TTO - Chính quyền nhiều địa phương đã vào cuộc và tình hình đã có thay đổi bước đầu.

Nhiều địa phương ra tay ngăn bất động sản bị thổi giá - Ảnh 1.

Thị trường trầm lắng nhưng giá đất tại Long An vẫn ngất ngưởng so với thu nhập của đại đa số người dân - Ảnh: SƠN LÂM

"Thổi giá" trên trời rồi khi bán giảm... 40%

Tại Kiên Giang, tình hình đất đai ở Phú Quốc đã hạ nhiệt rất nhiều. Theo nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản (BĐS), sở dĩ tình trạng đất đai ở đây có phần yên ả chủ yếu do việc siết chặt các quy định về việc phân lô, tách thửa khoảng 2 năm trở lại đây. Mảng condotel cũng gần như bão hòa.

Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn trở lại đây, từ TP Rạch Giá đến TP Hà Tiên đã xuất hiện hàng loạt dự án đang khá nóng.

Tại TP Rạch Giá, đất nền khu vực tuyến tránh đô thị (thuộc dự án đường hành lang ven biển phía nam giai đoạn 1 - PV) tăng giá khá nhanh với mức tăng từ 10-25%/năm tùy vị trí. Theo ghi nhận của PV, cách đây 3 năm, giá 1 công đất mặt tiền (1 công bằng 1.000m2) chỉ có 650 triệu đồng, hiện đã vọt lên gần 2 tỉ.

Còn tại TP Hà Tiên, giá nhà dạng liên kế (loại phổ biến ngang 5m, dài 18-20m, có 1 hoặc 2 tầng lầu) dao động trên dưới 1 tỉ đồng/căn. Giá biệt thự đơn lập từ 5 tỉ đồng, song lập từ 2,7 tỉ đồng trở đi tùy dự án.

Một số nhà đầu tư BĐS tại Kiên Giang đều thật tình việc "thổi giá" trong mỗi dự án BĐS đều có. "Nếu biết khách hàng thực sự mua, có điều kiện thật thì giá sẽ giảm xuống ít nhất 40% thôi" - ông Thanh, một người hành nghề môi giới BĐS lâu năm ở TP Rạch Giá, bật mí.

Chính quyền địa phương cần vào cuộc

Theo số liệu từ Sở Xây dựng tỉnh Long An, trên toàn địa bàn tỉnh này có đến 258 dự án khu dân cư, tái định cư, đô thị đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Tổng các dự án trên có diện tích khoảng 6.937ha. Quy mô diện tích này được xác định là dư quá nhiều so với số lượng nhu cầu về nhà ở của người dân hiện nay. Tuy nhiên, phần lớn các dự án đều rất chậm, nhiều nhà đầu tư chủ yếu thúc đẩy tiến trình pháp lý xin chủ trương ban đầu để... tìm vốn, thông qua việc rao bán mà phớt lờ các quy định của Luật BĐS, hoặc mở bán thông qua hình thức các hợp đồng góp vốn.

Tình trạng này đã đẩy giá đất ở Long An trong nhiều năm "phi mã" lên giá ngất ngưởng.

Do vậy, UBND tỉnh này đã làm rất nhiều động thái để siết lại tình hình, như rà soát và thu hồi 31 dự án khu dân cư, thương mại, dịch vụ với diện tích hơn 2.100ha trong năm 2019; siết lại tình trạng tách thửa, xây dựng trái phép, bỏ việc cấp dự án khu dân cư có quy mô dưới 10ha.

Dù tình hình đã có chuyển biến nhưng đến nay, người lao động, công chức bình thường vẫn rất khó sở hữu được một mảnh đất ở tại các vùng đô thị như TP Tân An hoặc các huyện giáp ranh địa bàn TP.HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, hay xa hơn là trung tâm các huyện Cần Đước, Thủ Thừa...

Giá đất thổ cư ở các khu vực này hiện thấp nhất đã lên hơn 10 triệu đồng/m2. Giá bán nền tại các dự án khu dân cư đã xong thủ tục pháp lý, bắt đầu có cơ sở hạ tầng thường không dưới 15 triệu/m2. Trong khi đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 của Long An ước tính hơn 78 triệu đồng/người. Một người thu nhập bình quân theo GRDP tỉnh này, dành tất cả thu nhập trong năm của mình chỉ mua được vài mét đất ở.

Ông Phạm Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - công nhận: “Việc giá đất quá cao so với người dân bình thường hiện vẫn tồn tại. Do đó, một trong những cách để tính toán giải quyết vấn đề này là tỉnh sẽ siết lại tất cả các dự án khu dân cư mới, đảm bảo phải có quy hoạch khu vực nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Dù điều này đã có quy định, song thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập".

Hỗ trợ dân, giảm thủ tục cho doanh nghiệp

Nhà nước cần có những chính sách nhà ở mang tính quốc gia và chương trình hỗ trợ tài chính lâu dài dành cho người mua nhà lần đầu. Cải tiến quy trình, thủ tục giấy tờ để thuận tiện hơn cho người dân có nhu cầu, đồng thời có những cơ chế phù hợp và thuận lợi cho chủ đầu tư khi tham gia phát triển loại hình này. Cần xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phối hợp với các doanh nghiệp chủ đầu tư trong những dự án lớn, đô thị lớn phải có tỉ lệ nhất định dành cho nhà ở vừa túi tiền...

- Ông Phạm Lâm (tổng giám đốc DKRA) -