(PLO)- Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã điều hơn 100 cán bộ, chiến sỹ cơ động vào địa bàn để phối hợp ứng cứu vụ sạt lở ở Hướng Hóa khiến 22 người ở Quân khu 4 mất liên lạc.

Sáng nay, 18-10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với lũ khẩn cấp khu vực miền Trung.

Hơn 100 cán bộ, chiến sỹ vào ứng cứu sạt lở ở Hướng Hóa - ảnh 1
Ông Nguyễn Hiệp, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên ta. Ảnh: AH

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Hiệp, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên ta, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết trong ngày 17-10 tiếp tục mưa, lũ trên diện rộng, các lực lượng cứu hộ tạm dừng công tác san, gạt đường vào thủy điện Rào Trăng 3.

Phương án tìm kiếm ngày 18-10, tập trung đẩy nhanh tiến độ san, gạt thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3, tìm kiếm số công nhân mất tích.

Ngoài ra Thừa Thiên Huế cập nhật tình hình công nhân tại Rào Trăng 3 đã có 2 người chết và 15 người mất tích.

"Theo thông tin ban đầu tại Hướng Hóa, Quảng Trị đã xảy ra hai sự cố sạt lở. Đó là một hộ gia đinh 6 người bị sập và đoàn kinh tế 337, Quân Khu 4 có 22 người, địa phương đang xác minh thông tin. Quảng Trị đã cử đoàn công tác do Phú Chủ tịch tỉnh đang tiếp cận khu vực bị sạt lở" - ông Hiệp cho biết.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng cứu hộ cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết, tuyến miền núi ở Quảng Trị đang rất nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng ở Hướng Hóa. 

"Vụ việc xảy ra vào đêm hôm qua vô cùng nghiêm trọng, sau khi có thông tin, 3 giờ sáng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã điều hơn 100 cán bộ, chiến sỹ cơ động vào địa bàn để phối hợp ứng cứu. Đến 7 giờ sáng đã có mặt xảy ra vụ sạt lở" - ông Hưng cho biết.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to; riêng Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa đặc biệt to.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ nên từ nay đến ngày 21-10 ở Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ ngày 18-10 đến ngày 21-10 ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị phổ biến 400-600mm, có nơi trên 700mm; ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm; ở Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm; từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến 80-150mm, có nơi trên 150mm.   

Hơn 100 cán bộ, chiến sỹ vào ứng cứu sạt lở ở Hướng Hóa - ảnh 2
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng cứu hộ cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết, tuyến miền núi ở Quảng Trị đang rất nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng ở Hướng Hóa. Ảnh: AH

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết trong 12 giờ qua ở Quảng Trị đã có mưa đặc biệt to. Lũ trên các sông ở Quảng Trị đang lên nhanh. Dự báo trên sông Hiếu tại trạm Đông Hà lên mức 5,7m, trên báo động 3 1,7m, cao hơn đỉnh lũ ngày 8-10.

 Trên sông Thạch Hãn tại trạm Thạch Hãn lên mức 7,7m, trên báo động 3 là 1,7m, cao hơn lũ lịch sử năm 1999 là 0,41m. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, ngập lụt tại huyện Đắkrông, Hướng Hóa. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị tại xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cam Lộ, thành phố Đông Hà.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết đêm hôm qua các lực lượng đã triển khai từng giờ từng phút phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, giữ liên lạc trực tuyến liên tục với Quảng Trị.

"Qua trực đêm, xem lại các trao đổi giao diện của các thuê bao thấy hết sức đau thương, có những gia đình phải kêu gọi cấp cứu trong đêm tối. Nội dung trao đổi thông tin với nhau cho thấy bà con đã nhận được thông tin rất sớm nhưng có phần chủ quan, không nghe theo hướng dẫn của cơ quan chức năng" - ông Tiến cho biết.

Về tác động mưa lũ ở Quảng Trị đã xảy ra hai vụ lớn, một vụ sập nhà có 6 người đã cứu được ngay 2 người, 4 người chưa tìm được và vụ sạt lở ở quân khu 4 thì ngay trong đêm chính quyền địa phương, các lực lượng, nhất là lực lượng xung kích, vũ trang, biên phòng, công an đã có mặt để triển khai công tác cứu hộ cứu nạn, hiện vẫn đang tiếp tục theo dõi.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện: số 1372/CĐ-TTg ngày 08/10/2020 về tập trung ứng phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung và Công điện số 27/CĐ-YWWPCT ngày 17/10/2020 của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo TW về PCTT về việc tập trung ứng phó với mưa lũ.

Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.

Chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, dành dung tích để đón đợt lũ tiếp theo, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương.

Tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp; rà soát xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ về lương thực, thuốc, hóa chất xử lý nước, khử khuẩn, xử lý môi trường và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

AN HIỀN