(TTXVN/Vietnam+) - Công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
 
Kiem tra, giam sat gop phan giu vung ky cuong, ky luat cua Dang hinh anh 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, coi đây là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Quyết tâm loại bỏ tham nhũng, tiêu cực

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã có nhiều đổi mới, nỗ lực cố gắng hoàn thành khối lượng công việc lớn, với chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Từ kết quả công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã hoàn thành xét xử một số vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm: Vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân; vụ án xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone; vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Đà Nẵng.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương tiếp được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã khởi tố mới 143 vụ án/399 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ.

Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiên quyết xử lý và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những người giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, sĩ quan cấp cao trong lực lượng vũ trang, với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, thấu tình, đạt lý, được đối tượng kiểm tra “tâm phục, khẩu phục.”

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 186 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý (trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng), cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân."

Đây là bài học sâu sắc, đắt giá, và đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.

"Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất! Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu.

Những kết quả này góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; minh chứng cho quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Kết quả kiểm tra, giám sát đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; giúp cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời phát hiện những vấn đề bất cập, sơ hở trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kiểm tra triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Kiem tra, giam sat gop phan giu vung ky cuong, ky luat cua Dang hinh anh 2
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Sơn Minh Thắng chủ trì hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, trong công tác kiểm tra cần chú ý khâu phát hiện sai phạm, thông qua hoạt động giám sát, qua báo chí, qua tố giác của nhân dân, chú trọng kiểm tra, giám sát các địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm, tiêu cực.

Khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải nhanh chóng kiểm tra, làm quyết liệt, triệt để, giải quyết dứt điểm. Kết luận kiểm tra phải rõ ràng, minh bạch; xử lý phải công tâm, khách quan; kỷ luật phải nghiêm minh, thuyết phục; tránh tình trạng "trông chờ, nghe ngóng," "nặng trên, nhẹ dưới" - ông Trần Quốc Vượng lưu ý.

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cùng với việc tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các văn bản của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, ngành Kiểm tra Đảng tập trung kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu ngoài các nhiệm vụ theo chức năng, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành đánh giá, phân tích sâu công tác kiểm tra trong nhiệm kỳ qua, chỉ ra nguyên nhân của thành công và những hạn chế, tồn tại để phục vụ công tác xây dựng văn kiện đại hội.

Các văn bản quy định của Đảng về công tác kiểm tra ban hành trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải chủ động, kịp thời nắm lại tình hình, phát hiện những vấn đề chưa phù hợp trong quá trình thực hiện, để ngay sau Đại hội XIII của Đảng trình cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Ngành chú trọng giải quyết đơn thư, các vụ việc, bảo đảm đúng quy định, phục vụ tốt cho việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và nhân sự Trung ương khóa XIII, theo đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị; kiên quyết đấu tranh việc lợi dụng dịp tổ chức đại hội để tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến nhân sự đại hội.

Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu tổ chức, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo chức năng, nhiệm vụ; đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra; coi trọng việc nắm tình hình hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu để sớm phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm...

Bên cạnh việc phát huy hiệu quả công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chấp hành và công tác giám sát.

Đây là việc làm thường xuyên, có tính phòng ngừa, nhắc nhở kịp thời. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện một số quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương, về giám sát quyền lực trong công tác cán bộ. 

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, trước hết phải xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, có dũng khí đấu tranh, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng, có năng lực, trình độ, tinh thông nghiệp vụ ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Làm công tác kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân, nhiều khi còn phải đấu tranh với chính bản thân mình, giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực trong con người mình; phải hy sinh lợi ích cá nhân của mình để bảo vệ và giữ gìn kỷ luật và sự trong sạch của Đảng, nên hơn ai hết, cán bộ kiểm tra phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.”

Ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa vi phạm trong cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, với phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, lấy chủ động phòng ngừa, lấy xây là chính; kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng và sự phát triển của đất nước./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)