Việc xây dựng thành phố thông minh phải đảm bảo được người dân cảm thấy họ muốn sống, gắn bó và góp phần vào sự phát triển của thành phố.
Cảm biến trong đô thị thông minh
Dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đang được TPHCM tổ chức lấy ý kiến, xác định việc xây dựng thành phố thông minh như là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho thành phố.
Trong nhiệm vụ này, công nghệ có vai trò rất quan trọng giúp giải quyết được các thách thức trong quản lý đô thị. Song, chỉ một mình công nghệ thì chưa đủ mà yếu tố con người cũng quan trọng không kém.
Trước tiên, thành phố thông minh phải là một thành phố sinh thái, thân thiện với môi trường. Do đó, thành phố thông minh cần là một thành phố ứng phó hiệu quả với sự biến đổi khí hậu và phải sử dụng ngày càng ít năng lượng không tái tạo, sử dụng nhiều năng lượng gắn với việc bảo vệ môi trường. Một thành phố thông minh cũng là một thành phố “thông minh về kinh tế”. Đó là hướng đến nền kinh tế có hàm lượng chất xám cao, mang lại nhiều giá trị gia tăng, ít sử dụng sức lao động giản đơn và không gây hại đến môi trường. Việc TPHCM muốn trở thành một trung tâm tài chính là một hướng đi đúng nhưng cũng cần có chiến lược quy hoạch cơ cấu kinh tế sao cho các hoạt động kinh tế của người dân cũng hướng đến sự thông minh.
Yếu tố sinh thái và kinh tế thông minh cũng liên quan đến chất lượng sống của người dân. Chất lượng sống không chỉ là có thu nhập bình quân đầu người cao mà còn gắn với những yếu tố văn hóa, tinh thần. Vì vậy, để trở thành một thành phố thông minh về chất lượng sống, TPHCM phải mang lại sự thỏa mãn về văn hóa tinh thần ở cấp độ cao. Ngoài ra, TPHCM vẫn phải tiếp tục nỗ lực cải thiện các dịch vụ công cơ bản; từng bước xây dựng, tạo lập được sự thông minh trong các hoạt động sinh kế của người dân.
Yếu tố then chốt của thành phố thông minh
Yếu tố cuối cùng và cũng là yếu tố then chốt, là con người trong thành phố thông minh. Có thể nói bên cạnh công nghệ, sự thành công hay thất bại trong việc xây dựng thành phố thông minh còn phụ thuộc vào mức độ tham gia của người dân. Do đó, thành phố thông minh cần làm sao để người dân cảm thấy được họ muốn sống, muốn gắn bó, muốn góp phần của họ vào sự phát triển của thành phố. Chẳng hạn, một trong những tiêu chí của thành phố thông minh là phải làm sao sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thì hệ thống công nghệ hay nguồn dữ liệu không phải là quyết định. Yếu tố quyết định là hành vi của người dân trong sử dụng năng lượng. Mặt khác, thành phố thông minh là thành phố biết lắng nghe công dân, thúc đẩy sự tham gia của người dân trong quá trình ra quyết định, nhằm đảm bảo cho sự thành công của một thành phố thông minh.
Vì vậy, thiết nghĩ, TPHCM cần hướng tới việc xây dựng những cộng đồng thông minh (smart communities) như là một yếu tố nền tảng để xây dựng được thành phố thông minh ở diện rộng. Khái niệm cộng đồng thông minh xuất hiện ở Nhật Bản vào đầu những năm 2000 với sáng kiến của các thành phố như Yokohama, Toyota, Keihanna Science và Kitakyushu, nhằm thúc đẩy việc thay đổi lối sống của người dân hướng đến việc giảm sử dụng các loại năng lượng, giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường.
Tại sao lại cần có những cộng đồng dân cư thông minh? Bởi vì người dân chính là những người sống, đối diện với cuộc sống thực tế hàng ngày nên họ sẽ giúp cho các kế hoạch, dự án, giải pháp của chính quyền hiệu quả hơn trên thực tế. Mặt khác, nếu thành phố có được sự đồng thuận của người dân thông qua việc lắng nghe ý kiến và kinh nghiệm của họ, thì mục tiêu mà thành phố hướng đến nhiều khả năng thành công; bởi khi ấy người dân thấy các mục tiêu, kế hoạch ấy có bóng dáng của họ, lợi ích của họ. Khi đó, họ sẽ tham gia tích cực, nhất là thông qua việc thay đổi hành vi thường ngày của mình.
Một khi người dân đồng thuận thì họ sẽ cùng thúc đẩy các thành viên khác trong cộng đồng cùng thực hiện mục tiêu chung, vốn là yếu tố mà không một quyết định hành chính nào có thể làm thay được. Do đó, chính quyền thành phố cần thiết lập các kênh tạo sự tham gia của người dân, các cộng đồng trong mỗi dự án, mọi kế hoạch liên quan đến tiến trình “thông minh hóa” thành phố.
Ứng dụng AI vào triển khai đô thị thông minh |