9.2020, việc cấp đổi GPLX trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG là 1.239 trường hợp, trong đó có 52 trường hợp thực hiện thí điểm mức độ 4.
Nếu như trước kia người dân muốn đổi GPLX phải trực tiếp đến các địa điểm cấp đổi khai báo rồi lấy số thứ tự ngồi đợi tới lượt, nhận giấy hẹn đến lấy GPLX mới. Nhưng từ khi có Cổng DVCQG, người dân chỉ cần khai báo trực tuyến tại nhà hoặc những nơi có mạng internet. Sau khi khai báo, người dân có thể theo dõi quá trình xử lý hồ sơ đến khi hoàn tất. Việc làm này vừa tiện lợi cho người dân, vừa tiết kiệm được thời gian, giảm tải việc tiếp công dân, giảm chi phí phát sinh cho các cơ quan công quyền. Mọi thông tin giao dịch đều được thông báo trên điện thoại di động nên cá nhân, DN có thể nắm bắt được tiến độ hồ sơ của mình.
3 phút để nộp phạt vi phạm giao thông
Tiếp tục trong tháng 3.2020, thêm 11 dịch vụ công trực tuyến được cập nhật lên Cổng DVCQG, đặc biệt những dịch vụ này chú trọng đến thanh toán trực tuyến gồm: nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thí điểm tại 5 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận); nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy (thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM); đăng ký khai sinh tại 45 tỉnh, TP; cấp phiếu lý lịch tư pháp tại 58 tỉnh, TP; nộp thuế cá nhân; nộp thuế DN; nộp thuế môn bài; hủy tờ khai hải quan; khai bổ sung tờ khai hải quan; đăng ký cung ứng hợp đồng lao động; đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách. Các dịch vụ công này được tích hợp lên Cổng DVCQG đúng thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Theo thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), việc đưa 2 dịch vụ công là xử phạt vi phạm hành chính và nộp lệ phí trước bạ lên Cổng DVCQG còn giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tiết kiệm thời gian, giảm phiền hà cho người dân.
Thay vì đến kho bạc để nộp phạt rồi lại quay về cơ quan công an - nơi ra quyết định xử phạt, để trình biên lai đóng tiền rồi mới được nhận lại các loại giấy tờ, thì hiện nay sau khi nhận quyết định xử phạt, người dân nếu vi phạm giao thông tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận chỉ mất khoảng 3 phút để truy nhập Cổng DVCQG nộp phạt và lựa chọn đăng ký nhận kết quả tại nhà qua bưu điện. Tính đến nay, số trường hợp nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG là 2.027.
Phấn đấu “xe ra khỏi gara là có biển số”
Mới đây, tháng 8.2020, Cổng DVCQG đánh dấu thời điểm tích hợp dịch vụ công thứ 1.000: dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến. Sau một tháng đi vào vận hành, số kê khai lệ phí trước bạ thông qua Cổng DVCQG là 1.303 trường hợp, nộp lệ phí trước bạ trực tuyến là 58.325 truờng hợp, đăng ký cấp biển số ô tô trực tuyến thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM đã có 15 trường hợp thực hiện.
Là dịch vụ công khi triển khai tích hợp đã gây khó cho các cơ quan quản lý bởi lần đầu tiên triển khai và phải cấu trúc lại quy trình. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh khi dịch vụ công này được vận hành chính là sản phẩm thay đổi tư duy, cách quản lý, là hành động cụ thể phục vụ người dân, DN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thời điểm được tích hợp, những công dân đầu tiên thực hiện thành công dịch vụ công thứ 1.000 về kê khai nộp lệ phí trước bạ, cấp đăng ký, biển số xe trực tuyến cho biết rất bất ngờ bởi thủ tục thật “đơn giản, quá thuận lợi cho người dân”. Trải nghiệm thực tế từ người dùng cho thấy đăng ký, cấp biển số xe trực tuyến rất đơn giản, chỉ mất khoảng 2 phút đối với kê khai, nộp lệ phí trước bạ và 3 phút với đăng ký xe, thay vì trước đây phải mất nửa ngày đi đến cơ quan thuế nộp thuế và nhiều ngày đi lại đến cơ quan công an để đăng ký xe.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết Cục CSGT sẽ tiến tới điện tử hóa toàn bộ quy trình đăng ký xe, phấn đấu xe ra khỏi gara đã có biển số.
Cấp giấy phép xây dựng qua mạng
Sắp tới, Cổng DVCQG tiếp tục tích hợp một số dịch vụ thiết yếu được người dân, DN mong chờ. Đó là dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch; cấp giấy phép xây dựng; thanh toán nghĩa vụ tài chính đối với thủ tục hành chính về đất đai; cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đây đều là những dịch vụ công thiết yếu, đặc biệt dịch vụ cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, có số lượng đối tượng thực hiện lớn, nằm trong số 20 loại dịch vụ được Liên Hiệp Quốc đánh giá trong chỉ số phát triển chính phủ điện tử. Hiện Bộ TN-MT đang hoàn thiện vấn đề thể chế cũng như phát triển hệ thống phần mềm...
Theo dự kiến, tháng 11.2020 sẽ tiếp tục đưa các dịch vụ này lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thúc đẩy các giao dịch số trong lĩnh vực dân sự, kinh tế
Đầu tháng 7.2020, thêm 6 dịch vụ công thiết yếu được cung cấp trên Cổng DVCQG, gồm: chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; cấp mới, đổi GPLX mức độ 4; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của CSGT; đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Trong đó, dịch vụ công số 725 - chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, là dịch vụ quan trọng, có vai trò thúc đẩy số hóa, với giá trị sử dụng của bản sao điện tử đã được chứng thực thay cho bản chính... sẽ giúp đưa hầu hết các thủ tục hành chính thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên môi trường điện tử (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4), cũng như tạo điều kiện để thực hiện các giao dịch số trong lĩnh vực dân sự, kinh tế.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc cung cấp 6 dịch vụ công trực tuyến này trên Cổng DVCQG có thể giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện của người dân, DN tối thiểu khoảng 1.686 tỉ đồng/năm.
Dù các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã bắt đầu được người dân đón nhận, tuy nhiên số người dùng chưa thực sự lớn tiếp tục đặt ra cho các nhà quản lý về sự cải cách quy trình, tính tiện ích, sự bảo mật và tuyên truyền để tạo niềm tin cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG. Đây cũng là những điều tất yếu tiến tới xã hội văn minh.