Phố đi bộ Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) đông khách sau khi TP.HCM cho phép mở cửa trở lại vũ trường, bar  /// Ảnh: Ngọc Dương
Phố đi bộ Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) đông khách sau khi TP.HCM cho phép mở cửa trở lại vũ trường, bar - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
 

Tăng trưởng thấp hơn giai đoạn 2008 - 2009

Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, TP.HCM có đến 23.889 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng kinh doanh khiến doanh thu giảm hơn 15.000 tỉ đồng. Về số lượng lao động mất việc, BHXH TP.HCM cho biết 9 tháng đầu năm có 199.000 người lao động (NLĐ) nghỉ việc không hưởng lương do tạm hoãn hợp đồng lao động, đơn vị này đã xác nhận cho 54.000 NLĐ làm việc ở 2.447 đơn vị hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ.
 
Cục Thống kê TP.HCM cho biết mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm chỉ đạt 0,77% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng khá thấp so với kỳ vọng và thấp hơn nhiều so với giai đoạn suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 - 2009.
 
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết với gói hỗ trợ lần 2 đang được Chính phủ đề xuất, các DN du lịch TP.HCM đề xuất 3 nhóm chính sách gồm: gia hạn nộp thuế TNCN, thuế GTGT; giảm chi phí điện, nước, internet và tháo gỡ quy trình thủ tục, phương thức hỗ trợ linh hoạt hơn để DN có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng bằng tín chấp.
 
Đối với gói hỗ trợ thứ 2 mà TP.HCM đang xây dựng, bà Hoa cho hay Sở Du lịch đang phối hợp với các sở ngành đề xuất các gói hỗ trợ riêng DN du lịch vay trả lương cho NLĐ và hỗ trợ chương trình kích cầu du lịch. Cụ thể, Sở Du lịch đề xuất bổ sung 37 khách sạn, 2 khu du lịch và 19 DN có hơn 100 nhân viên vào danh sách DN được hỗ trợ vốn vay lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ.
 
Đồng thời, dùng ngân sách hỗ trợ trả lương và chi phí vận hành cho 5 bảo tàng, khu di tích thuộc nhóm đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi trong 3 tháng (tháng 10 - 12.2020), ngược lại khách du lịch sẽ được miễn phí tham quan các cơ sở này.
 
Bà Hoa cho biết ngành du lịch TP.HCM đang vận hành theo kịch bản thứ nhất, đó là dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát vào tháng 9.2020 cùng với chương trình kích cầu du lịch lần 2. Với kịch bản này, dự kiến đến cuối năm TP.HCM có thể đón 15 triệu lượt khách nội địa, doanh thu hơn 80.000 tỉ đồng. Riêng khách du lịch quốc tế phụ thuộc vào lộ trình mở đường bay thương mại quốc tế của Chính phủ.

Linh hoạt các gói hỗ trợ

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, thông tin đang trình UBND TP.HCM gói hỗ trợ thứ 2 cho DN từ nguồn lực của TP.HCM, trong đó nới rộng điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể, các DN đang tạm ngưng hoạt động hoặc DN có doanh thu sụt giảm trên 20% được tiếp cận gói vay với lãi suất 0% để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động.
 
Sở KH-ĐT đang thống kê, phân loại DN theo từng ngành nghề, quy mô, doanh thu sụt giảm để đưa ra gói hỗ trợ phù hợp, trong đó ưu tiên DN nhỏ và vừa do đây là nhóm dễ bị tổn thương. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM và các tổ chức tín dụng để xây dựng quy chế, thủ tục cho vay rút gọn giúp DN nhanh chóng đưa nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh tạo việc làm.
 
Về lĩnh vực thuế, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho hay sẽ đẩy mạnh, giải quyết hoàn thuế GTGT để các DN và cá nhân có nguồn vốn kịp thời phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời rà soát, hạn chế tối đa công tác thanh tra, kiểm tra tại các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để tạo điều kiện cho DN tập trung khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
 
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, chỉ ra bài học của gói hỗ trợ lần 1 là các DN có loại hình kinh doanh, quy mô khác nhau thì những khó khăn và thuận lợi khác nhau. Do đó, không thể dùng chung 1 gói hỗ trợ cho các đối tượng mà cần linh hoạt với từng nhóm DN, trong đó ưu tiên DN ở khối ngành du lịch, dịch vụ. Đồng thời, phải tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý về đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở để đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản.