Chiều 9-7, trong phần thảo luận tổ của kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX, các đại biểu (ĐB) đã tập trung góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Dự thảo (lần 2) Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
 

Đại biểu Cao Thanh Bình. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu Cao Thanh Bình. Ảnh: VIỆT DŨNG

Liên quan đến dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, ĐB Cao Thanh Bình đề nghị nâng cao chỉ tiêu về môi trường (trong các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025). Cụ thể, cần nâng tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường từ 95%-98%, thay vì chỉ tiêu theo dự thảo chỉ 92%. Về lý do, ĐB Cao Thanh Bình cho rằng, đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động trước đây thì phải hoàn chỉnh để đạt chuẩn. Có như thế mới góp phần đảm bảo phát triển bền vững.

Trong phần định hướng về việc phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ĐB Cao Thanh Bình đề nghị cần phân bổ nguồn lực hợp lý để có đủ vốn cải thiện tình trạng giao thông đô thị, vấn đề chống ngập nước nhằm tạo động lực phát triển cho các thành phố lớn - nơi đóng góp cao cho ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó là đề nghị bổ sung cơ cấu lại nền kinh tế xác định các ngành mũi nhọn mà Việt Nam có cơ hội và lợi thế để tập trung, làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các ngành liên quan, đến công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.

Tại buổi thảo luận, các ĐB còn đề nghị bổ sung nhận định về việc thiếu cơ chế pháp luật để kinh tế vùng phát triển hiệu quả; bổ sung nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới là chủ động ứng phó hiệu quả với cả dịch bệnh, bên cạnh ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai… Tương tự, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 cần bổ sung quy định chính sách đào tạo cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đúng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời bổ sung nhiệm vụ đổi mới giáo dục, không chỉ về nội dung, chương trình, phương pháp mà cần phải bám sát thực tiễn, chú trọng thực hành ứng dụng, phát huy tối đa những tố chất, phẩm chất tốt đẹp sẵn có của con người Việt Nam.

Góp ý cụ thể cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần XI, các ĐB đề nghị bổ sung thêm hạn chế, yếu kém là hiệu quả sử dụng đầu tư công trung hạn 2016-2020 chưa cao ở một số dự án giao thông chưa được kết nối kịp thời. Cùng với đó là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ chưa có bước tiến mới; công tác quản lý vỉa hè, lòng đường còn hạn chế gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Quan tâm đến vấn đề này, ĐB Phạm Quốc Bảo bày tỏ, dự thảo cần xác định, chỉ rõ các điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển của TPHCM, nếu không sẽ không có giải pháp tương xứng, đột phá. Các điểm nghẽn lớn là phát triển giao thông, về huy động nguồn lực cho sự phát triển TPHCM, về thể chế quản lý đô thị, về phát triển nhân lực, về tốc độ phát triển… “Nếu nhìn mọi thứ thuận lợi, không đúng bản chất thì khó có giải pháp tương xứng. Đề xuất TP có thêm chương trình đột phá về huy động nguồn lực cho sự phát triển TP”, ĐB Phạm Quốc Bảo nêu ý kiến.

ĐB Trần Thanh Trí đề nghị đánh giá sâu hơn về 7 chương trình đột phá; về kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Tương tự, ĐB Nguyễn Văn Đạt góp ý, nội dung về quy hoạch trong dự thảo cần được đánh giá sâu hơn để có giải pháp thực hiện tốt công tác này. Bởi hiện nay, một số nơi việc quy hoạch chậm, điều chỉnh quy hoạch chậm đã ảnh hưởng đến việc đồng bộ phủ kín quy hoạch trên địa bàn TPHCM, dẫn tới phá vỡ quy hoạch, xây dựng không phép, sai phép.

Các ĐB cũng đề xuất bổ sung nhiều nhiệm vụ cụ thể trong nhiệm kỳ 2020-2025, như bổ sung nhiệm vụ “xây dựng cơ chế thuận lợi thu hút, huy động phát huy nguồn lực chuyên gia, tri thức, người có tài năng đặc biệt trong và ngoài nước, phục vụ phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội”. 

Ngoài ra, ĐB Lê Minh Đức góp ý, cần đưa giải pháp cụ thể trong việc xây dựng chính quyền theo hướng tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền thành phố gắn với thực hiện tinh giản biên chế, thí điểm một số mô hình tổ chức phù hợp với thực tiễn và đặc thù của TPHCM. Cụ thể, cần sớm đề xuất Trung ương cho TPHCM thực hiện đề án không tổ chức HĐND quận và phường. “Trong giai đoạn 2011-2016, khi thí điểm không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn TPHCM, UBND các quận - huyện, phường không có HĐND thì hoạt động ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy. Hiệu quả thể hiện rõ nhất là việc giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm chi phí hành chính”, ĐB Lê Minh Đức dẫn chứng.