QĐND Online - Sáng 1-10, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với 10 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật (nợ đọng) và có hiệu lực pháp luật từ 1-1-2021; tình hình xây dựng, trình các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 9 tháng đầu năm 2020.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, luôn được nêu ra trong các cuộc họp của Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu phải quan tâm hàng đầu về nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, pháp luật chuyên ngành. Thủ tướng luôn nhắc các bộ, ngành quản lý kịp thời, phát hiện vướng mắc, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.

“Dù quyết liệt như vậy, nhưng tình hình nợ đọng văn bản vẫn còn rất nhiều”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói, đồng thời nêu rõ phải có cải cách trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Cụ thể, tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 10-8-2020, Chính phủ yêu cầu ban hành 1 văn bản mới phải hủy 1 văn bản cũ; 1 nghị định chỉ nên ban hành 1 thông tư, 1 luật chỉ nên có 1 đến 2 nghị định. Kết quả kiểm tra cho thấy, việc ban hành nghị định còn rất nhiều, có những luật ban hành 15 nghị định, chưa kể 1 nghị định còn rất nhiều thông tư. Việc ban hành nhiều nghị định, thông tư rất khó cho doanh nghiệp, người dân.

Ban hành nhiều nghị định, thông tư gây khó cho người dân, doanh nghiệp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc.

Tính đến nay còn 18 văn bản nợ đọng của các bộ. Trong các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1-1-2021, các bộ còn phải trình Chính phủ ban hành 49 văn bản nữa. Tổng là còn 67 văn bản, trừ 2 văn bản Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa trình thì còn 65 văn bản. Nếu không đẩy nhanh tiến độ, không tích cực, không quyết liệt thì số văn bản nợ đọng gia tăng rất lớn.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 30-9, các bộ, cơ quan còn nợ 35 chương trình công tác. Trong quý IV phải hoàn thành 156 chương trình, đề án nữa. Như vậy, tính chung là còn 256 văn bản, chương trình, đề án cần ban hành, trong đó 65 văn bản và 191 chương trình, đề án. Đây là khối lượng công việc rất lớn, nên cần quyết liệt, tập trung xử lý dứt điểm.

Ban hành nhiều nghị định, thông tư gây khó cho người dân, doanh nghiệp
Quang cảnh cuộc làm việc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, trong 18 văn bản nợ đọng, có 3 văn bản có lý do khách quan vì quy định về vấn đề rất mới, cần xin ý kiến các cơ quan chức năng một cách cẩn trọng, 15 văn bản còn lại chủ yếu chậm vì lý do chủ quan. Cụ thể là cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo còn chưa tích cực; cơ quan có trách nhiệm phối hợp, tham gia ý kiến trả lời còn chậm trễ, chưa đúng hạn; cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo chậm tiếp thu, tiếp thu không đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ nên phải trả đi trả lại, gửi đi gửi lại.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, tại Kỳ họp thứ mười của Quốc hội khai mạc ngày 20-10 tới có chương trình báo cáo giám sát ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật. Vừa qua, tại Phiên họp của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo kết quả đánh giá, rà soát tình trạng nợ đọng văn bản. Do vậy, các bộ, cơ quan cần tập trung xử lý tốt việc ban hành văn bản, chương trình, đề án, tránh để ảnh hưởng đến kết quả chung của Chính phủ, của các bộ, cơ quan.

 “Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu các cơ quan tập trung xử lý, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết trước khi diễn ra Kỳ họp thứ mười của Quốc hội”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG