TTO - Sáng 10-7, Sở Giao thông vận tải TP.HCM khai trương, vận hành tuyến tàu cao tốc đi từ bến Bạch Đằng - Bình Dương - địa đạo Củ Chi. Tuyến tàu này nhằm phục vụ người dân đi lại, thúc đẩy hoạt động du lịch thủy ở TP.

TP.HCM có tuyến tàu cao tốc bến Bạch Đằng - Bình Dương - địa đạo Củ Chi - Ảnh 1.

Lãnh đạo các đơn vị cắt băng khai trương, chính thức vận hành tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng - Bình Dương - địa đạo Củ Chi - Ảnh: THU DUNG

9h sáng 10-7, Công ty TNHH Công nghệ xanh DP tổ chức buổi lễ khai trương tuyến tàu cao tốc Bạch Đằng - Bình Dương - địa đạo Củ Chi thu hút sự quan tâm của nhiều sở ngành. Rất đông người dân cũng tham gia trải nghiệm thử lộ trình tuyến đường thủy này.

Tại buổi lễ, ông Bùi Hòa An, phó giám đốc Sở GTVT, khẳng định TP.HCM có lợi thế sông nước rất lớn với hệ thống luồng tuyến ổn định, cảnh quan dọc hai bên bờ sông đẹp. Do đó, các đơn vị cần khai thác hiệu quả hơn nữa lợi thế này phục vụ cho vận tải và du lịch.

Theo ông An, tuyến tàu cao tốc TP.HCM đi Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi và ngược lại là tuyến kết nối nhiều điểm tham quan, du lịch của hai địa phương, mang đậm màu sắc lịch sử.

TP.HCM có tuyến tàu cao tốc bến Bạch Đằng - Bình Dương - địa đạo Củ Chi - Ảnh 2.

Tuyến tàu cao tốc sẽ đi qua những cảnh quan đẹp nhất dọc hai bên bờ sông Sài Gòn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong thời gian qua, Sở GTVT phối hợp cùng Sở Du lịch đã nỗ lực để phát triển các tuyến vận tải đường thủy, du lịch thủy trên sông Sài Gòn. Nhiều tuyến tàu cao tốc được đi vào khai thác, tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) hoạt động phục vụ hành khách đi lại "chia lửa" cho đường bộ vốn đang quá tải.

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều tuyến vận tải đường thủy thu hút người dân sử dụng, thúc đẩy ngành đường thủy của TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM", ông An nói.

TP.HCM có tuyến tàu cao tốc bến Bạch Đằng - Bình Dương - địa đạo Củ Chi - Ảnh 3.

Tàu được thiết kế hiện đại, trang bị đầy đủ ổ cắm điện, WiFi để hành khách sử dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi về thông tin về hoạt động của tuyến tàu cao tốc này, ông Trần Song Hải - giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP - cho biết tuyến tàu này khai thác mỗi ngày 4 chuyến, giờ khởi hành từ bến Bạch Đằng lúc 8h và 9h sáng, khởi hành từ Củ Chi từ lúc 14h và 15h.

Giá vé dự kiến từ bến Bạch Đằng - Bến Đình là 220.000 đồng/vé, bến Bạch Đằng - Bình Dương là 120.000 đồng/vé, từ Bình Dương - Củ Chi là 150.000 đồng/vé.

Cự ly tuyến 78km, trong đó người dân sẽ đi qua các địa điểm là bến Bạch Đằng (quận 1), bến Bình Hòa (quận Bình Thạnh), bến Tiamo (TP Thủ Dầu Một), bến Đình (huyện Củ Chi), bến Dược (huyện Củ Chi) và ngược lại. Ước tính thời gian chạy tàu khoảng 120 phút.

TP.HCM có tuyến tàu cao tốc bến Bạch Đằng - Bình Dương - địa đạo Củ Chi - Ảnh 4.

Lãnh đạo các đơn vị và người dân tham gia trải nghiệm lộ trình tuyến - Ảnh: THU DUNG

Ghi nhận lúc 10h sáng 10-7, hàng chục hành khách hào hứng lên tàu để trải nghiệm thử lộ trình tuyến, dịch vụ trên tàu. Anh Minh Phương - một hành khách đi tàu - cho biết các điểm tham quan trên tuyến rất thú vị, nhắc nhở mỗi người về lịch sử hào hùng của dân tộc. Không chỉ vậy, tàu có thiết kế hiện đại, đầy đủ tiện nghi, trên tàu luôn có tiếp viên phục vụ nước và bánh ngọt miễn phí.

TP.HCM có tuyến tàu cao tốc bến Bạch Đằng - Bình Dương - địa đạo Củ Chi - Ảnh 5.

Trên tàu, hành khách được nhân viên phục vụ trà nóng, bánh ngọt miễn phí tận nơi - Ảnh: THU DUNG

TP.HCM có thêm tuyến buýt sông 2, phà biển phục vụ người dân

Ông Bùi Hòa An, phó giám đốc Sở GTVT, cho biết thêm hiện Sở GTVT đang cùng với các đơn vị khác, các doanh nghiệp đẩy nhanh thủ tục, công tác chuẩn bị để triển khai tuyến buýt sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm).

Bên cạnh đó, dự kiến tháng 9-2020 tuyến phà biển đầu tiên từ TP.HCM đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bắt đầu hoạt động.

Ông An cũng chia sẻ sau khi cầu sắt Bình Lợi đã được tháo dỡ, các tuyến vận tải hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh Đông Nam Bộ, từ miền Tây qua TP.HCM đi các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ được tạo điều kiện thuận lợi.

THU DUNG