LĐO - Từ năm 2021 khi Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực, sẽ không còn lương tối thiểu ngành.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.
Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.
Tuy nhiên, đến khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực (1.1.2021), quy định về mức lương tối thiểu đã có nhiều thay đổi.
Theo đó, tại Điều 91 của Bộ luật này quy định, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Như vậy, mức lương tối thiểu đã bỏ quy định xác lập theo ngành và ấn định theo ngày so với quy định cũ.
Đồng nghĩa, việc xác định mức lương tối thiểu ngành thông qua thương lượng tập thể ngành, ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng không còn được áp dụng từ ngày 1.1.2021.