LĐO - Nhiều người lao động, trong đó có lao động di cư cho rằng cần thiết nới lỏng điều kiện hưởng lợi từ gói 62.000 tỉ đồng.
Dịch COVID-19 khiến hơn 30 triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng. Người lao động đã và đang bị mất, giảm việc làm và tạm dừng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động phi chính thức có mức giảm nhiều hơn so với lao động chính thức. Trong khi đó, họ ít được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội; không có bảo hiểm xã hội, ít có cơ hội việc làm thay thế.
Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42 và Quyết định 15. Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng là một chính sách kịp thời và quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh này.
Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ này này thực tế vẫn gặp nhiều thách thức, tỷ lệ giải ngân thấp. Bắt đầu triển khai từ tháng 5.2020 nhưng tính đến hết tháng 7 năm nay mới giải ngân được 11,9 nghìn tỉ đồng, tương đương 12%, hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13.000 hộ kinh doanh.
Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Cộng đồng ánh sáng cho rằng, cần rà soát lại những đối tượng thực sự bị ảnh hưởng, đồng thời có các hướng dẫn về đối tượng được thụ hưởng cần rõ ràng và có sự chỉ đạo cụ thể từ trung ương xuống địa phương để tránh việc hiểu nhầm dẫn đến việc bỏ sót hoặc hỗ trợ sai đối tượng. Ngoài ra, cần có biện pháp để nghe ý kiến phản hồi trực tiếp từ người dân một cách kịp thời, giúp điều chỉnh thực hiện một cách hiệu quả.
Trước những vướng mắc, bất cập về việc triển khai gói hỗ trợ này, ông Nguyễn Hoài Đức, Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết, gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng với dịch COVID-19, hỗ trợ mang tính nhân văn nhưng quá trình triển khai đã gặp những vướng mắc, bất cập. Do đó, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã có kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định 42 và Nghị quyết 15 theo hướng nới lỏng điều kiện thụ hưởng và hy vọng những người đáng được hỗ trợ sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này.
"Sửa Nghị quyết 42 đã qua được ý kiến của các thành viên Chính phủ, đã thảo luận trong các thành viên Chính phủ, hy vọng sau khi có Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Chính phủ có thể ký Nghị quyết sửa đổi cũng như ký sửa đổi Quyết định số 15 để chúng ta thực hiện hỗ trợ bổ sung thêm. Chính phủ cũng thảo luận và thống nhất rằng nếu tình hình dịch có vấn đề thì chúng ta đề xuất một gói hỗ trợ mới, báo cáo Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một Gói hỗ trợ mới trên cơ sở cân đối tất cả nguồn lực ngân sách còn bảo đảm được” ông Đức nói.