Ngày 28.10, UBND TP.HCM phê duyệt đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng (HKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại depot Long Bình (Q.9) - ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
TP.HCM đưa ra quan điểm phát triển vận tải HKCC phải kết hợp, đồng thời với hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, tập trung ưu tiên phát triển các phương thức vận tải HKCC khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh...
Để thực hiện đề án này, TP.HCM xác định ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo hệ thống vận tải HKCC phát triển bền vững. Đồng thời tổ chức kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân thông qua việc kết hợp hài hòa, khoa học các giải pháp hành chính và kinh tế; triển khai theo lộ trình cụ thể, có sự đồng thuận của người dân.
Về chỉ tiêu cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 vận tải HKCC đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị và tăng lên 25% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND TP đưa ra 27 giải pháp, trong đó có: hình thành mạng lưới xe buýt, hoàn thành đúng tiến độ 3 tuyến metro, triển khai dịch vụ xe máy điện, xe đạp điện công cộng, tổ chức làn đường riêng cho xe buýt, tổ chức thu phí ô tô vào trung tâm TP; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cộ; thí điểm kiểm tra khí thải với xe máy...
Theo tính toán, đề án trên dự kiến cần hơn 391.644 tỉ đồng, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 2020 - 2025 cần hơn 91.260 tỉ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 cần hơn 300.384 tỉ đồng, được huy động từ các nguồn ODA, ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
TP.HCM khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác.