Mấy năm trước, tôi được mời tham gia một cuộc hội thảo do đại sứ quán Anh và tổ chức SIDA Thụy Điển tổ chức tại Hà Nội về Pháp lý và Đạo đức trong báo chí điều tra. Tại đó, các chuyên gia đến từ nhiều nước đã nói đại ý người ta có thể chia rẽ xã hội, làm chết một công ty, thậm chí một chính phủ bằng tin giả. Mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời nhưng nó cũng là dung môi cho fake news lan xa mà không phải bao giờ nạn nhân của nó cũng kịp phản ứng.
Đại sứ Anh phát biểu tại hội thảo "Báo chí điều tra: Pháp lý và Đạo đức"
Tôi từng cùng đồng nghiệp phỏng vấn và tường thuật các cuộc họp có mặt tướng Nguyễn Quốc Thước. Vẫn nhớ mãi chuyện ông từng kể, có lần cần xử lý một việc ở Nghệ An khi dân phản đối chính quyền, có ý kiến đã nói đại ý: Chuyện này phải quân đội vào mới được. Tướng Thước bảo - Để tôi tay không vào nói chuyện với họ. Nhiều người lo, nhiều người cản, nhưng ông bảo dân của mình không tin thì tin ai?
Tướng Thước, ở độ tuổi rất cao, vẫn sáng suốt minh mẫn và nguyên tắc trong phản biện. Vì tính nguyên tắc rất cộng sản, rất quân đội ấy của ông, thật ngạc nhiên khi có lần tên ông xuất hiện trong một thư kiến nghị gửi cấp cao nhất. Nhưng, sự băn khoăn ấy của dư luận không tồn tại lâu, tướng Thước nói ông đã bị mạo danh.
Thỉnh thoảng tôi lại thấy trên fanpage, trang web hoặc Facebook nào đó một kiến nghị thư đề xuất một vấn đề về chính thể hay môi trường, kêu gọi các chữ ký tập thể. Trong đó, có những người có uy tín xã hội, có các chuyên gia. Nhưng sau này càng ngày tôi càng nghi ngờ mục đích và độ tin cậy của các trang đó, nhất là sau vụ tướng Thước. Càng ít tin cậy hơn khi có nhiều người không có chuyên môn, lại đi kiến nghị về những điều rất cần kiến thức chuyên môn và các trang thu thập chữ ký thậm chí không cần xác tín lại có thật là người đó đã ký vào kiến nghị, cứ thế họ đưa lên, khi bị hỏi thì chính người lập ra trang kiến nghị bảo do họ cũng bị... lừa.
Điều gì đang ở phía sau những bản kiến nghị hoặc những phong trào ấy?
Thứ nhất là những người kêu gọi gần như không chịu trách nhiệm nhiều về nội dung kêu gọi của họ. Trong khi đó những người tiếp cận lời kêu gọi thì có những người trong sáng và hừng hực nhưng thiếu kiến thức chuyên sâu, thiếu thông tin. Nó cũng có thể ví như mê tín và nhẹ dạ.
Thứ hai là do những nhu cầu và bức bách chính đáng của cá nhân và cộng đồng, họ dễ bị dẫn dắt.
Hơn năm trước, phong trào sinh và nuôi con "thuận theo tự nhiên" đã khiến các bệnh viện có thêm kha khá bệnh nhân suy duy dưỡng, bất thường về tâm lý, phát triển và có ca sản phụ tử vong.
Những phong trào, chữ ký trên mạng từng được coi như fake news. Trong đó, vì muốn quần chúng tin và làm theo một điều gì đó vì lợi ích của người đưa tin và thu thập chữ ký, người ta mở những chiến dịch truyền thông, viện dẫn chuyên gia và sắp xếp tài liệu để mọi người tin rằng nếu không kịp lên tiếng ngăn chặn, tương lai sẽ bị hủy diệt.
Tại châu Âu, nhiều nước đã có những đạo luật trừng trị kẻ phát tán fake news, nhưng các quốc gia đều đau đầu khi fake news được nhân danh sự phản biện. Báo chí chính thống giờ thêm một chứng năng là chống fake news, tuy nhiên chiến thắng của cuộc chiến ấy lại phụ thuộc vào sự cởi mở và minh bạch ở mỗi quốc gia và ở chính nạn nhân của tin giả. Và đôi khi mục tiêu của kẻ đưa tin giả, đưa kiến nghị giả không phải là chiến thắng tuyệt đối (thường là thế, vì sự thật chỉ có một), mà mục tiêu chỉ là gây rối hoặc làm suy yếu nạn nhân, được vạ má sưng.
Tin giả, kiến nghị giả suy cho cùng là một sự suy diễn và thị phi, nhưng vì sao người ta vẫn hồ hởi với nó? Là sự cố gắng thể hiện mình, là bị lừa gạt do thiếu thông tin và do cả sự nhiệt thành và lòng trong sáng bị lợi dụng.
Tuy nhiên, nếu đi đến tận cùng bằng một cuộc chiến pháp lý thay vì ngậm bồ hòn bỏ qua, nạn nhân của tin giả, kiến nghị giả sẽ có cách buộc người loan tin giả phải trả giá nặng nề.
Vậy thì người ký tên hãy cảnh giác, còn các nạn nhân, tôi nghĩ không nên im lặng mãi!
Bài trên FB Nguyễn Đức Hiển
(Phó Tổng Biên tập báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)