Phát biểu khai mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 42 diễn ra hôm nay 7-7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, lo lắng về nguy cơ doanh nghiệp phá sản vì khi phá sản rồi thì không trở lại được. Vì thế, TPHCM có trách nhiệm cực kỳ quan trọng là không để doanh nghiệp trên địa bàn phải đóng cửa.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 42. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đóng góp cho cả nước ngày một tăng
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết hội nghị Thành ủy lần này sẽ thảo luận về 7 nội dung, tập trung vào các vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, thống nhất nhận thức, xác định được những thế mạnh cũng như nhận diện rõ các hạn chế, từ đó xác định những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Về nội dung cụ thể, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu thảo luận sâu, làm rõ vị trí đầu tàu kinh tế của TPHCM đối với cả nước.
Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, vị trí đầu tàu kinh tế cả nước thời gian qua của TPHCM không phải tự nhiên có được, mà là sự nỗ lực rất lớn. Vì vậy, đồng chí gợi mở nhiều vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận, tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội TPHCM, đóng góp lớn hơn và giữ vững vị thế này.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, vị trí đầu tàu cả nước của TPHCM trước tiên thể hiện ở tỷ trọng đóng góp của kinh tế TPHCM với cả nước ngày một tăng lên.
Cụ thể, giai đoạn 1996-2000, kinh tế TPHCM chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước; giai đoạn 2001-2010 chiếm 20% nhưng đến giai đoạn 2011-2019 là hơn 22%. Tương tự, giá trị gia tăng tạo ra trên 1km2 của TPHCM so với cả nước cũng ngày một tăng. Nếu giai đoạn 1996-2000 trên 1km2 của TPHCM tạo ra giá trị gia tăng cao gấp 27 lần bình quân cả nước, thì giai đoạn 2001-2010 gấp 31 lần và giai đoạn 2011-2019 gấp 35 lần.
Điều này có nghĩa là sau khoảng 3 năm, giá trị gia tăng tạo ra trên 1km2 của TPHCM bằng giá trị cả nước tạo ra trên 1km2 trong 100 năm.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, cơ sở để đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước ngày càng tăng, đó là năng suất lao động. TPHCM luôn được duy trì năng suất lao động bình quân cao hơn cả nước khoảng 2,7 lần và năm 2019 là 2,9 lần.
Vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước không chỉ ở tăng trưởng mà còn thể hiện ở tỷ trọng đóng góp vào ngân sách cả nước tiếp tục tăng lên. Theo đó, TPHCM đóng góp vào ngân sách cả nước tăng từ 26,5% trong giai đoạn 2001-2010 và tăng lên 27,5% trong giai đoạn 2011-2019.
Cùng với đó, TPHCM thu hút vốn xã hội đạt 36% tổng sản phẩm nội địa (chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X là 30%). Ngoài ra, tỷ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài của TPHCM so với cả nước cũng không ngừng tăng. Năm 2015, tỷ lệ này là 13,4%, đến năm 2016 chiếm 13,7%, năm 2017 chiếm 14,2%. Trong 2 năm 2018, 2019 đều chiếm 14,7%.
Đặc biệt, TPHCM còn có những mô hình đổi mới, tiên phong cả nước như Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm Quang Trung cùng các chương trình, đề án khởi nghiệp sáng tạo quy mô nhất cả nước. TPHCM cũng là nơi có chương trình liên kết ngân hàng và doanh nghiệp thông qua cầu nối của chính quyền rất tốt.
Gần đây nhất, TPHCM đã bắt tay triển khai Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông, tạo nguồn động lực phát triển mới cho giai đoạn sắp tới và gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Mặc dù TPHCM luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, song đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM vẫn chỉ ra những chỉ tiêu không tăng, thậm chí giảm. Đó là tốc độ tăng trưởng so với cả nước giảm. Giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế TPHCM bằng khoảng 1,6 lần cả nước, nhưng 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần. Về nguyên nhân có cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là trong 20 năm qua, tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM ngày càng giảm.
Cụ thể, từ tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại là 33% (năm 2000) đã giảm còn 18% (giai đoạn 2017-2020). Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng để lại từ 100% còn 78%.
“Việc làm giảm nguồn lực từ ngân sách là một lý do khách quan hạn chế sự vượt trội của TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Bên cạnh lý do khách quan, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng cần rà soát lại những yếu tố chưa đột phá, chưa được phát huy hết trong thời gian qua, như ứng dụng khoa học công nghệ hay như đã phát huy hết tính đổi mới, sáng tạo chưa. Về liên kết vùng, gần đây TPHCM đã có nhiều chuyển biến, như hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh miền Tây với 5 tỉnh miền Đông Nam bộ hoặc ký kết với tỉnh Tây Ninh đầu tư tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài… Tuy nhiên, nhìn lại 5 năm qua chưa có đột phá.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ, TPHCM cũng có thể tăng trưởng cao hơn nếu hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp tốt hơn.
Mặt khác, quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ (không kể bất động sản) hiện chỉ chiếm gần 5% quỹ đất toàn TP, tức khoảng 10.000ha. Trong khi đó, công nghiệp, dịch vụ lại đóng góp hơn 99% trong cơ cấu kinh tế TP. Điều này, theo đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM là bất hợp lý.
Cuối năm 2017, Đảng bộ TP ra Nghị quyết năm 2018 phải có một khu công nghiệp mới để thu hút đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Nếu TPHCM dành quỹ đất tốt hơn cho công nghiệp, dịch vụ thì TPHCM có thể đón thêm các nhà đầu tư lớn. “Vậy là vẫn còn những hạn chế do lỗi của chúng ta”, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ.
Không để doanh nghiệp phá sản
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Thành ủy đã có Dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Quá trình chuẩn bị văn kiện được thực hiện từ cuối năm ngoái, khi chưa có dịch Covid-19 nên trong báo cáo dự kiến tăng trưởng như xu hướng của các năm 2016-2019. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên dự báo này không còn đúng. Như vậy, trong chuỗi phát triển này, năm 2020 là ngoại lệ và không đúng quy luật.
Hiện nay, dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên chưa thể dự báo chính xác tình hình kinh tế của năm 2020. Từ đó, đồng chí gợi ý trong quá trình thảo luận có phần đánh giá 2016-2019 và đánh giá riêng năm 2020.
Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại, trong những tháng đầu năm, TPHCM tập trung chăm lo tết và phòng chống dịch Covid-19.
Đánh giá tổng thể, đồng chí khẳng định, TPHCM chủ động triển khai các giải pháp quan trọng sớm nhất cả nước, như quyết định nghỉ học, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường hay đến nơi đông người, tạm ngưng các hoạt động không thiết yếu, chủ động chuẩn bị khu cách ly 20.000 giường, xây dựng bệnh viện dã chiến. Từ đó, TPHCM đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, góp phần quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Trong bối cảnh tập trung phòng chống dịch, các quận huyện, sở ngành TPHCM vẫn tích cực triển khai đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp, bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là số vụ xây dựng không phép, sai phép trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt được 43%, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch vì TP sạch và giảm ngập nước, đến nay TP có 190 phường - xã - thị trấn được công nhận là phường - xã - thị trấn sạch, không xả rác (đạt gần 59%). Cùng với đó là giải tỏa được 715/747 điểm đen tồn đọng rác (chiếm gần 96%). Từ những kết quả đáng trân trọng này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tiếp tục phấn đấu đến hết 200 ngày thi đua sẽ có trên 90 phường - xã - thị trấn được công nhận.
Dẫn chứng số liệu 8.000 doanh nghiệp trên địa bàn tạm ngưng hoạt động do Covid-19 trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thắc mắc, đến nay đã có bao nhiêu doanh nghiệp được hỗ trợ? Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến tháng 9-2020 hỗ trợ đến 90%, nhưng đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp đã được hỗ trợ tiền (cho chủ doanh nghiệp, cho người lao động) cần được thông tin chi tiết hơn.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, dịch bệnh tác động sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản rất lớn.
“Khi phá sản rồi trở lại không được nên phải hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động. Chúng ta có trách nhiệm cực kỳ quan trọng là không để họ phải đóng cửa”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. |
Cũng từ đó, về những công việc từ nay đến cuối năm, đồng chí đề nghị có sự hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi khi cần thiết. Cùng với đó là việc tiếp tục thực hiện các chương trình theo kế hoạch, nhất là công tác tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ quận - huyện, Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI; hoàn thành nhiệm vụ đầu tư công cũng như giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI và chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp.
Đánh giá 7 chương trình đột pháMột vấn đề lớn được đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gợi mở thảo luận, đó là các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân thời gian qua như thế nào, từ giao thông, cấp thoát nước, môi trường. Từ đó trả lời câu hỏi, chất lượng cuộc sống người dân đối với các dịch vụ này tăng hay giảm. Chẳng hạn, tình hình ngập nước thực tế được cải thiện hay xấu đi? Theo đồng chí, nguy cơ ngập nước ngày càng tăng, nhưng tình hình thực tế ngày càng giảm. Tình hình ngập tại các điểm ngập, tuyến đường chính được giải quyết ngày một tốt hơn. Tương tự, trong xử lý rác cũng ngày càng tiến bộ. Đồng thời, hiện nay 100% người dân đã được cấp nước sạch. Trong khi đó, giao thông vẫn là vấn đề nóng bỏng nên đồng chí đề nghị các đại biểu thảo luận để trả lời, trong bối cảnh 5 năm, dân số TPHCM tăng 1 triệu người thì tổng thể tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn tăng hay giảm. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng số liệu báo cáo của UBND TP và thông tin, số liệu báo cáo cho thấy ùn tắc giao thông trên địa bàn TP có giảm. Song, đồng chí đề nghị hội nghị thảo luận để thông tin, đúng đắn, đầy đủ nhất là với người dân về những kết quả đã đạt được. Ngược lại, những hạn chế cũng phải chỉ ra. Cùng với đó, đồng chí mong muốn các đại biểu đánh giá về các dịch vụ xã hội, các hoạt động văn hóa, y tế và so sánh với nhiệm kỳ trước để thấy có những tiến bộ cụ thể nào, chất lượng giáo dục tăng hay giảm… Liên quan đến 7 chương trình đột phá, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, điểm chung là các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện 7 chương trình đột phá và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Song, không có chương trình nào đạt được 100% chỉ tiêu. Do đó, các đại biểu cần đánh giá kết quả thực hiện đối với từng chương trình, từ đó rút kinh nghiệm trong thực hiện về sau. |