Từ 15.11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 176/2013) của Chính phủ ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế sẽ có hiệu lực. Đáng chú ý, nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, cụ thể là luật hóa hành vi uống rượu, bia trong giờ làm việc, tại nơi làm việc.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý cho rằng cần xác định chủ thể, tức người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong hoàn cảnh, công việc cụ thể để áp dụng hiệu quả trong thực tế.
Dễ hơn xử phạt ép người khác uống rượu, bia
Trao đổi về vấn đề này, luật sư (LS) Ngô Huỳnh Phương Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế phân định thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực rượu, bia nhằm triển khai luật “Phòng, chống tác hại rượu bia”.
LS Thảo nhận xét: "Điểm mới của Nghị định này là xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia".
Theo đó, việc xử phạt người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ dễ hơn xử phạt "người ép người khác uống rượu bia". Chứng cứ thu thập để xử phạt hành chính về nguyên tắc phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan".
Một số hành vi bị xử phạt đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức
Điều 34. Vi phạm các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức;
b) Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức;
c) Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong địa điểm không uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý, điều hành;
d) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc, quyền quản lý, điều hành.
- (trích Nghị định 117/2020 của Chính phủ) -
LS Thảo cho biết "Hiện nay hơn 80% dân số uống rượu, bia đến mức lạm dụng thì việc ban hành Nghị định 117/2020 /NĐ-CP là một quy định tiến bộ, phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhậu nhẹt tràn lan. Việc xử phạt này không chỉ tạo ra một thói quen văn minh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn thể hiện trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, tổ chức".
Vai trò của người tố giác
LS Ngô Huỳnh Phương Thảo cho biết người tố giác người đứng đầu cơ quan tổ chức để người thuộc cơ quan tổ chức mình uống, bán rượu, bia trong địa điểm làm việc hoặc không phải địa điểm được phép uống sẽ tố giác ngay khi hành vi vi phạm đang xảy ra, hoặc thu thập được chứng cứ, hình ảnh, clip ghi lại hành động của người uống rượu bia, người bán để cơ quan chức năng xử phạt nhanh.
“Mặt khác cần phải có quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ người tố cáo, tránh việc có quy định pháp luật nhưng không triển khai được trên thực tiễn bởi người tố cáo không được bảo vệ nên không dám tố cáo”, LS Thảo cho biết.
Ngoài ra, khi triển khai xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu bia thuộc quyền quản lý điều hành” thì cần có sự hướng dẫn cụ thể để tránh lợi dụng nhằm hạ uy tín cá nhân, tổ chức hoặc sự cạnh tranh không lành mạnh gây mất đoàn kết nội cơ quan, tổ chức, LS Thảo nói.
Cần có giải pháp đồng bộ
Theo LS Bùi Quốc Tuấn (thuộc Đoàn LS TP.HCM) quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia là quy định mới. "Tuy nhiên cần xem xét cụ thể hơn đối với chủ thể người đứng đầu cơ quan, tổ chứcđể xử phạt đúng người, đúng tội", LS Tuấn cho biết.
Theo LS Tuấn, đối với cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước nếu bị phát hiện có sai phạm thuộc các quy định trên thì cơ quan chức năng sẽ lập biên bản làm căn cứ xử phạt người đứng đầu cơ quan, tổ chức theo luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, luật Cán bộ, Công chức năm 2008 và các quy định pháp luật khác có liên quan…
Tuy nhiên, đối với các cơ quan, tổ chức ngoài nhà nước thì quá trình thực thi pháp luật của cơ quan chức năng sẽ gặp khó do hiện nay chưa có quy định cụ thể về người đứng đầu của cơ quan, tổ chức mà chỉ có thể xác định người đứng đầu thông qua các chức danh quản lý và lãnh đạo của các tổ chức, LS Tuấn cho biết.
Đồng tình với điều này, LS Ngô Huỳnh Phương Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết đối với các cơ quan, tổ chức ngoài nhà nước để xác định người đứng đầu để truy cứu trách nhiệm pháp lý thì "Cơ quan chức năng cần phải xem xét hoàn cảnh, công việc cụ thể được quy định tại Luật, Điều lệ, … riêng của từng cơ quan, tổ chức để áp dụng có hiệu quả quy định mới này".
Người lao động có thể bị phạt đến 3 triệu đồng khi có hành vi uống rượu, bia trong thời gian nghỉ giữa giờ làm việc. Quy định này áp dụng cho cả người làm việc trong khối nhà nước và các tổ chức bên ngoài như doanh nghiệp, hợp tác xã, ..., LS Tuấn cho biết.