TTO - Ngày 9-7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với 7 tỉnh có hoặc nguy cơ cao có dịch bạch hầu. Theo ông Long, đây là thời điểm vàng để ngăn dịch bạch hầu tại Tây Nguyên và ngăn lây lan sang các địa phương khác.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc làm việc với 7 tỉnh có dịch hoặc nguy cơ cao có dịch bạch hầu - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Dịch có xu hướng lây lan
Thống kê tại cuộc làm việc, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết 4 tỉnh Tây Nguyên đã có 66 ca bệnh bạch hầu, 47% trong số này không có biểu hiện bệnh, có nguy cơ lây lan qua tiếp xúc.
Đặc biệt, bệnh nhân bạch hầu tử vong chủ yếu do nhiễm độc bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, sốc tim. Tỉ lệ tử vong do bạch hầu nói chung khoảng 3%, nhưng trong vụ dịch này ở Tây Nguyên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tỉ lệ tử vong khoảng 5,6% là cao hơn trung bình chung.
Đại diện tỉnh Kon Tum cũng rất băn khoăn do tỉ lệ tiêm chủng tại vùng có dịch còn thấp, người dân lại không chịu uống kháng sinh phòng mà cho là "không có bệnh không uống", cán bộ y tế rất khó khăn để giám sát.
Hiện ngoài 4 tỉnh Tây Nguyên, còn Quảng Nam, Quảng Ngãi và Lâm Đồng có nguy cơ cao với bệnh bạch hầu.
Tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có một số học sinh ở vùng dịch Đắk Nông theo học tại trường thuộc địa bàn Lâm Đồng, trong đó có cả học sinh có người thân mắc bệnh. Qua xét nghiệm chưa ghi nhận ca dương tính với bạch hầu nhưng nguy cơ lây lan là có.
Chưa kể hằng năm số mắc bạch hầu chung cả nước khoảng 20 ca, năm nay đã tăng lên 66 ca và có thể còn tăng tiếp nếu không ngăn kịp thời.
Thời điểm vàng ngăn dịch
Chuyến công tác tại khu vực có dịch bạch hầu này là chuyến đi đầu tiên của quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ở cương vị mới. Theo ông Long, tiêm vắcxin làm giảm nguy cơ biến chứng, nguy cơ mắc bệnh ở người được tiêm nhưng mầm bệnh vẫn còn, nguy cơ lây lan cũng vẫn còn. Trong khi nếu uống kháng sinh dự phòng sẽ ngăn luôn nguồn lây chỉ sau 48 giờ.
Vì vậy ông Long yêu cầu cho uống kháng sinh dự phòng tại tất cả các điểm có ghi nhận bệnh nhân. Ngay chiều nay 9-7, chiến dịch tiêm ngừa vắcxin phòng bạch hầu diện rộng sẽ được triển khai với khoảng 4,7 triệu người từ 2 tháng tuổi tại 4 tỉnh Tây Nguyên được tiêm ngừa miễn phí, tổng cộng tiêm ngừa 11 triệu liều tiêm.
Sau chiến dịch tại Tây Nguyên, sẽ mở rộng tiêm tiếp tại 3 tỉnh nguy cơ cao kể trên. Ông Long cũng giao Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối mua huyết thanh đặc trị cho bệnh nhân bạch hầu biến chứng, tập huấn chuyên môn ngay cho bệnh viện các tỉnh do nhiều địa phương có dịch không ghi nhận bệnh nhân bạch hầu từ nhiều năm nay, có khó khăn trong chẩn đoán ban đầu.
Ông Long cũng cho rằng đây là thời điểm vàng ngăn dịch tại Tây Nguyên và ngăn lây sang các địa phương khác, việc triển khai chiến dịch tiêm ngừa bạch hầu cũng để năm sau, năm sau nữa... không có dịch bạch hầu.
Bà Huỳnh Nữ Thu Hà - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (địa phương có bệnh nhân bạch hầu tử vong), khẳng định tỉnh có trách nhiệm và sẽ tích cực triển khai chiến dịch tiêm ngừa. 6 năm trước chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiêm ngừa vắcxin sởi - rubella cho 14 triệu trẻ em và kết quả rất tốt, chiến dịch này hi vọng cũng như vậy.