Lễ viếng từ 7h-11h ngày 18-10, lễ truy điệu từ 11h-12h.
Đúng 11h, Tư lệnh Quân khu 4, Trung tướng Đỗ Doãn Anh, đọc điếu văn tiễn biệt: "Các chiến sĩ hi sinh là mất mát đau thương trong quân và nhân dân cả nước. Trong những ngày qua, trước sự hi sinh của các đồng chí, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và nhân dân cả nước tiếc thương, đau xót trước sự mất mát không thể bù đắp này. Thân nhân hãy nhận của chúng tôi sự tiếc thương vô hạn và sâu sắc. Xin gửi lời chào vĩnh biệt, các chiến sĩ an nghỉ trong lòng đất mẹ.
Phẩm chất đạo đức và sự dũng cảm của các đồng chí luôn sống mãi trong tim của đồng đội và nhân dân.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hi sinh cao cả của các chiến sĩ, giữ bình yên cho nhân dân".
11h15, lễ truy điệu kết thúc. Ban tổ chức lễ tang, lực lượng di quan chuẩn bị đưa các chiến sĩ, cán bộ về với gia đình.
Linh cữu Thiếu tướng Nguyễn Văn Man được đưa ra trước tiên.
Người thân Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng khóc khi di quan anh về quê - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Các chiến sĩ đội danh dự phủ lá cờ Tổ quốc lên quan tài của Thượng tá Lê Tất Thắng, tham mưu trưởng Lữ đoàn 80, Quân khu 4 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Linh cữu của Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng được những người lính trẻ khiêng, theo sau là gia đình và những lời động viên an ủi của những người mặc áo lính. Phía ngoài sân, nhiều đồng đội đứng lẫn trong người dân vẫn nghiêm trang chào, nước mắt chảy dài. Đó là những người làm cùng đơn vị, những người cấp dưới của Thượng tá Dũng. Anh sẽ được đưa về quê nhà Nghệ An theo nguyện vọng của gia đình.
Gần 13h, linh cữu 11 chiến sĩ, tướng lĩnh đã hoàn thành di quan theo nghi thức quân đội, được các xe tang đưa về nhà.
Riêng người nhà ông Nguyễn Văn Bình (chủ tịch UBND huyện Phong Điền) cho biết chuẩn bị hai phương án để lo tang lễ. Phương án đầu là ngay tại nhà, bởi nước sông Bồ sau khi lên cao đã rút đi vào sáng nay, tình trạng ngập tại nhà ông đã không còn. Tuy nhiên, mưa lớn có thể trở lại. Để đề phòng, gia đình chuẩn bị một trại tang tại đài liệt sĩ huyện Phong Điền, nếu nước lên sẽ di chuyển linh cữu ông từ nhà sang.
Còn theo nguyện vọng của gia đình ông Phạm Văn Hướng (trưởng phòng thông tin tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên Huế), linh cữu của ông sẽ được đưa ra Thanh Hóa hỏa táng. Sau đó gia đình sẽ mang tro cốt về quê nhà Thái Bình. Một người thân của ông cho biết: "Trong này Hướng không còn ai cả, chúng tôi muốn đưa em ấy về quê. Sau khi hai cháu học xong cũng sẽ về quê với họ hàng".
Người dân TP Huế đứng dọc tuyến đường tiễn đưa những người đã hi sinh. Anh Nguyễn Thành Tuấn (TP Huế) chia sẻ: "Cha tôi cũng là một người lính từng hi sinh ở chiến trường. Máu của ông đổ xuống vì hòa bình. Nay giữa thời bình, có những người lính như bố tôi ngã xuống. Tôi mong các gia đình sẽ vượt qua đau thương như gia đình tôi gượng dậy sau khi hay tin bố mất mấy chục năm trước".
Lễ viếng 13 chiến sĩ, cán bộ không chỉ có những người mặc áo lính mà còn nhiều cơ quan, đơn vị. Những đoàn người nối nhau bước vào trong nhà tang lễ trang nghiêm, bước qua 13 quan tài phủ lá cờ Tổ quốc.
Những vành khăn tang phủ kín từ trong nhà tang lễ lẫn ngoài sân. Gia quyến người đã mất bật khóc trước những cái bắt tay chia sẻ, đau xót khi người đến viếng đặt tay lên linh cữu của người thân mình. Ngay cả những người lính cũng không thể cầm được nước mắt khi nhìn vào di ảnh những người đồng đội.
Đến 10h45, ban tổ chức lễ tang sơ lược tóm tắt tiểu sử, quá trình công tác của 13 chiến sĩ, cán bộ của đoàn công tác đi cứu nạn vụ sạt lở Rào Trăng 3. Đông đảo đồng đội, chiến sĩ, người dân nán lại dự lễ truy điệu. Lẫn trong tiếng đọc dòng tiểu sử là tiếng khóc của người thân, đồng đội tiếc thương người đã khuất.
"Người lính hi sinh cũng không ngại'
Những người lính già, từng bước qua trận mạc chiến tranh, được người thân đưa đến viếng 13 người vừa mới ngã xuống vì nhân dân. Đại tá Phạm Văn Tăng, nguyên hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, đã gần 80 tuổi, ngồi giữa những người lính già như mình. "Lính là vậy đó, có hi sinh cũng không ngại, thời chiến hay thời bình gì cũng sẵn sàng ra tiền tuyến để cuộc sống người dân bình yên", đại tá Tăng nói.
Ông Tăng bảo quá lâu rồi ông mới mặc lại bộ quân phục này, ngày thường ông để trong tủ, khi có các dịp lễ tết mới mang ra mặc.
Người lính không muốn bi lụy, phải kiên định và mạnh mẽ, nhưng hôm nay đại tá Tăng trải lòng: "Thú thật tôi khó kềm nén cảm xúc của mình. Sáng nay khi chuẩn bị đi viếng thì hay tin hơn 20 đồng đội khác gặp nạn ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Những tổn thất thời bình thật sự quá xót xa".
Khoảng 8h, lối vào nhà tang lễ đông hơn khi người dân Thừa Thiên Huế bắt đầu vào viếng những người tử nạn. Thời tiết ở Huế hôm nay tạnh ráo. Trên tay những người dân vào viếng có thêm những bó hoa huệ. Trên khuôn mặt đượm buồn ai cũng xót xa trước sự mất mát quá lớn.
Bà Trương Thị Nga (67 tuổi, TP Huế) chia sẻ: "Khi đọc tin về sự hi sinh của các anh, tôi và gia đình ai cũng đau buồn. Các anh hi sinh là sự mất mát, tiếc thương của quân đội và nhân dân cả nước".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (69 tuổi) đến nhà tang lễ từ sáng sớm. Chồng bà Lan cũng là một quân nhân, cuộc đời ông đi qua những trận đánh lớn nhỏ. Ông vừa qua đời không lâu. Bà đến thay mặt chồng thắp cho những người lính nén nhang. "Tôi chắc chắn nếu ông ấy con sống, ông cũng sẽ đi viếng", bà Lan nói.
Từ 9h30, khi các đoàn viếng xong, người dân nối thành hàng dài lần lượt vào thắp hương, viếng 13 người ngã xuống nơi tuyến đầu.
Huế hôm nay ngừng mưa, thời tiết như muốn lễ tiễn đưa các anh được trọn vẹn.
Trên đường Đinh Tiên Hoàng, hướng đi dẫn vào cổng Bệnh viện 268, người dân vẫn tiếp tục đến viếng.
Lực lượng an ninh tại đây cũng được thắt chặt nhằm đảm bảo sự trang nghiêm và lưu thông của các đoàn đến viếng. Dự kiến sau khi làm lễ truy điệu, các đoàn xe tang sẽ đưa các chiến sĩ, cán bộ về với gia đình.
Ông Lê Văn Khánh (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết ông ở gần nhà anh Nguyễn Văn Bình - chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền, hai chú cháu hay nói chuyện với nhau. Hôm qua mọi người lo lắng khi nước lũ sông Bồ dâng cao, tràn vào nhà ngang đầu gối. May sao hôm nay trời thương, hửng nắng, tạnh ráo, lũ rút để đón anh về.
Càng về cuối buổi sáng, dòng người nối nhau vào viếng các chiến sĩ. Trong mỗi câu chuyện trên con đường dài 500m nối từ cổng Bệnh viện 268 vào nhà tang lễ, chúng tôi nghe những câu chuyện về vị chủ tịch huyện vẫn ở căn nhà cấp 4, lũ lên nửa vách vẫn ngày đêm lo cho dân, là câu chuyện Thượng úy Trương Anh Quốc với ngôi nhà dở dang của 2 vợ chồng trẻ...
Vợ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng - phó cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn, Bộ tổng tham mưu - đã không thể trụ vững. Chị được người thân và đồng đội của Thiếu tướng Hùng đưa ra ngoài nghỉ ngơi. Chị lịm đi trong vòng tay của người thân.
Hôm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định truy thăng quân hàm cho anh Hùng từ Đại tá lên Thiếu tướng.
Gia đình cho biết sau các nghi thức viếng tang, truy điệu, sẽ đưa anh về Hà Nội, trở về với quê hương lần sau cuối. Thiếu tá Lê Thị Thanh Huyền, làm chung cơ quan với Thiếu tướng Hùng, nhớ lại thời điểm trước chuyến đi, anh Hùng nói xong nhiệm vụ về sẽ hẹn gặp mọi người. Lời hẹn ấy đã vĩnh viễn trở thành nỗi xót xa của người ở lại.
"Anh Hùng kiên nghị lắm. Trong công việc hay cuộc sống, anh luôn chuẩn mực. Hòa đồng với anh em, nhưng nhiệm vụ anh giao phải hoàn thành. Với anh ấy, những nhiệm vụ được giao, người lính dù có hi sinh cũng phải dốc sức đến hơi thở cuối", Thiếu tá Huyền nói.
Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế do Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu làm trưởng đoàn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các cựu chiến binh, người dân ở các huyện xa như Phú Lộc, Phong Điền cũng lặn lội đến tiễn đưa các chiến sĩ. Cựu chiến binh Đỗ Xuân Quảng (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) chia sẻ nỗi đau trước sự hi sinh của các chiến sĩ. Ông cho biết Trung tá Trần Minh Hải có thời gian dài công tác ở huyện đội Phú Lộc. Khi nghe tin Hải mất tích, anh em đồng đội từng công tác ở Ban chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc rất bàng hoàng, xót thương. Ai cũng mong có một phép mầu, nhưng không có.
"Sự hi sinh của Trung tá Trần Minh Hải và các đồng đội khi đi cứu nạn là một đau thương lớn. Hôm nay tôi cùng đồng đội dậy từ sớm bắt xe lên để thắp cho các anh một nén hương", ông Quảng bùi ngùi.