Để có chương trình này, từ 3 tháng trước Vinpearl đã có chuẩn bị để đón các y bác sĩ theo cách ấm áp và trang trọng. "Những chiến binh áo trắng" rời bệnh viện, phòng xét nghiệm, họ đã toàn tâm cho một mục tiêu: chống dịch, và giờ là giờ khắc vinh danh những người chống dịch.
Làm mọi điều để người dân được yên ổn và hạnh phúc
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh, GĐ Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc kể câu chuyện ở ổ dịch đầu tiên trong vụ dịch này ở Việt Nam. Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" của Bộ Y tế, Bình Xuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, khi đó còn rất tồi tàn, khắp sân là những "ổ voi" lồi lõm, điều kiện cách ly không đủ, chưa kể những nỗi lo lắng về chuyên môn khi đây là căn bệnh mới xuất hiện.
"Thời gian rất gấp mà thuê ai cũng không làm vì họ sợ lây, vậy là anh em y bác sĩ xắn tay lên... xây, trát, sơn, lợp mái, chỉ 48 giờ đồng hồ xây xong 6 phòng cách ly mái lợp tôn, khung sắt, đổ bê tông lấp các hố lồi lõm, và sau đó đón bệnh nhân. Phòng khám đa khoa Quang Hà sau này điều trị khỏi 5 bệnh nhân Covid-19, cách ly hơn 60 người có liên quan, không làm lây nhiễm ra cộng đồng. Có ngày anh em đi điều tra ổ dịch, ngồi chờ đến hơn 10 giờ gia đình mới mở cửa cho vào"- bác sĩ Minh nói.
Thành công trong chống dịch Covid-19 bắt đầu từ những mảnh ghép như thế. Đầu vụ dịch, mỗi khi có mẫu nghi Covid-19 tại khu vực, Bệnh viện trung ương Huế phải gửi vào Nha Trang xét nghiệm, thời gian chờ đợi mất hơn 2 ngày. Các anh chị em đã nỗ lực học hỏi và đến 26-2, Bộ Y tế đã công nhận bệnh viện đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định các ca bệnh.
"Từ đó đến nay chúng tôi đã xét nghiệm hơn 10.000 mẫu bệnh phẩm tại khu vực miền Trung, điều trị cho 2 bệnh nhân ghi nhận tại Huế và 2 bệnh nhân ghi nhận tại Quảng Nam và được chuyển ra Huế. Tổ chức nghiêm ngặt từ nhân sự, tiêu chuẩn xét nghiệm"- ông Mai Văn Tuấn, Bệnh viện Trung ương Huế, chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao hoa và bằng khen cho PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: HỮU HẠNH
Chỉ có mặt trên sân khấu một chút thời gian, nhưng đôi mắt Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Doãn Thị Nguyệt lúc nào cũng ướt vì xúc động. Những ngày chống dịch, các điều dưỡng phải chăm sóc người bệnh nặng 24/24 giờ, luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, phải xa gia đình và người thân hàng tháng trời.
Có những ngày có bác sĩ bị lây bệnh, cả bệnh viện buồn đến nỗi họ và lo đến không dám nói mỗi khi nhìn thấy nhau. "Giờ đây chúng ta được ngồi với nhau ở đây tức là đã không còn Covid-19 trong cộng đồng, đó là điều quý giá nhất"- chị Nguyệt nói tại buổi tri ân các anh chị. Và các anh chị, người được tri ân, lại dành nỗi quan tâm lo lắng cho cộng đồng, cho cuộc sống, khi họ hứa sẽ làm mọi điều để người dân được sống yên ổn và hạnh phúc.
Xin cảm ơn những người đồng hành
Những ngày được nghỉ học, có nhiều em nhỏ đã dán miếng che mặt đơn giản gửi vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Có người gửi thức ăn, đồ uống, gửi thiết bị để chống lây nhiễm. "Những điều ấy làm chúng tôi vượt qua hết những lo lắng, vất vả"- điều dưỡng Doãn Thị Nguyệt chia sẻ.
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết những tháng ngày cao điểm dịch Covid-19, tập đoàn đã dành khoảng 600 tỷ đồng để đóng góp hiện kim và hiện vật cho công cuộc chống dịch: tặng thiết bị và vật tư xét nghiệm, trang thiết bị bảo hộ...
Và từ cách đây 3 tháng, Vingroup đã nghĩ đến kế hoạch tặng 5000 voucher nghĩ dưỡng 5 sao cùng trọn gói ẩm thực, vui chơi giải trí tại VinWonders và Vinpearl Safari cho các "chiến binh áo trắng" và gia đình. Tất cả để dành sự tri ân cho những người chống dịch tuyến đầu và hậu phương của họ.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại lễ tri ân và khen thưởng - Ảnh: HỮU HẠNH
Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 1-2020. Từ đó đến nay, y bác sĩ tham gia chống dịch hầu như không có ngày nghỉ. Có những thời điểm họ phải sống và làm việc trong bệnh viện hàng tháng trời, xa người thân, gia đình. Và giờ đây khi Việt Nam đã qua 80 ngày không có ca bệnh mới, cuộc sống đã trở lại bình thường, thì bệnh viện vẫn còn bệnh nhân Covid-19 từ nước ngoài mới về, y bác sĩ vẫn đang tiếp tục cuộc chiến đấu của mình.
Cảm ơn các y bác sĩ, cảm ơn những gì anh chị đã làm cho cuộc sống, cho tất cả chúng tôi...
Tại lễ tri ân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Y tế Việt Nam đã công bố quyết định tặng bằng khen cho 63 tập thể và 149 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phòng chống dịch Covid-19 của toàn ngành y tế. |