LĐO - Ngoài việc mua bán, sử dụng trái phép quân trang... bị phạt hành chính, người nào dùng vào mục đích lừa đảo, gây rối sẽ bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, hoạt động mua bán, sử dụng trái phép quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ của ngành Công an diễn ra công khai ở nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo nhỏ lẻ, các chợ, trên mạng xã hội, ở phạm vi toàn quốc.
Nhiều đối tượng chống đối, phần tử xấu đã sử dụng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của ngành Công an để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như: giả danh Công an chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức; trà trộn vào đám đông với ý đồ giả danh Công an tấn công người biểu tình, gây kích động, bạo loạn, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đúng đắn, uy tín của lực lượng Công an nhân dân.
"Việc sản xuất, cấp phát, quản lý, sử dụng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của CAND được pháp luật điều chỉnh khá chặt chẽ", luật sư Trạch nói.
Ngày 23.7.2018, Bộ trưởng Tô Lâm ban hành Công điện số 05/CĐ-BCA về việc tăng cường đấu tranh, xử lý với hoạt động mua bán, sử dụng trái phép quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ ngành Công an; nghiêm cấm mua bán, trao đổi, cho, tặng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ của Công an nhân dân dưới mọi hình thức, đối với mọi đối tượng.
Căn cứ Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016, kinh doanh công cụ hỗ trợ, quân trang, quân dụng dành cho ngành Công an là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hoặc cơ sở kinh doanh ngoài Quân đội, Công an được cơ quan có thẩm quyền của Quân đội hoặc Công an theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản chấp thuận hoặc có hợp đồng theo quy định của pháp luật mới được kinh doanh các mặt hàng đặc biệt nêu trên.
Cá nhân, tổ chức có hành vi làm giả, sản xuất, mua bán, sử dụng, tàng trữ công cụ hỗ trợ, quân trang, quân dụng dành cho ngành Công an, tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo quy định của Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26.8.2020.
Trường hợp cá nhân có hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 339 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, tùy hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ phạm tội mà còn có thể bị xử lý hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm quy định tại Điều 304, Điều 307 BLHS hiện hành.
Trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ để xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác còn có thể bị xử lý về các tội danh tương ứng như tội giết người, cố ý gây thương tích.