Lăng Ông - Bà Chiểu xưa /// ẢNH: T.L
Lăng Ông - Bà Chiểu xưa - ẢNH: T.L
 
Khẳng định về tầm vóc của Lăng Ông - Bà Chiểu, nhà văn hóa Huỳnh Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Lăng Ông - Bà Chiểu là di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng của cả miền Nam. Người dân, giới mua bán của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định hằng năm đều đến chiêm bái vào đầu mùa xuân, rằm tháng giêng, tháng bảy... Trước năm 1975, ông Mai Thọ Truyền - Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa cũng có mặt trong Ban Quý tế của lăng. Sau 1975 cho đến năm 1995, nhà văn Sơn Nam cũng là thành viên trong Ban này. Ngày xưa, dân Sài Gòn - Gia Định khi có sự cãi vã, bất hòa với nhau đều khấn nguyện về sự thật và cầu mong Ông (Tả quân Lê Văn Duyệt) chứng giám, phân xử, xem xét trừng trị kẻ xấu".
 
Thế nhưng đã có thời gian, hệ thống cổng và hàng rào của Lăng Ông - Bà Chiểu từng phải "kêu cứu" vì kiểu kiến trúc “tân cổ giao duyên”, gây bức xúc dư luận.
Lăng Ông - Bà Chiểu 'lột xác' không ngờ sau khi được phục dựng - ảnh 1

Hình ảnh Lăng Ông - Bà Chiểu qua tư liệu trước đây

Hình ảnhLăng Ông - Bà Chiểu 'lột xác' không ngờ sau khi được phục dựng - ảnh 3

Và hiện nay

Di tích từng bị biến dạng

Nhớ lại kỷ niệm xưa về Lăng Ông - Bà Chiểu, ông Huỳnh Văn Mười kể: "Nhìn từ bên ngoài, cảnh quan quanh Lăng Ông - Bà Chiểu rất đẹp. Trước cổng chính là khu đất trống có hai cây thốt nốt lớn, phía ngoài sân là bến xe ngựa (ảnh xưa còn lưu). Phía ngoài bến xe ngựa không có hàng rào, có con đường nối từ đường Lê Văn Duyệt chạy xuyên qua chợ Bà Chiểu ra đường Bùi Hữu Nghĩa (nay vẫn là Bùi Hữu Nghĩa). Con đường nối ấy hiện nay là đường Vũ Tùng. Hông phải của lăng (nhìn sau ra trước) tiếp giáp đường Lê Văn Duyệt (sau này là Đinh Tiên Hoàng). Hàng rào xung quanh Lăng Ông - Bà Chiểu thấp, được xây bằng gạch, xen trong tường rào là các con tiện trang trí bằng men gốm xanh, tạo họa tiết thoáng mắt, tăng vẻ đẹp như vòng rào quanh mộ Đức Tả quân. Hai cổng phía đường Lê Văn Duyệt và đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) có trụ cổng cao, trên đỉnh trụ có tượng con nghê bằng gốm men xanh lưu ly rất đẹp.
 
Ít ai biết rằng, cuối sân sau Lăng Ông - Bà Chiểu tiếp giáp đường Chi Lăng. Phía sau lăng có hàng rào thấp, có cây đa, dưới cây đa này cũng là bến xe ngựa. Vì khung cảnh đặc biệt ấy nên hằng ngày học sinh, sinh viên trường mỹ thuật Gia Định, trường quốc gia cao đẳng mỹ thuật Sài Gòn sang đấy vẽ phong cảnh. Đó là chuyện từ 1975 trở về trước".
 
Cũng theo nhà văn hóa Huỳnh Văn Mười, sau này, người ta cho đập bỏ toàn bộ hàng rào cổ kính đang có xung quanh Lăng Ông - Bà Chiểu để xây lại hàng rào mới cao hơn, với các họa tiết trang trí bằng sắt uốn hình chiếc lá cho phù hợp với thiếu nhi và xây các cổng mới quanh các tường rào; đồng thời xây thêm một hàng rào bên ngoài khu vực trống trước cổng Tam Quan. Hàng rào mới này giáp đường Vũ Tùng. Tại đây có một cổng sắt thật cao, hoàn toàn mới. Cổng phía đường Đinh Tiên Hoàng (nay vừa được đổi lại là Lê Văn Duyệt), cổng phía Phan Đăng Lưu được hàn thêm sắt cho cao hơn (kiểu chắp vá không giống ai); riêng con nghê ở đầu cột bị tháo bỏ, xây thêm mái che. Người ta đã trồng thêm các cột sắt, nối cao thêm các cột có sẵn để đỡ cho giàn mái cổng mới, với cách thiết kế xây dựng vô cùng tắc trách vì cổng xưa không có mái.
 
Ba cổng phụ nói trên có hai phong cách khác nhau. Cổng ngoài nhìn ra đường Vũ Tùng thì theo phong cách hiện đại. Hai cổng ở phía đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu thì cùng một kiểu: các cột đỡ mái ngói làm bằng sắt L và sắt ấp chiến lược. Mỗi cột gạch cũ nối cao thêm bằng 3 cột sắt không theo phong cách hay quy chuẩn kiến trúc từ cổ điển cho đến hiện đại. Điểm đáng nói là dùng sắt ấp chiến lược để làm trụ đỡ chính của mái ngói (cổng phía đường Phan Đăng Lưu). Tệ hơn nữa là các diềm trang trí đầu mái ngói lưu ly lại được làm giả bằng tôn mỏng sơn xanh - vật liệu rẻ tiền, gây phản cảm.
 

Và sự 'lột xác' không ngờ

Niềm vui đã đến với Lăng Ông - Bà Chiểu khi ngày 6.4.2020, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình "Phục dựng cổng và tôn tạo hàng rào di tích kiến trúc nghệ thuật Lăng Ông - Bà Chiểu" do Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng. Theo đó, phục hồi kiến trúc nguyên trạng, tạo vẻ mỹ quan cho di tích, đặc biệt bảo đảm tối đa các yếu tố nguyên gốc và giá trị chân xác của di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia: vị trí, cấu trúc, vật liệu, chất liệu, kỹ thuật truyền thống, chức năng ngoại thất, cảnh quan liên quan và các yếu tố khác của di tích nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị của Lăng Ông - Bà Chiểu.

Lăng Ông - Bà Chiểu 'lột xác' không ngờ sau khi được phục dựng - ảnh 8

Hệ thống tường rào đồng nhất và chạy dài bắt mắt

Lăng Ông - Bà Chiểu 'lột xác' không ngờ sau khi được phục dựng - ảnh 9

Sự "lột xác" trở lại theo lối kiến trúc xưa rất đẹp - ẢNH: QUỲNH TRÂN

Lăng Ông - Bà Chiểu 'lột xác' không ngờ sau khi được phục dựng - ảnh 10

Đoạn đường vừa được trả lại tên Tả quân Lê Văn Duyệt thoáng đãng và mát mẻ

Về hình dạng kiến trúc, các nghi môn được phục dựng gồm 4 trụ bê tông cốt thép, xây ốp bằng gạch đinh như hình ảnh tư liệu gốc, hai trụ ngoài cao 3,7m, hai trụ giữa cao 4,6m. Các nghi môn được đắp gờ chỉ, sơn phủ màu vàng nhạt, trên đầu mỗi trụ đắp ngõa búp sen. Các nghi môn đường Vũ Tùng được làm mới theo thiết kế, có cấu tạo bằng sắt hộp tráng kẽm chống rỉ sét, phong cách kiểu dáng đúng với Tam Quan nội.
 
Cổng bên đường Đinh Tiên Hoàng được sơn mới tại toàn bộ theo màu gốc di tích, gia công lắp đặt 4 con nghê bằng gốm sứ xanh ngọc trên đầu trụ. Cổng ở đường Trịnh Hoài Đức được làm lại toàn bộ cửa cổng với các chi tiết theo bản vẽ thiết kế, sơn cửa màu nâu đỏ theo nguyên gốc, riêng phần hàng rào có cổng Tam Quan ở lăng Ông Bà Chiểu phục dựng theo hình ảnh tư liệu trở nên đẹp lung linh.
 
Toàn bộ các hạng mục trùng tu ở Lăng Ông - Bà Chiểu được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng vào dịp Lễ giỗ lần thứ 188 của Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (1832 - 2020) vừa diễn ra trong ba ngày 16, 17 và 18.9.