(Vietnam+) - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố, nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân từ ngày 20/10-10/11.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đại biểu Đỗ Văn Sinh trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Có thể nói, đây là lần đầu tiên các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII được lấy ý kiến trực tiếp và rộng rãi nhất trong nhân dân. Trước đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, các chuyên gia… cho hoàn thiện một bước và công bố rộng rãi nhằm xin ý kiến toàn dân.

Đặc biệt, dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng kỳ này có rất nhiều điểm mới, được người dân quan tâm.

Bên hành lang kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên xung quanh việc tổ chức góp ý văn kiện đặc biệt này.

Góp ý dự thảo văn kiện: cần làm đồng thời nhiều việc

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hoạt động góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lần này và theo ông, việc góp ý cần được tổ chức như thế nào để thực sự hiệu quả?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Văn kiện cho Đại hội Đảng rất quan trọng, bởi trong đó xác định hướng đi đất nước 5 năm tới, nó tác động tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó việc lấy ý kiến nhân dân là rất cần thiết. Mặc dù đây là công việc của Đảng nhưng lại tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, nên việc lấy ý kiến người dân rất quan trọng.

Việc lấy ý kiến diễn ra trong khoảng thời gian không dài nên vấn đề đặt ra là giải pháp, cách thức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến, tiếp thu ý kiến thế nào cho bảo đảm chất lượng.

'Thoi gian gop y van kien Dai hoi Dang ngan nen can to chuc hieu qua' hinh anh 1
Đại biểu Lê Thanh Vân. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Theo tôi, cần tiến hành đồng thời một số việc quan trọng. Thứ nhất là phải tuyên truyền cho người dân thấy được trách nhiệm đóng góp vào văn kiện. Thứ hai, phải phân loại các nội dung gần gũi nhất, quan trọng nhất đối với đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, chia thành các nhóm vấn đề rồi lấy ý kiến nhân dân, giúp tổng hợp thuận lợi hơn.

Thứ ba, hệ thống tổng hợp ý kiến nhân dân phải hoạt động thật mạnh mẽ, việc tập hợp từ cơ sở đến Trung ương cần cách thức phù hợp giúp cập nhật ý kiến đóng góp thường xuyên, trong đó có phân loại các ý kiến gắn với văn kiện.

Qua thực tiễn lấy ý kiến nhân dân, tôi thấy rằng đôi khi họ không trực tiếp góp ý vào văn kiện mà trực tiếp góp ý kiến cho lãnh đạo điều hành hiện tại chính quyền các cấp. Vấn đề là khi tập hợp phải biết khái quát ý kiến đó lên thành luận điểm, quan điểm để bổ sung vào văn kiện cho thích hợp.

Văn kiện là tài liệu phản ánh thực tiễn cuộc sống, một mặt làm sao để tiếp nhận được hơi thở cuộc sống, mặt khác phát huy được tính dẫn đường, đòi hỏi sự chắt chiu và tinh hoa trí tuệ trong đó, để làm sao văn kiện thực sự là tập hợp các định hướng và các giải pháp chiến lược dẫn dắt, soi đường cho các cơ quan nhà nước thể chế hóa bằng pháp luật.

Đại biểu Quốc hội cần góp ý toàn diện cho văn kiện

- Tới đây Quốc hội sẽ có một buổi họp góp ý cho văn kiện. Với tinh thần chung của lần góp ý này, theo đại biểu làm thế nào để thể hiện được những đóng góp tích cực của đại biểu cho định hướng phát triển đất nước những năm tới, đặc biệt là cho hoạt động giám sát của Quốc hội?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Trong văn kiện có nhiều nội dung, trong đó có nội dung về xây dựng nhà nước, trong xây dựng nhà nước có xây dựng về Quốc hội, trong xây dựng Quốc hội có việc thực hiện các chức năng của Quốc hội trong đó có giám sát.

Theo tôi, là đại biểu Quốc hội thì phải góp ý kiến toàn diện cho văn kiện chứ không chỉ góp ý riêng về tổ chức hoạt động. Tôi nghĩ các đại biểu Quốc hội là những người được nhân dân cả nước lựa chọn thì phải có góc nhìn rộng hơn.

Là công việc của đất nước thì dưới sự lãnh đạo của Đảng, đường lối chính sách thể hiện trong văn kiện cần tiếp cận ở góc độ nào, theo phương diện nào.

Ví dụ như các chỉ tiêu đạt được trong nhiệm kỳ 5 năm tới đặt ra cao hay thấp phải có căn cứ; giải pháp thực hiện mục tiêu đặt ra trong văn kiện đại hội, trên phương diện quốc gia thì cần giải pháp gì, rồi đi sâu hơn những vấn đề khác như xây dựng Đảng, chống tham nhũng, xây dựng bộ máy nhà nước, đặc biệt là công tác cán bộ. Đấy là những nội dung mà tôi nghĩ rằng rất cần thiết mà các đại biểu Quốc hội phải tập trung thảo luận cho thật sâu.

- Đại biểu đã dự kiến sẽ thảo luận nội dung gì chưa?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Từ trước đến nay tôi vẫn chú ý đến công tác cán bộ. Bởi như Bác Hồ đã nói, sự nghiệp cách mạng thành hay bại đều do công tác cán bộ tốt hay kém.

Văn kiện Đảng chính là một sản phẩm của tư duy, tinh hoa trí tuệ của Đảng. Sản phẩm đó trước hết phải do người có trí tuệ xây dựng và hoạch định. Việc tổ chức thực hiện, triển khai cũng cần là người có năng lực vận hành, sai phạm cũng từ đấy mà ra. Cho nên vấn đề quan tâm số một của tôi là công tác cán bộ. Bởi cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề.

“Mổ xẻ” các đột phá chiến lược

- Trong văn kiện dự thảo có đề cập đến vai trò giám sát tối cao của Quốc hội, theo đại biểu đánh giá này đã đầy đủ chưa và đại biểu có đề xuất gì để tăng cường hơn vai trò giám sát tối cao này của Quốc hội?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Hiện nay, Quốc hội cũng đang giám sát những nội dung luật là thể chế hóa các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã ban hành rất nhiều luật sửa đổi, bổ sung; trên cơ sở đó sẽ giám sát các quyết sách về những chính sách lớn.

Cũng trên tinh thần đó, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ đánh giá lại toàn bộ việc triển khai các chính sách, chỉ tiêu kinh tế-xã hội… để tổng kết lại và đóng góp ý kiến xây dựng Nghị quyết cho Đại hội và tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Hiện nay, trong dự thảo Nghị quyết Trung ương XIII có đưa ra ba đột phá chiến lược. Một là, chúng ta xây dựng thể chế. Tổng kết trở lại trong thời gian qua, Quốc hội cùng Chính phủ xây dựng hệ thống pháp luật, triển khai hệ thống pháp luật. Về việc này tôi đánh giá hiện nay chúng ta đang làm tốt và thời gian tới sẽ phải làm tốt hơn.

Tuy nhiên trong thời gian qua, một số đạo luật đã ban hành, việc triển khai tức là thể chế ra dưới hình thức Nghị định, Thông tư đôi khi vẫn còn chậm, dẫn đến việc triển khai ở cấp cơ sở, các doanh nghiệp, người dân còn gặp khó khăn, thậm chí chồng chéo.

Vấn đề đột phá thứ hai, chúng ta tăng cường nguồn nhân lực. Hiện tất cả đánh giá đều cho thấy có những bước tiến. Song, nhìn nhận thực chất nguồn nhân lực của chúng ta đang thiếu, kể cả trong hệ thống chính trị từ cấp chiến lược và nguồn nhân lực chất lượng cao… đều có nhiều bất cập so với yêu cầu.

Vấn đề này có liên quan tới việc triển khai các thành tựu khoa học ứng dụng. Tuy khoa học ứng dụng của ta có những bước tiến lớn nhưng thực tế vẫn còn nhiều đòi hỏi, và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động cuối cùng, đặc biệt là hoạt động kinh tế, dẫn đến năng suất lao động còn thấp. Và cũng phải nhìn nhận thực tế, thành tựu khoa học ứng dụng có bước tiến nhưng so với thế giới chúng ra vẫn còn ở phía sau và vẫn còn chậm.

Vấn đề thứ ba, là đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng. Hạ tầng của ta hiện đang rất thiếu. Đặc biệt là hạ tầng kinh tế, từ giao thông với các loại hình đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Hệ thống đường sắt nhiều thập kỷ qua không được cải thiện và có xu hướng ngày càng thụt lùi. Đường sắt đô thị cũng vậy, nhiều dự án triển khai rất chậm, giao thông ách tắc.

Tôi thấy vấn đề kết cấu hạ tầng năng lượng dù có bước tiến nhưng đã bền vững chưa? Rõ ràng chúng ta phải tính toán cân đối và tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng không được phá vỡ, hủy hoại môi trường từ khai thác khoáng sản...

Về hạ tầng công nghệ thông tin, ai cũng nói giờ là thời đại 4.0, vấn đề là 4.0 của chúng ta đang chạy đến đâu so với thế giớ? Đây là bài toán khổng lồ mà đặc biệt nếu không làm tốt hạ tầng công nghệ thông tin thì chắc chắn Việt Nam sẽ rất khó tiến. Bởi cải cách được công nghệ ta sẽ có nhiều lợi thế, một là tăng cường năng lực cạnh tranh, đời sống người dân được cải thiện, đỡ lãng phí thời gian, tiền của cho các thủ tục hành chính.

Hạ tầng về ứng phó biến đổi khí hậu, nhiều con sông bị xâm nhập mặn. Ngay cả hạ tầng về giáo dục, y tế… dù có bước tiến nhưng so với yêu cầu của 5 năm nữa để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo Nghị quyết thì còn cả chặng đường phấn đấu cực kỳ quyết liệt may ra mới đạt được mục tiêu.

- Vâng, xin cảm ơn chia sẻ của các đại biểu./.

Xuân Mai (Vietnam+)