NDO - Thời gian qua, các vi phạm trong hoạt động báo chí vẫn có chiều hướng gia tăng. Phổ biến là việc một số phóng viên, cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động. Tình trạng này đòi hỏi cần có những biện pháp quyết liệt hơn từ phía cơ quan chức năng cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của chính các cơ quan báo chí và người làm báo.

Một chuyện thật như đùa vừa mới xảy ra ở tỉnh Ð., một lãnh đạo địa phương trên đường đi công tác thì bị hỏng xe, trong lúc chờ sửa chữa, vị lãnh đạo này vào quán gần đó ngồi đợi và uống cốc cafe. Sự việc tưởng chừng hết sức bình thường nhưng oái oăm thay, phóng viên một tạp chí đã ghi lại hình ảnh này. Ngay sau đó, thông tin được "bắn" đến vị lãnh đạo nọ là bức hình sẽ được đăng trên báo để phản ánh tình trạng lãnh đạo địa phương đi xe công uống cafe trong giờ làm việc. Rõ ràng ở đây sự việc đã bị cố tình suy diễn với dụng ý rất xấu hòng hạ thấp uy tín của vị lãnh đạo. Ðiều đáng nói là tờ tạp chí mà phóng viên này đang công tác hoàn toàn không có chức năng làm nhiệm vụ như việc anh ta đang làm. Câu chuyện này gợi nhắc đến những sự việc tương tự từng xảy ra với một số lãnh đạo ở không ít địa phương. Họ thường xuyên bị soi mói, bắt lỗi ở mọi lúc mọi nơi. Không ít tình huống tình ngay lý gian, "chờ được vạ thì má đã sưng" nên có người đành chấp nhận thỏa hiệp để tránh ồn ào không cần thiết, nhất là khi phóng viên không chỉ dọa đưa hình ảnh lên báo chí mà còn dọa phát tán trên mạng xã hội, tác động xấu đến uy tín, thanh danh cá nhân. Không chỉ quan chức ở các địa phương, đối tượng mà phóng viên kiểu này nhắm đến rất đa dạng, như: doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân có ảnh hưởng xã hội... Và công việc của số người mang danh nhà báo này là săm soi, tìm sơ hở của cá nhân để có cớ đe dọa, kiếm chác.

Ngay cả trong suốt thời gian dịch Covid-19 vừa qua, khi dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế đất nước mà còn tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống, tình trạng đáng phê phán nêu trên vẫn không hề suy giảm. Giữa thời đoạn khó khăn, thay vì ý thức chung tay cùng cộng đồng, chia sẻ, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống dịch bệnh, vượt khó khăn để vươn lên, những nỗ lực của các cấp, ngành và cả cộng đồng trong việc phục hồi kinh tế, đưa cuộc sống sớm trở lại nhịp độ bình thường,... thì một số nhà báo lại tranh thủ lợi dụng cơ hội này để nhũng nhiễu địa phương, doanh nghiệp nhằm kiếm chác, làm ăn. Họ cấu kết với nhau, sử dụng danh nghĩa báo chí, lợi dụng mạng xã hội để tác oai tác quái, "đánh hội đồng" doanh nghiệp, nhũng nhiễu các tổ chức, cá nhân, địa phương, đơn vị. Và mùa dịch bệnh cũng trở thành mùa làm ăn của nhóm "truyền thông bẩn".

Thực tế lâu nay, sai phạm hoạt động của một số cơ quan báo chí, nhất là của các văn phòng đại diện cơ quan báo chí tại địa phương (Văn phòng đại diện), thật sự đã và đang là vấn đề nổi cộm, gây bức xức dư luận. Có địa phương dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chính quyền, doanh nghiệp thường xuyên phải tiếp các nhà báo đến làm việc. Oái oăm là có nhà báo xưng danh làm việc tại một tạp chí về sức khỏe nhưng lại đòi tìm hiểu các hợp đồng kinh tế mà doanh nghiệp đang thực hiện với đối tác. Tương tự, một tờ báo chuyên về phụ nữ lại rất tự hào vì các thành tích chống tham nhũng, tiêu cực, phớt lờ các nội dung được quy định trong giấy phép hoạt động của tờ báo. Nên phải thẳng thắn nói rằng, tình trạng một số nhà báo và cơ quan báo chí hoạt động không tuân thủ tôn chỉ, mục đích đã trở thành căn bệnh trầm kha trong lĩnh vực báo chí. Không ít lãnh đạo cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, xem nhẹ việc định hướng mục đích, tôn chỉ hoạt động tới các cán bộ, phóng viên trong tòa soạn; mặc cho phóng viên tự tung tự tác, miễn sao cung cấp được tin bài giật gân, có lượt xem (view) cao, và nhất là mang về được hợp đồng kinh tế, hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn. Thậm chí hiện nay đang có tình trạng một số văn phòng đại diện hoạt động theo hình thức "khoán doanh thu". Tòa soạn sẽ không chịu trách nhiệm trả lương cho phóng viên tại văn phòng, mà phóng viên phải tự lo. Theo đó, trưởng văn phòng đại diện được giao quyền tuyển dụng nhân sự, tổ chức các hoạt động để sao cho mỗi năm nộp về tòa soạn số tiền theo định mức. Cách thức quản lý này tất yếu nảy sinh tình trạng coi nhẹ thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Luật Báo chí. Thay vào đó, các nhà báo làm việc theo kiểu "khoán doanh thu" phải tìm mọi cách để mang được tiền về cho tòa soạn cũng như tìm kiếm thu nhập cho bản thân. Từ đây, "đồng tiền bẩn" đã xuất hiện thông qua việc dọa dẫm, đánh đấm,... các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Có thể thấy rằng, chính các sai phạm của một số nhà báo suy thoái như vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín người làm báo và cơ quan báo chí. Và tình trạng này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng có biện pháp chấn chỉnh nghiêm khắc, kịp thời.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) vừa trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 159/2013/NÐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Ðiểm nổi bật ở dự thảo lần này là việc Bộ TT và TT đề xuất tăng quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, trong đó đáng chú ý là vai trò của sở TT và TT được làm rõ hơn. Theo đó, các sở TT và TT được phép xử phạt vi phạm các cơ quan báo chí của Trung ương nếu các đơn vị này đăng tải thông tin sai sự thật về các vấn đề trên địa bàn. Ðối chiếu nội dung này với Nghị định 159/2013/NÐ-CP, chương III quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính có thể thấy việc phân công trách nhiệm của một số cơ quan theo Nghị định vẫn chưa thật sự rành mạch, dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, có thể dẫn đến việc xử lý hành vi vi phạm bị sót, lọt. Do đó, những điều chỉnh trong dự thảo mới được hy vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý cũng như phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của các sở TT và TT. Không chỉ được "cấp quyền" trong việc xử phạt vi phạm báo chí tại địa phương, các sở TT và TT cũng được tham gia đóng góp ý kiến với Bộ TT và TT trong việc cấp, đổi thẻ nhà báo thuộc cơ quan báo chí địa phương, cũng như việc cấp lại thẻ nhà báo của phóng viên thường trú đã đăng ký hoạt động tại địa phương. Ðồng thời để chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ hoạt động ở một số cơ quan báo chí hiện nay, đại diện Bộ TT và TT cho biết: "Nghị định thay thế Nghị định 159/2013/NÐ-CP được ban hành sẽ có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, trong đó có cả hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép (đình bản) đến 12 tháng, đồng thời có cả chế tài xử lý lãnh đạo cơ quan báo chí cử phóng viên và phóng viên hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích". Ðây được đánh giá là những điều chỉnh kịp thời, cần thiết, tăng cường vai trò của cơ quan chức năng địa phương cũng như chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động báo chí.

Trong khi dư luận chờ đợi nghị định mới sớm được ban hành thì hiện nay việc triển khai cấp, đổi thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 cũng đang được Bộ TT và TT hướng dẫn thực hiện với những điểu chỉnh mới, phù hợp hơn với thực tiễn. Nếu thực hiện nghiêm các quy định trong cấp, đổi thẻ nhà báo sẽ ngăn chặn được tình trạng lợi dụng kẽ hở, thậm chí buông lỏng trong việc cấp, đổi thẻ nhà báo. Bởi lâu nay, ở đâu đó vẫn có tình trạng nể nang, xuê xoa, hạ thấp tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo. Vẫn có tình trạng người không đủ trình độ học vấn vẫn đàng hoàng sở hữu tấm thẻ nghề nghiệp đòi hỏi phải có năng lực chuyên môn tối thiểu, hay việc thẻ nhà báo được sử dụng để cấp phát cho các mối quan hệ không lành mạnh. Có trường hợp dù không làm tại cơ quan báo chí, không liên quan công việc báo chí, hoặc chỉ có đôi ba bài viết đã được đăng báo nhưng vẫn được cấp thẻ nhà báo, để rồi từ đó không ít hệ lụy phát sinh. Hoặc có người dù đang công tác tại cơ quan báo chí nhưng chưa từng có bài đăng báo, chỉ làm những công việc như bảo vệ, văn thư,... nhưng mỗi mùa cấp, đổi thẻ vẫn xuất hiện trong danh sách gửi Bộ TT và TT để đề nghị cấp thẻ nhà báo. Ở đây, chính sự coi nhẹ, dung túng, bao che của cơ quan chủ quản đã góp phần tạo ra kẽ hở cho các sai phạm trong hoạt động báo chí nảy sinh, làm suy giảm lòng tin của xã hội đối với các nhà báo và cơ quan báo chí.

Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc rốt ráo, kiên quyết của cơ quan chức năng, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cũng như các nhà báo cần nghiêm túc, nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình. Hơn lúc nào hết, đạo đức của người làm báo, ý thức tuân thủ pháp luật, và trách nhiệm nghề nghiệp cần được đặt lên hàng đầu, tình trạng hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích cần được chấn chỉnh, những hành vi tiêu cực lợi dụng danh nghĩa báo chí cần được xử lý nghiêm minh. Chỉ có như vậy mới có thể khẳng định được niềm tin trong độc giả, phát huy vai trò tích cực của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

THÀNH SƠN