(PL)- Không kể mưa nắng, hàng chục người trong “biệt đội” SOS Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vẫn túc trực trên những nẻo đường để sẵn sàng hỗ trợ người dân bị hỏng xe hoặc bị tai nạn trong đêm khuya.

Chúng tôi gặp anh Quảng Hồng Vương cùng nhiều người khác trong đội SOS Buôn Ma Thuột vào một tối tháng 10, khi họ đang sửa chiếc xe máy cho một cô gái chừng hơn 20 tuổi. Dù ngoài trời mưa như trút nước nhưng nhìn những động tác thoăn thoắt của những chàng trai đang sửa xe máy dưới mái hiên một quán cà phê khiến cho lòng người như ấm lại. “Nhanh lên, nhanh lên, còn một người đang gọi ở dưới đường Lê Hồng Phong, nghe nói đang thủng lốp với hết xăng” - tiếng anh Vương nói vọng lên bên cạnh.

Tất bật cứu xe, cứu người

Khoảng 15 phút sau, chiếc xe máy đã được sửa xong. Cô gái cám ơn rối rít và gửi tiền cho nhóm người cứu hộ nhưng các anh từ chối và lên đường đi đến một điểm cứu hộ khác.

Trưởng nhóm cứu hộ này - anh Quảng Hồng Vương là người gốc Bình Định, làm nghề tài xế đường dài đã nhiều năm. Trong những chuyến xe đêm, không ít lần anh bắt gặp những trường hợp có người bị hư xe, phải dắt bộ trong đêm. Cũng đôi lần anh cùng nhóm tài xế phải dừng lại để lấy đồ nghề hỗ trợ cho người gặp sự cố. Từ đó, ý nghĩ thành lập một đội cứu hộ ở Đắk Lắk nảy sinh trong đầu anh. Năm 2019, anh cùng với bạn bè thành lập nhóm SOS Buôn Ma Thuột với gần 20 thành viên gồm nhiều người làm các ngành nghề khác nhau như nhân viên văn phòng, tài xế xe công nghệ, sinh viên… và bắt đầu đi vào hoạt động cứu trợ những người không may bị hỏng xe trong đêm.

“Mình thấy họ khó khăn thì giúp đỡ. Anh em tự làm với nhau, tự góp kinh phí để hoạt động. Mỗi ngày cũng có cả chục trường hợp gặp sự cố như vậy. Rồi từ một vài thành viên ban đầu, sau đó lên cả chục người. Giúp được ai là nhóm cảm thấy vui lắm, làm miễn phí chứ không hề lấy một đồng của họ. Không phải khá giả gì nhưng anh em làm vì cái tâm của mình mà thôi” - anh Vương nói.

Anh Tuyền, 29 tuổi, là thành viên tham gia nhóm SOS Buôn Ma Thuột từ những ngày đầu thành lập nhóm. Trước đó, anh có nhiều năm làm tài xế ở Sài Gòn trước khi về Đắk Lắk để hành nghề tài xế xe công nghệ. “Biết được nhóm SOS ở Đắk Lắk qua một hội nhóm trên Facebook, ngay lập tức mình gọi điện thoại và đề nghị tham gia. Nhóm bắt đầu hoạt động vào khoảng 6 giờ tối mỗi ngày và thường kết thúc vào rạng sáng” - anh Tuyền cho hay.

Theo anh Vương, ngoài việc cứu trợ xuyên đêm cho người dân, nhóm còn thành lập trang mạng “SOS Buôn Ma Thuột” và lan truyền số điện thoại của nhóm để nhiều người dân được biết, để khi cần thì gọi đến cho nhóm. “Ngoài việc sửa xe miễn phí cho người đi đường, mỗi khi có cuộc gọi báo về một vụ tai nạn hay vụ việc tương tự, anh em nhanh chân đến hỗ trợ cho nạn nhân, sơ cứu và đưa đến bệnh viện. Mọi việc làm này đều miễn phí” - anh Vương cho hay.

Những ‘hiệp sĩ’ xuyên đêm cứu hộ miễn phí - ảnh 1
Các thành viên trong nhóm SOS Buôn Ma Thuột hỗ trợ sửa xe máy cho người dân trong đêm. Ảnh: NVCC

Những ‘hiệp sĩ’ xuyên đêm cứu hộ miễn phí - ảnh 2
Nhóm SOS Buôn Ma Thuột quyên góp để hỗ trợ người dân miền Trung bị lũ lụt. Ảnh: HT

Nhân rộng mô hình đến các nơi khác

Anh Đinh Bảo Khoa, một thành viên tích cực của nhóm, vẫn nhớ như in cái ngày anh gặp sự cố trong đêm, phải dắt bộ xe cả hơn chục cây số về nhà. Đó là một chuyến du lịch nhớ đời của anh từ Nha Trang về Đắk Lắk bằng xe máy. Khi xe anh chạy đến Km38 (huyện Krông Pắk) thì đột ngột chết máy và không thể di chuyển. Lúc này đã khuya, đường vắng nên anh không biết cầu cứu ai. “Mình phải dắt bộ gần 20 km trong đêm. Mình bị sự cố nên mình hiểu và cũng muốn giúp đỡ nhiều người hơn. Mình không biết sửa xe thì những người đi trước chỉ mình hoặc mình hỗ trợ nhiều cái khác” - anh Khoa chia sẻ.

Anh Khoa kể có lần giúp người dân cứu xe ở đường Phan Bội Châu giữa khuya. Khi nhóm đang sửa xe cho người gặp sự cố thì có nhóm người đến cầm theo hung khí để hăm dọa. Anh đã liên lạc với trưởng nhóm là anh Vương và đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ thì mới yên được. Một lần khác, anh cùng đồng đội đang vá xe cho người dân thì cũng có người đến kiếm chuyện, hăm dọa.

Khi chúng tôi hỏi bị hăm dọa như vậy, các anh có nản chí hoặc có ý định từ bỏ công việc cứu trợ người đi đường không, anh Thắng - một thành viên trong nhóm nói ngay không thể bỏ được, mình làm việc đúng thì vẫn cứ làm. “Nếu gặp trường hợp như vậy, mình sẽ cố gắng giải thích cho họ hiểu. Chúng tôi chỉ cứu giúp những người đi đường gặp sự cố giữa khuya chứ không phải mục đích vụ lợi gì cả. Rồi dần dần nhiều người hiểu ra và cũng ủng hộ việc làm của nhóm” - anh Thắng nói.

Còn theo anh Vương, mục đích của nhóm cứu hộ SOS Buôn Ma Thuột là giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt. Chính vì thế, anh đang liên hệ với nhiều anh em tài xế và bạn bè thành lập những hội nhóm tương tự ở một số địa phương để giúp đỡ người dân đi đường gặp sự cố trong đêm.

“Nhìn thấy những người được giúp đỡ họ vui mừng thì mình cũng vui, hết mệt mỏi. Ngoài hỗ trợ sửa xe cộ ra, nhóm cũng đang thực hiện nhiều việc ý nghĩa như vận động ủng hộ miền Trung gặp lũ lụt hoặc vận động quyên góp để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn” - anh Vương chia sẻ.

Những chuyến xe cứu hộ ở Buôn Ma Thuột vẫn len lỏi trong đêm chở theo hành trang là những bộ đồ nghề đơn giản, những chiếc săm, một vài lít xăng… nhưng gói trong đó là cả một tình người.

Trong những ngày này, khi nghe đài, báo thông tin về tình hình lũ lụt gây thiệt hại nặng nề ở Huế, Quảng Trị…, nhóm SOS Buôn Ma Thuột đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm và người dân để quyên góp, giúp đỡ cho người dân miền Trung. 
H.TRƯỜNG