LĐO - Tháng 10.1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15.10.1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15.10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đóng quân trên địa bàn chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt công tác 
dân vận. Ảnh: BQP
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đóng quân trên địa bàn chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt công tác dân vận. Ảnh: BQP

Dựa vào sức mạnh của nhân dân

Trải qua 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Từ thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945); trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975); trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (từ 1975 đến nay) đều có sự đóng góp lớn lao và những dấu ấn trong công tác dân vận của Đảng.

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, theo Ban Dân vận Trung ương, ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, Đảng nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh tính đúng đắn Cương lĩnh chính trị đầu tiên, đồng thời, là thắng lợi công tác dân vận của Đảng, chỉ với khoảng 3.000 đảng viên, nhưng Đảng đã tin vào dân, gắn bó với dân, hiểu dân, dựa vào sức mạnh của dân; tuyên truyền giác ngộ cho nhân dân hiểu rõ con đường giành độc lập, tự do, giành quyền sống; tổ chức tập hợp nhân dân vào mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hình thức tổ chức khác một cách linh hoạt; hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, khởi nghĩa đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ, mang tính chất nhân dân sâu sắc, làm tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Công tác dân vận trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975)

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), dưới sự chỉ đạo của Trung ương, đảng bộ và các cấp chính quyền, đoàn thể bằng nhiều cách thức, phương pháp vận động khác nhau đã đẩy mạnh tuyên truyền, động viên, cổ vũ nhân dân thi đua sản xuất, nỗ lực chiến đấu, ngày đêm đem sức người, sức của ủng hộ chiến sĩ nơi tiền tuyến; khơi dậy trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tinh thần dũng cảm, ý chí cách mạng, nhiệt huyết phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Sức mạnh của công tác dân vận đã vận động toàn quân, toàn dân quyết tâm chiến đấu, lao động, sản xuất, đồng thời, tăng cường công tác địch vận, làm tan rã hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền, chống địch lập tề; động viên thanh niên viết đơn xung phong ra chiến trường, hàng chục ngàn dân công đi tiền tuyến vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ các chiến dịch, cao điểm là thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ tạo nên sức mạnh, tiền đề vững chắc để kế thừa, phát huy trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), nhờ chú trọng đổi mới nội dung và phương thức, công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; góp phần động viên đến mức cao nhất sức người, sức của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam và làm hậu thuẫn vững chắc cho quân và dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, nước ta đã bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Sau 30 năm chiến tranh, cả nước bước vào thời kỳ mới cùng thực hiện một chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với nhiều khó khăn, thách thức. Đảng đã vận động nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và kéo dài, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với Lào, Campuchia, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016) đã nhấn mạnh nội dung phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và công tác dân vận trong xây dựng đảng, yêu cầu tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; giải quyết bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân; kịp thời thể chế đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Trao đổi với PV Lao Động, nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH đoàn Đồng Nai) cho hay những bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận đã được chỉ rõ và cần được áp dụng để phát huy trong điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước.