Ngày 9-10, dưới sự chứng kiến đông đảo của phóng viên báo, đài cùng người dân, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM và Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn (đơn vị đề xuất dự án) đã tổ chức chạy thử nghiệm bộ thiết bị vớt rác sử dụng công nghệ hiện đại trên sông Vàm Thuật - Bến Cát đoạn qua quận Gò Vấp, TP HCM.
"Nhìn thôi đã thấy sướng mắt"
Theo quan sát, bộ thiết bị vớt rác hiện đại này có 5 thiết bị, gồm 1 sà lan lớn với khoang chứa rác khoảng 250 tấn, có cần cẩu gắp; 1 tàu thu gom rác tự động với sải cánh thu gom rộng 12 m chạy trên luồng chính và có hệ thống nén rác để tiết kiệm diện tích chứa; 2 máy gắp rác nhỏ có tính cơ động cao, di chuyển rác và đưa về sà lan; một tàu kéo tàu chính. Các thiết bị này có khả năng di chuyển để thu gom rác trên mặt sông rộng từ 5 m trở lên.
Đúng 8 giờ 45 phút, 3 trong 5 thiết bị của bộ thiết bị vớt rác bắt đầu vận hành. Hai máy gắp rác, mỗi máy do một công nhân điều khiển di chuyển linh hoạt trên sông Vàm Thuật - Bến Cát và chiếc cần cẩu nâng lên hạ xuống vớt được hầu hết các loại rác nổi như lục bình, vỏ chai, bao bì… Riêng chiếc sà lan lớn có cần cẩu gắp, có thể thọc sâu được dưới lòng sông để trục vớt, gắp bùn và các loại rác chìm.
Các thiết bị hiện đại tiến hành thu gom rác trên sông Vàm Thuật - Bến Cát sáng 9-10
Hoạt động của cỗ máy trên dòng sông đã khiến rất nhiều người tò mò và bất ngờ. Có mặt tại buổi chạy thử nghiệm, ông Nguyễn Trọng Hạnh (phường 15, quận Tân Bình, TP HCM) cho biết từ trước đến nay, ông chưa bao giờ thấy được một cỗ máy vớt rác trông hiện đại và linh động đến vậy. "Nhìn các thiết bị gắp rác, mò tìm rác dưới mặt nước mà sướng con mắt. Có cỗ máy này, bảo đảm các con sông, kênh, rạch ở TP sẽ ngày càng xanh, sạch hơn" - ông Hạnh hy vọng.
Buổi thử nghiệm kết thúc lúc gần 10 giờ. Theo ông Lâm Tấn Kiệt, Giám đốc Xí nghiệp 1 - Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn, các thiết bị hiện đại này đã hoạt động khá hiệu quả trong khoảng 1 giờ thử nghiệm. Bằng chứng là đã có 5 tấn rác các loại được vớt lên từ mặt nước và phía dưới lòng sông. "Hai thiết bị còn lại là tàu kéo và tàu vớt rác có sải tay 12 m chạy luồng chính trang bị băng tải cuốn tự động thu gom rác khi tàu di chuyển đang được đội ngũ kỹ sư hoàn thiện" - ông Kiệt thông tin. Theo ông, tổng giá trị bộ 5 thiết bị thu gom rác này là 20 tỉ đồng, trong đó 2 máy gắp rác cơ động được nhập từ Mỹ, có giá 3,5 tỉ đồng/chiếc.
Dự kiến thí điểm trong 2 tháng cuối năm 2020
Theo ông Lâm Tấn Kiệt, với công nghệ mới này, việc trục vớt rác trên sông sẽ được tối ưu hóa, giảm bớt sức người. Cụ thể, chỉ với 10 người tham gia vận hành, trong 7 giờ, bộ thiết bị này có thể thu gom 30-40 tấn rác. "Bộ thiết bị có thể hoạt động hiệu quả ở những bề mặt nước rộng, trong đó tàu kéo và tàu vớt rác giữ vai trò hoạt động chính, các thiết bị còn lại được sử dụng để gom rác vào luồng chính. Tại luồng chính, băng tải cuốn tự động sẽ thu gom rác vào khoang chứa của tàu, đến khi rác đầy sẽ được thiết bị khác đưa đến nơi xử lý" - ông Kiệt nói thêm.
Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý giao thông đường thủy Sở GTVT TP HCM, cho biết vừa qua, TP đã thực hiện vớt rác trên các sông như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Đôi, kênh Tẻ, Tàu Hũ, Lò Gốm… nhưng chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên hiệu quả chưa như mong muốn. Việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại sẽ tối ưu hóa được sức người và có thể vớt được nhiều loại rác mà các phương pháp thủ công trước đây không thể làm được. "Đánh giá bước đầu, phương pháp của Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn đề xuất phù hợp với các sông, kênh, rạch đô thị trên địa bàn, vớt được lượng rác lớn, trong đó có các loại rong, cỏ, lục bình và rác ven bờ" - ông Sơn nhận định.
Theo ông Sơn, trước mắt, Sở GTVT sẽ tham mưu UBND TP HCM cho thí điểm trong tháng 11 và 12-2020. Sau đó đánh giá, xây dựng định mức, đơn giá để có thể triển khai đại trà trong năm 2021.
Ưu tiên kênh, rạch ô nhiễm
Theo ông Lâm Tấn Kiệt, trước mắt bộ thiết bị này sẽ triển khai thực hiện thu gom rác trên các tuyến giao thông nội đô, những kênh, rạch ô nhiễm nhiều. Tuy nhiên, hiện công nghệ này chỉ dừng lại ở khả năng thu gom cơ động, tiết kiệm sức người, chưa thể phân loại rác sau khi vớt lên. Dự kiến, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục đầu tư để cải tiến bộ thiết bị này trong thời gian tới, để có thể phân loại rác trước khi chở đến nơi xử lý.