Người dân dễ dàng tra cứu thông tin trên kios điện tử tại UBND quận 12, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 được công bố vào tháng 5-2020, TPHCM đạt 67,16 điểm, xếp vị trí thứ 14, trong khi, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đưa thành phố vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng PCI. Vì vậy, TPHCM đưa ra nhiều giải pháp nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, qua đó nâng cao chỉ số PCI.
Điểm tăng, nhưng thứ hạng ngày một giảm
Chỉ số PCI có 10 chỉ số thành phần; thang điểm mỗi chỉ số đều là 10. Điểm PCI được cộng lại từ điểm đánh giá 10 chỉ số thành phần này. Năm 2019, TPHCM có điểm PCI là 67,16 điểm, xếp thứ 14 trong 63 tỉnh thành của cả nước. Tuy nhiên, trong số 10 chỉ số thành phần thì TPHCM có tới 4 chỉ số chỉ đạt hơn 5. Chỉ số thành phần khá nhất là “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” cũng chỉ đạt 7,39 điểm và chỉ số “thiết chế pháp lý” lại đứng áp chót. Nhìn lại, TPHCM từng đứng thứ 4 (năm 2014), nhưng sau đó thứ hạng giảm từng năm, xuống 6 (năm 2015), xuống 8 (trong năm 2016 và năm 2017) rồi thứ 10 (năm 2018). Đến năm 2019 xếp thứ 14, thấp hơn tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh tới 6,24 điểm. Đây là kết quả đáng quan tâm. Bởi lẽ, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng PCI.
Đi sâu phân tích, TPHCM có những chỉ số thuộc nhóm điểm cao, như “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” (7,39 điểm), “chính sách đào tạo lao động tốt” (7,3 điểm). Và nhìn tổng thể, TPHCM vẫn tăng điểm PCI qua các năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng điểm vẫn khá chậm so với các địa phương dẫn đầu. Cụ thể, năm 2017, bảng xếp hạng PCI ghi nhận nhiều địa phương có tăng điểm bứt phá. Trong khi TPHCM tăng được 3,47 điểm thì Quảng Ninh tăng thêm 5,09 điểm và vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước và giữ vững vị trí đứng đầu cả nước suốt 3 năm qua.
Kết quả trên cho thấy, mặc dù TPHCM có tổng điểm tăng, nhưng tốc độ tăng chậm so với tốc độ chung của các địa phương nhóm đầu; đồng thời, TPHCM vẫn còn có nhiều chỉ số thành phần điểm thấp, thậm chí giảm điểm. Đó là lý do mà thứ hạng của TPHCM trên bảng xếp hạng PCI cả nước ngày càng giảm.
tại UBND huyện Bình Chánh khang trang, tiện lợi. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chia sẻ thêm về cách tính điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế của VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Giám đốc chương trình PCI, cho biết có 12.429 doanh nghiệp (DN) tham gia điều tra PCI năm 2019; trong đó có 10.846 DN dân doanh ở tất cả tỉnh thành và 1.583 DN FDI ở 21 tỉnh thành.
Với cách tính này, TPHCM cho rằng việc lấy phiếu đánh giá của một nhóm các DN để đánh giá cho năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TPHCM chưa phản ánh toàn diện thực tế phát triển của địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM vẫn nhìn nhận sự chuyển biến trong cải cách chưa thực sự mạnh mẽ.
Nâng vị trí xếp hạng PCI
Mới đây, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, qua đó nâng cao chỉ số PCI của TPHCM. Trước hết, TPHCM sẽ duy trì nhóm các chỉ số tốt như dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động. Các chỉ số này dù giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng nhưng có xu hướng giảm, nên cần tập trung các biện pháp để duy trì mức điểm cao và tăng lên trong năm 2020 cũng như trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó, TPHCM xác định sẽ tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất.
Các chỉ số bình quân cần có những giải pháp cải thiện về lâu dài là chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số về tính minh bạch, chỉ số chi phí thời gian. Trong đó, đáng chú ý là TPHCM sẽ thực hiện nghiêm quy định về cung cấp, đăng tải thông tin đấu thầu; tăng cường áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đảm bảo lộ trình theo quy định của Bộ KH-ĐT. Cụ thể, trong năm 2020, TPHCM tập trung tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù…
TPHCM cũng xác định nhóm các chỉ số dưới trung vị cả nước cần tập trung cải thiện ngay, gồm chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số chi phí không chính thức, chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chỉ số tính năng động, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Để tăng chỉ số cạnh tranh bình đẳng, TPHCM nhấn mạnh sẽ kêu gọi đầu tư đối với các công trình trọng điểm, các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư của thành phố theo quy định pháp luật tới các DN trên địa bàn, đảm bảo sự cân xứng trong việc tiếp nhận thông tin của các DN trong và ngoài nước, khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn.
Đặc biệt, với chỉ số về thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (chỉ số được các chuyên gia cho là rất quan trọng với một môi trường đầu tư hướng tới dịch vụ giá trị gia tăng cao như TPHCM), thì thành phố xác định xây dựng ngay cơ chế, quy trình giúp DN tố cáo các hành vi tham nhũng của cán bộ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. TPHCM cũng sẽ làm việc với VCCI để được hỗ trợ tư vấn cho thành phố cải thiện thứ hạng và điểm số.
Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông: Có dư địa lớn để tăng chỉ số PCIThứ hạng PCI chỉ là một phần. Điều quan trọng là mỗi địa phương cần xem xét các chỉ số thành phần có điểm thấp, xác định đó là những điểm yếu của mình để từ đó cải thiện. Có thể tổng điểm PCI không phải dẫn đầu, nhưng một số điểm thành phần phải đạt điểm cao, thậm chí dẫn dầu. Tùy vào định hướng chiến lược của mỗi địa phương mà các chỉ số thành phần nào sẽ được ưu tiên. Ví dụ, những địa phương đang tập trung cho sản xuất công nghiệp thì yếu tố tiếp cận đất đai thường được ưu tiên hơn. Trong khi với TPHCM tập trung cho thương mại dịch vụ, hạn chế những ngành công nghiệp giản đơn, thì có thể ưu tiên các chỉ số khác. Nói chung TPHCM nên có danh mục những vấn đề ưu tiên, xem PCI là một kênh ý kiến phản ánh của nhà đầu tư để cải thiện, hơn là áp lực bảng xếp hạng. Mặt khác, mức độ cảm nhận và đánh giá của DN về TPHCM so với các địa phương khác cũng sẽ có sự khác nhau. Ở thành phố, mức độ nhận thức cao, DN cũng có yêu cầu cao hơn với chính quyền. Ngoài ra, “thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” là một chỉ số ngày càng trở nên quan trọng, thậm chí là quan trọng hàng đầu. Nếu chỉ số này thấp thì sẽ ảnh hưởng về mặt lâu dài. Đối chiếu với kết quả PCI của TPHCM năm 2019, chỉ số này chỉ đạt 5,39 điểm, đứng thứ 62/63 tỉnh thành. Trong chỉ số này, TPHCM bị đánh giá thấp về tình hình an ninh trật tự, niềm tin rằng hệ thống pháp luật có cơ chế giúp DN tố cáo cán bộ nhũng nhiễu; tỷ lệ vụ việc kinh tế đã được giải quyết trong năm cũng rất thấp. Vì vậy, đối với TPHCM - nơi ngày càng hướng đến các dịch vụ gia tăng cao thì nên tập trung vào chỉ số này để tạo chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới. Một lĩnh vực quan trọng khác, chính là tập trung thực hiện chính quyền điện tử, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ trong quản lý. Từ đó sẽ giảm được thời gian làm thủ tục hành chính, giảm tiếp xúc trực tiếp, giúp giảm được các chi phí không chính thức. Qua những phân tích trên cho thấy, TPHCM vẫn còn dư địa rất lớn để cải thiện các chỉ số PCI. |