Hàng ngày chăm sóc những bệnh nhi đang điều trị ở tầng 1, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, chị Nguyễn Thị Rảnh – Điều dưỡng trưởng khoa Nội Tổng quát 2 ray rứt khi thấy các bé vừa phải chịu đựng nỗi đau do bệnh tật vừa không được vui chơi vì thiếu không gian. Để bệnh nhi có những phút giây sống với tuổi thơ hồn nhiên, giảm bớt nỗi đau do bệnh tật, chị Rảnh nghĩ cách thiết kế một thư viện mini ngay tại hành lang của khoa.
Để bệnh nhi phần nào quên cơn đau thể xác
Sắp xếp các đầu sách lên kệ cho ngăn nắp, điều dưỡng Nguyễn Thị Rảnh kể: Khi tòa nhà cũ của bệnh viện được đập bỏ, khoa Nội Tổng quát 2 chuyển lên lầu 1 của tòa nhà mới khang trang với 5 tầng rực rỡ màu sắc. Tuy nhiên, diện tích của khoa bị thu hẹp lại nên phía trước hành lang là nơi “tập kết” đủ loại tủ, giấy tờ, hồ sơ bệnh án...
“Có tận mắt chứng kiến cảnh các bệnh nhi đau đớn, vật vã do bệnh tật, do phải chích thuốc nhưng lại không có nơi vui chơi để phần nào quên đi những cơn đau, mới thấy xót xa, thương các con vô cùng. Thêm đó, người nhà bệnh nhi không cho con trẻ chạy chơi lên các tầng trên hoặc xuống đất vì sợ các bé ngã cầu thang.
Bệnh viện cũng đang được xây dựng nên như một công trình, không còn chỗ để bệnh nhi vui chơi; mặt tiền hành lang của khoa lại ngổn ngang đủ loại giấy tờ, bàn tủ. Vậy là tôi nảy ra ý tưởng “hô biến” góc nhỏ bên cạnh khu tiếp đón thành thư viện mini cho các con có nơi thư giãn” - điều dưỡng Nguyễn Thị Rảnh chia sẻ.
Đầu tiên, chị gom cây cảnh ở nhà đem vào bệnh viện. Để giảm rác thải nhựa ra môi trường, chị tận dụng những bình nước do người nhà bệnh nhi vứt bỏ làm chậu cây và treo lên các khung cửa sổ. Đã có khoảng không gian xanh mát bên dãy hành lang chật hẹp, chị Rảnh tiếp tục thu dọn các loại phiếu chăm sóc, sổ lãnh thuốc, sổ bàn giao y cụ, hồ sơ bệnh án… cất gọn vào tủ inox.
Nơi đọc sách lý tưởng cho các bệnh nhi đã hình thành. chị Rảnh lại dùng tiền túi thuê thợ đóng kệ sách treo lên, và tỉ mỉ vào máy vi tính thiết kế dòng chữ “Góc thư giãn dành cho các bé”.
Để có các đầu sách dành cho thiếu nhi, ngoài sự quan tâm, tấm lòng yêu thương bệnh nhi từ bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa Nội Tổng quát 2 vận động người quen để kiếm các đầu sách quý cho các bé thì bản thân chị Rảnh lại tận dụng tủ sách gia đình, đem vào cho thư viện mini của khoa. Đồng thời, mỗi chiều rảnh rỗi, chị đến các tiệm sách cũ để mua được nhiều sách giá rẻ.
Và đầu tháng 6/2020 – tháng của thiếu nhi, thư viện mini tại khoa Nội Tổng quát 2, Bệnh viện Nhi đồng 1 được “khai trương”, trở thành góc nhỏ yên bình cho các bệnh nhi đang điều trị tại đây.
Khi chúng tôi đang trò chuyện, 3 bé trai trong độ tuổi 9 – 10 từ lầu 3 rủ nhau xuống lầu 1 mượn truyện tranh Thám tử lừng danh Conan rồi chụm đầu cùng nhau đọc. Những bệnh nhi này bị suy thận mãn nên số ngày đến bệnh viện tương đương ở nhà. Các em thường xuống khoa Nội Tổng quát 2 tìm đọc đủ loại sách. Một bé gái đang điều trị ở khoa Nội Tổng quát 1 cũng bẽn lẽn đến gặp cô Rảnh xin mượn truyện cổ tích.
Nhiều gia đình đến đây đọc sách để bớt căng thẳng trong những ngày con nằm viện |
Cạnh đó, vợ chồng chị Lan cũng bế con gái vừa được chích thuốc đến góc thư viện để bé chơi với thú nhồi bông. Con gái của chị Lan mới 3 tháng tuổi, vừa nhập viện sáng nay. Ngắm những chậu cây xanh, nhìn mưa bay bên ngoài khung cửa, chị Lan chuyển con cho chồng rồi chọn cuốn Mẹ yêu con nhất đời và ngả lưng lên ghế, thư thả đọc từng trang.
Chị Rảnh mỉm cười ngắm nhìn khung cảnh yên bình nơi góc nhỏ hành lang bệnh viện, tưởng như nơi đây không còn đau đớn, bệnh tật, nồng mùi thuốc khử trùng.
Chị chia sẻ: Gọi là thư viện mini nhưng ở đây có rất nhiều đầu sách khác nhau để giúp trẻ giải trí, quên phần nào cơn đau thể xác như truyện tranh Doraemon, Conan, truyện cổ tích. Các bệnh nhi cũng có thể thu nạp thêm những kiến thức bổ ích với Phép tính đến 30, Lịch sử nước Việt, bộ trò chơi dán hình…
Thỉnh thoảng, chị Rảnh còn tổ chức thêm các buổi tô tượng cho bệnh nhi nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện.
Không chỉ bệnh nhi, tranh thủ những khi rảnh rỗi, các bậc cha mẹ cũng được thư viện mini cung cấp các loại sách kiến thức về chăm sóc con bị bệnh, chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, món ăn ngon cho gia đình…
Đôi mắt ánh lên niềm vui, chị Rảnh hân hoan kể: “Tiếng lành đồn xa nên rất nhiều bệnh nhi của 5 tầng lầu ở khoa Sốt xuất huyết, Hô hấp, Thận nhân tạo… ghé xuống lầu 1 đọc sách. Nhiều người nghĩ tôi rảnh nên làm chuyện bao đồng, nhưng tôi nghĩ, hãy làm điều khiến mình hạnh phúc, đừng tính toán thiệt hơn”.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội Tổng quát 2 cùng điều dưỡng Nguyễn Thị Rảnh tổ chức cho các em tô màu tại khoa |
Chị Rảnh kiểm tra lại các đầu sách sau mỗi buổi chiều |
Trở thành y tá từ biến cố gia đình
Chúng tôi hỏi về cái tên “ngồ ngộ” Nguyễn Thị Rảnh, chị giải thích: “Lúc nhỏ đi học, bạn bè hay chọc ghẹo, tôi cũng thấy tên mình không đẹp, nên về hỏi ba. Ba tôi nói, đặt tên Rảnh là mong cho con gái được sung sướng sau này. Từ đó, tôi luôn tự hào về tên của mình, vì chị gái tôi tên Rành, việc gì cũng biết nhưng chị rất cực”.
Tên là Rảnh, nhưng chị lại không “rảnh” chút nào. Kể về con đường đến với nghề y, chị bảo đó là cái duyên đưa đẩy từ những biến cố của gia đình.
Năm 1993, khi đang là sinh viên năm 3 ngành Sinh học của Đại học Sư phạm TPHCM, chị nhận tin mẹ bệnh nặng. Ba chị phải bán hết ruộng vườn, xưởng đóng ghe và cả ngôi nhà gia đình đang ở để có tiền chạy chữa cho vợ. Vừa dành dụm tiền học bổng, vừa đi dạy thêm nhiều ca, chị gom được khoảng 780.000 đồng dành mua thuốc cho mẹ.
Cuối cùng, chị quyết định nghỉ học, phụ với bạn bè bán hủ tíu để có thêm tiền thuê nhà trọ và chăm mẹ điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Trong thời gian này, tận mắt chứng kiến sự tận tụy với nghề và bệnh nhân của các bác sĩ, điều dưỡng, trong chị nhen lên ước mơ theo học ngành y, ít nhất là để chăm sóc cha mẹ.
Năm 1996, khi sức khỏe của mẹ tạm ổn, chị được ba khuyên theo học ngành y. Khát khao được trở lại con đường học vấn trào dâng, chưa kịp ôn luyện, chị đã dự thi và đậu vào Trường Kỹ thuật Y tế Trung ương 3. Ra trường, chị may mắn được nhận vào Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM – nơi mẹ chị từng điều trị.
Sau vài năm làm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, vì thích được chăm sóc trẻ em, chị Rảnh xin chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.
Để không tụt hậu về kiến thức y khoa của ngành điều dưỡng, chị nỗ lực học lên đại học, rồi lấy bằng thạc sĩ Quản lý bệnh viện và Điều dưỡng Chuyên khoa 1 (tương đương thạc sĩ) của Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM).
Ngoài thời gian dành cho các bệnh nhi tại bệnh viện, chị Rảnh còn tham gia giảng dạy về ngành điều dưỡng ở các trường đại học để truyền lửa cho thế hệ sau. Thành lập thư viện mini cho bệnh nhi, tham gia các chuyến hoạt động từ thiện là niềm vui của người phụ nữ tên Rảnh nhưng không muốn bỏ phí từng phút giây được sống.
Nét mặt tươi tắn, phúc hậu như chưa từng trải qua quãng đời cơ cực, chị Rảnh cười hồn hậu: “Nhiều anh bảo vệ trong bệnh viện thấy tôi luôn vui vẻ nên hay chọc: “Sau này có con gái nên đặt tên giống chị Rảnh để con được sung sướng”. Tôi lại nghĩ, sướng hay khổ đều do mình lựa chọn. Khi hạnh phúc với việc đã chọn, mình sẽ thấy vui. Quan trọng là làm nghề với cả trái tim, yêu thương bệnh nhi thì các con sẽ quý mến mình và nhớ đến bệnh viện như một ngôi nhà gần gũi”.
Bài, ảnh: Thanh Phương