Chiều 19-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về triển khai một số biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Nguy cơ chực chờ
Báo cáo tình hình dịch Covid-19, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tính đến sáng 19-10, thế giới ghi nhận hơn 40 triệu trường hợp mắc; 1,1 triệu trường hợp tử vong do Covid-19 tại 217 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày toàn thế giới ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, tại châu Âu, số ca nhiễm hơn 140.000 ca/ngày, cao hơn tổng số ca nhiễm mỗi ngày của 3 nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch là Mỹ, Brazil và Ấn Độ.
Ước tính, cứ 100 ca được ghi nhận trên thế giới thì có 34 ca từ các nước khu vực châu Âu và cứ 9 ngày lại có thêm khoảng 1 triệu ca bệnh. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra lo ngại rằng cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong thời gian tới tại châu Âu.
Việt Nam bước sang ngày thứ 47 liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.134 trường hợp mắc Covid-19.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát nhưng nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước. Từ tháng 4-2020 đến nay, đã thực hiện 221 chuyến bay với tổng số 46.058 công dân Việt Nam được đưa về nước, trong đó có 212 người dương tính với virus SARS-CoV-2 trên 43 chuyến bay. Ngoài ra, thời gian tới là mùa đông xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan. Ông Long nêu lo lắng là trong thời gian qua, khi kiểm tra tại một số địa phương, đơn vị, có tình trạng chưa thực hiện đúng các quy định và hướng dẫn; lơ là trong cách ly, đặc biệt chưa theo dõi, giám sát chặt chẽ những trường hợp cách ly trong cộng đồng và tại gia đình.
Trước khuyến cáo của ngành y tế, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng chống Covid-19, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương và mọi người dân không mất cảnh giác trước dịch bệnh Ảnh: TTXVN
Phải ở tình trạng "báo động đỏ"
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Do đó, tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác, kiên quyết phòng chống, không để dịch bệnh quay trở lại.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt "thông điệp 5K: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế". Các bộ, ngành, địa phương quản lý tốt cơ sở cách ly, đặc biệt cơ sở lưu trú có thu phí. Nếu không quản lý tốt tại các khu cách ly sẽ có nguy cơ mất an toàn, lây ra cộng đồng. "Người đứng đầu từng địa phương, từng cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng về vấn đề phòng chống dịch. Nếu bệnh viện, trường học, các chuyến bay… lây nhiễm ra cộng đồng phải xử lý nghiêm người đứng đầu" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp nhập cảnh trái phép, các tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp nhận người lao động là người nhập cảnh trái phép. Các đơn vị có liên quan yêu cầu người nhập cảnh ngắn hạn hạn chế tham gia sử dụng các dịch vụ công cộng như karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội, các dịch vụ công cộng nói chung...
Trên tinh thần cảnh giác cao độ, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Y tế, từ Bộ Y tế đến sở y tế các địa phương, bệnh viện, trạm y tế cả nước phải ở tình trạng "báo động đỏ", luôn sẵn sàng các biện pháp ứng phó. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương từ trung ương đến cấp cơ sở phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. "Nếu xuất hiện 1 ca phải thần tốc, thần tốc hơn nữa để khoanh lại, không để lây lan ra cộng đồng" - Thủ tướng quán triệt.
Đặc biệt, trong tình hình bão lũ hiện nay, bên cạnh việc phòng chống dịch Covid-19 thường gặp những bệnh truyền nhiễm sau lũ, nhất là dịch tả. Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế chỉ đạo các cấp, không chỉ bảo đảm năng lực ứng phó với dịch Covid-19 mà còn bảo đảm năng lực điều trị các dịch bệnh khác ở vùng lũ, không được để xảy ra thảm họa kép, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.