(DNSG) - Trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nhân và Sách, Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Công ty TNHH Đường sách TP.HCM và các nhà xuất bản, công ty sách, doanh nhân, chuyên gia tổ chức, buổi tọa đàm “Sách viết về đô thị thông minh” diễn ra vào sáng 13/10/2020 tại Hội Nhà báo TPHCM. Đây cũng là sự kiện chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Sách viết về đô thị thông minh: Còn ít nhưng đừng lo

Các diễn giả tại buổi tọa đàm

“Đừng lo sách ít, vấn đề là cách đi”

Mở đầu tọa đàm, ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM khẳng định: “Đô thị hóa tất yếu sẽ thúc đẩy phát triển đô thị thông minh phù hợp với xu thế chung của thế giới, đó cũng là lý do lãnh đạo thành phố sớm phê duyệt đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025.

Định nghĩa một cách ngắn gọn, ông Hoàng cho biết đô thị thông minh là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống và dịch vụ đô thị. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng mô hình “thành phố thông minh” song song với “thành phố xã hội” với mục tiêu tạo dựng cuộc sống “giản dị, ít nhân tạo, nhiều tự nhiên”.

Khẳng định xây dựng đô thị thông minh chỉ là một lựa chọn trên con đường hiện đại hóa chứ không phải là con đường tất yếu của mọi xã hội, nhưng ông Hoàng cũng chỉ ra một thực tế là tại Việt Nam đến thời điểm này, vẫn chưa có một tài liệu nào đề cập đến vấn đề này một cách toàn diện, cụ thể và hoàn chỉnh. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp để truyền tải thông tin toàn diện, cập nhật đến với cộng đồng.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Ông Tường Minh - Phó giám đốc Phát triển công nghệ Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT cũng cho rằng, trên thế giới có khá nhiều sách về đô thị thông minh, trên Amazon đang có gần 800 đầu sách về chủ đề này, trong đó có khoảng 100 cuốn được khuyến khích là đáng đọc nhất, nhưng chưa có cuốn nào dịch ra tiếng Việt. Ông dẫn chứng, có 27 đầu sách nói về đô thị thông minh thì có 13 cuốn do người Việt viết, còn lại là sách mua bản quyền nước ngoài. 

Cùng nhận định sách viết về chủ đề đô thị thông minh, ông Ngô Minh Hùng - Đại học Văn Lang cho rằng rất ít đầu sách đi vào vấn đề của từng địa phương, khu vực. Hiện TP.HCM đi sau trong quá trình ứng dụng các mô hình đô thị hiện đại của thế giới nhưng chưa có một hình mẫu chuẩn nào cho Việt Nam cũng như TP.HCM. Do vậy, quá trình học hỏi các mô hình của thế giới thường có độ chênh với thực tế, vì vậy, việc tư duy xây dựng đô thị thông minh sử dụng những giải pháp phi vật thể, đáp ứng các nhu cầu của xã hội, tức là dựa vào nhu cầu thực tế để từ đó sẽ có những quyết sách phù hợp vẫn còn nhiều khoảng trống.

T.S Ngô Minh Hùng - Trưởng phòng hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, Đại học Văn Lang

TS. Ngô Minh Hùng - Trưởng phòng hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, Đại học Văn Lang

Chia sẻ dưới góc độ nhà xuất bản (NXB), ông Phạm Chí Thành - Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia Sự thật lại đưa ra một thông tin lạc quan khi cho rằng, hiện nay NXB Chính trị Quốc gia Sự thật là một trong những đơn vị xuất bản nhiều đầu sách về chủ đề đô thị thông minh. Ông nói: “Các đầu sách hiện nay của NXB tiếp cận trên hai góc độ: học thuật và phổ thông. Đặc biệt trong số đó là cuốn sách của Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nhìn nhận vấn đề đô thị thông minh ở Việt Nam dưới nhiều góc độ tiếp cận, từ những bài học của các mô hình trên thế giới đến những ứng dụng vào thực tiễn của nhiều địa phương như Hải Phòng, Cần Thơ… và đưa ra nhiều vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình xây dựng đô thị thông minh”.

Ông nhấn mạnh: “Xây dựng đô thị thông minh phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân đô thị. Xem họ đang cần gì, trên cơ sở đó để tiếp cận. Chẳng hạn như kết hôn, giao dịch bất động sản sau này có phải tới phường, phòng công chứng làm thủ tục đăng ký hay làm qua mạng? Rồi quản lý hồ sơ bệnh nhân liên thông từ cấp y tế phường, quận tới hệ thống các bệnh viện. Hay như quản lý hộ tịch, thông tin cá nhân, rồi thông tin về các dịch công… cũng phải được số hóa hết. Đó là những vấn đề đô thị thông minh cần giải quyết”.

ông Phạm Chí Thành- Giám đốc NXB Chính Quốc gia Sự thật.

Ông Phạm Chí Thành - Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia Sự thật

Làm thế nào để sách không nằm trên kệ?

Lý giải vì sao có chủ trương của Thành phố nhưng rất ít sách về chủ đề đô thị thông minh, dưới góc độ đơn vị làm sách, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Books, cho biết có ba đối tượng là công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh và chính quyền thông minh. Hai nhóm đối tượng đầu rất quan trọng, là đối tượng mà NXB hướng tới để làm sách phục vụ hai nhóm trên, với mục tiêu làm sao để giới trẻ tiếp cận công nghệ và hiểu quy tắc ứng xử trong đô thị thông minh, làm sao để doanh nghiệp điều hành hiệu quả trong đô thị thông minh và thậm chí đưa ra những giải pháp điều hành thông minh hơn.

Sở dĩ ở Việt Nam có rất ít đầu sách viết về đô thị thông minh vì theo ông Quỳnh: “Việc xuất bản một cuốn sách phải có giá trị khi nằm trên tay người đọc. Nếu sách còn nằm trên kệ sách thì giá trị bằng 0”.

Để giải quyết nút thắt này, Chủ tịch Sài Gòn Books nêu giải pháp: “Để người dân, giới trẻ tìm đọc sách về đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo, cách mạng công nghiệp 4.0 thì sách phải giải quyết đúng... nỗi đau, những vấn đề mà độc giả đang hướng đến. Kế đến là công tác truyền thông. Một cuốn sách hay mà công tác truyền thông không phù hợp cũng không đến được với người đọc. Và đáng buồn là đến bây giờ, vẫn không có nhiều đầu sách đáp ứng được hai tiêu chí này”.

Riêng sách dành cho khối chính quyền, bên cạnh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, ông Quỳnh kiến nghị cần thêm sự đặt hàng, sự định hướng của cơ quan chính quyền, đưa ra hệ thống sách về đô thị thông minh và phân bổ để tránh tình trạng dồn vào một chủ đề mà bỏ qua những vấn đề khác. Đặc biệt, vấn đề truyền thông sách giúp bạn đọc quan tâm tìm kiếm cần đẩy mạnh và tạo phong trào để lan tỏa.

 Ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cũng nhấn mạnh: “ Cần phải tăng cường công tác quảng bá, phải làm sao cho các sách viết về đô thị thông minh lan tỏa đến trường học, và cách viết cần mang tính phổ thông”.

Chia sẻ động lực để viết sách về đô thị thông minh, bà Nguyễn Phi Vân cho rằng hiện có nhiều bạn trẻ rất giỏi, hiểu rất rõ về 4.0, về chuyển đổi số nhưng chưa bao giờ viết sách hoặc chưa dám viết. Nên chăng tổ chức một cuộc phát động để các bạn trẻ mạnh dạn chia sẻ tri thức của họ.

Bà kể thêm: “Tháng 10/2019 tại Hội nghị thượng đỉnh của 180 thị trường chia sẻ về chủ đề làm gì để đô thị an toàn cho trẻ em tại Columbia, Việt Nam cũng nhận được giải thưởng trẻ em sáng tạo và an toàn cho Việt Nam. Khi hỏi vì sao các em đưa ra ý tưởng như vậy, các em cho biết đô thị thông minh là nơi em cảm thấy an toàn, nơi không có rác, không có người ăn xin, nơi chúng em được yêu thương”. Từ góc nhìn của các cư dân trẻ ở một đô thị sắp thông minh, tôi đã viết hai cuốn sách Tôi, tương lai và Nym.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp xây dựng, ông Lê Viết Hải - Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Hòa Bình góp ý kiến: “Cần có chiến lược tổng thể để triển khai đô thị thông minh một cách hiệu quả. Nhà nước đặt hàng thế nào cho quy mô đô thị khác nhau, tiêu chuẩn nào để kết nối các chuỗi đô thị thông minh ở ba miền có sự đồng bộ, nhất quán. Sau đó là quốc gia thông minh, hướng đến khu vực thông minh, thế giới thông minh”.

Ông nhấn mạnh: “Cần có những nhà tư vấn nước ngoài kết hợp với trong nước đưa ra những nhiệm vụ triển khai, tiêu chuẩn cụ thể. Sau đó tìm kiếm những nhà thầu, nhà chuyên môn để triển khai sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho quốc gia. Còn nếu mạnh ai lấy làm, tự thuê nhà thầu, tự tìm kiếm nguyên liệu thiết bị thì sẽ lãng phí”.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, ông Trần Hoàng - Phó tổng biên tập phụ trách Báo Doanh Nhân Sài Gòn cho biết, trên cơ sở kiến nghị, kế hoạch từ ý tưởng mang tính gợi mở từ chia sẻ của các diễn giả, ban tổ chức sẽ có báo cáo gửi đến UBND TP.HCM để việc phát triển đô thị thông minh không chỉ là xu hướng mà còn là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, người dân TP.HCM”.

NHÓM PV