Tính đến 17 giờ ngày 28-10, bão số 9 đã làm ít nhất 3 người tử vong, 2 người mất tích; 34 nhà sập và 56.163 nhà, 66 trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái, hư hỏng.
Bão số 9 đổ bộ vào đất liền từ sáng 28-10 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Sau khi bão tan, các địa phương đang phải đối mặt với tình hình mưa kéo dài và lũ lớn.
Nhà tốc mái khắp nơi
Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương thiệt hại nặng nề nhất do bão số 9 gây ra. Từ trưa 28-10, tại huyện đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Trên đất liền, các huyện - thị ven biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 10, 11, giật cấp 12, 13, kèm theo mưa rất to, lượng mưa đo được tại các trạm từ 300 - 500 mm.
Chỉ vài giờ sau khi bão số 9 quét qua, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 9 nhà bị sập và 53.390 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng; 31 trụ sở cơ quan và 28 trường học bị tốc mái, hư hỏng. Mưa bão cũng làm một số canô, thuyền neo trú tại cồn An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn) bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm.
Vừa trở về nhà sau khi di dời tránh bão, ông Trần Minh Thông (ngụ xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) bắt tay ngay vào việc sửa nhà. "Căn nhà của tôi đã bị tốc mái hoàn toàn. Vừa nhận được cuộc điện thoại của người thân, tôi tức tốc dọn đồ, thuê xe về nhà để dọn dẹp nhà cửa và tìm chỗ ở mới. Tài sản trong nhà đã bị hư hỏng hết rồi, giờ trắng tay" - ông Thông lo lắng.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết đã có hơn 1.000 nhà dân bị tốc mái, 8 canô du lịch bị chìm, hư hỏng; thủy sản, nông nghiệp gần như bị thiệt hại hoàn toàn. Ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Còn tại huyện Bình Sơn, hơn 80% căn nhà của cư dân ven biển bị tốc mái, hoa màu bị thiệt hại nặng nề. Hàng chục ngôi nhà nằm gần bờ đê chắn sóng bị cuốn trôi. Huyện Nghĩa Hành có hơn 12.500 ngôi nhà bị tốc mái, 1 nhà bị sập hoàn toàn, 37 điểm trường bị hư hỏng, 31 điểm trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng, cây xanh ngã đổ chia cắt nhiều tuyến đường.
Tại tỉnh Quảng Nam, tính tới 18 giờ ngày 28-10, có 13 nhà bị sạt lở, vùi lấp; 30 nhà bị tốc mái. Nhiều trường học, công trình công cộng cũng bị gió thổi bay mái. Bão còn làm 3 tàu cá bị chìm; nhiều tuyến đường giao thông, hàng ngàn mét bờ biển bị sạt lở nặng. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 1.000 tỉ đồng. Trong ngày, có 2 cán bộ ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn trong lúc làm nhiệm vụ phòng chống bão bị nước cuốn trôi, đang mất tích; 1 người dân ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My bị nhà sập đè tử vong.
Bão số 9 gây hư hỏng, tốc mái nhiều nhà dân, các công trình của nhà nước, doanh nghiệp ở Quảng Nam - Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Nhiều nhà dân ở Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng nặng - Ảnh: TỬ TRỰC
Tính đến chiều 28-10, TP Đà Nẵng đã di dời 21.804 hộ dân với 101.830 nhân khẩu để tránh bão an toàn. Sức gió của cơn bão này làm nhiều nhà dân, trường học, trụ sở bị tốc mái, hư hỏng; hơn 250 cây xanh ngã đổ. Ngành điện cũng bị thiệt hại nặng nề. Do tôn bay vào đường dây 110 KV khiến đứt 1 vị trí, hỏng 1 máy cắt trung thế 22 KV và 3 cột bê-tông ly tâm hạ thế bị ngã đổ...
Tại tỉnh Bình Định, theo UBND huyện An Lão, do ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa lớn nên từ trưa 28-10, nước trên sông An Lão dâng nhanh, gây ngập lụt 2 thôn Vạn Long, Vạn Khánh, xã An Hòa và một số khu dân cư lân cận. Công ty Điện lực Bình Định cho biết do ảnh hưởng bão, trên địa bàn tỉnh xảy ra 122 sự cố lưới điện, làm mất điện 3.756 trạm biến áp với gần 400.000 khách hàng bị mất điện. Toàn tỉnh Bình Định có 114 xã, phường, thị trấn bị mất điện.
Nhiều địa phương ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định bị ngập lụt - Ảnh: ANH TÚ
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, bão số 9 giật cấp 9, cấp 10 làm cây cối gãy đổ vào đường dây điện gây sự cố mất điện tại 8 huyện, thị xã với 118/145 phường, xã, thị trấn. Thống kê ban đầu, có 33 nhà tốc mái, trong đó 22 nhà ở huyện A Lưới. Ngoài ra, 4 người ở huyện Phong Điền bị thương nặng trong quá trình chằng chống nhà cửa.
Theo báo cáo nhanh, bão số 9 trên địa bàn tỉnh Phú Yên giật cấp 11 làm 45 ngôi nhà bị sập và tốc mái, hơn 27 ha ao nuôi hải sản bị vỡ. Đến tối 28-10, tỉnh Phú Yên vẫn còn 44/100 xã, phường, thị trấn bị mất điện. Ngành điện lực đã kiểm tra sự cố và nỗ lực khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Đối diện lũ lịch sử
Không những bị thiệt hại bởi bão số 9, hiện hàng ngàn hộ dân sống ở vùng hạ lưu các sông như sông Vệ, sông Trà Câu, Trà Khúc, Trà Bồng… của tỉnh Quảng Ngãi lại đang gồng mình chống chọi với lũ dữ.
Từ chiều tối 28-10, tại huyện Nghĩa Hành nước trên sông Phước Giang dâng lên rất nhanh. Ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, xác nhận đến tối cùng ngày, toàn bộ huyện Nghĩa Hành đã bị nước lũ chia cắt, nhiều nơi ngập 1,5 -2 m.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, lúc 18 giờ ngày 28-10, mực nước trên các sông như sông Vệ, sông Trà Khúc, sông Trà Câu… đang lên rất nhanh, dự kiến trong sáng 29-10 có khả năng vượt mức báo động III từ 0,5-1 m.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết ưu tiên của tỉnh lúc này là vừa tập trung lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão, chống chọi với lũ đang ập tới vừa tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng người dân. Tỉnh đang tiếp tục di dời 12.000 hộ dân tại các địa phương vùng trũng thấp thuộc địa bàn huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.
Ngày 28-10, Công ty CP Thủy điện Đăk Mi (chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 4) phát thông báo về việc vận hành hồ thủy điện Đăk Mi 4 (tăng lưu lượng xả tràn lần 2). Theo đó, thời điểm bắt đầu vận hành lúc 15 giờ 30 phút ngày 28-10, lưu lượng xả tràn dự kiến lên đến 11.400 m3/giây.
Tại Quảng Nam, theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lũ trên sông Vu Gia lên rất nhanh, mực nước lúc 16 giờ ngày 28-10 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,55 m, dưới báo động II là 0,25 m. Thời điểm đó, lưu lượng thủy điện Đăk Mi 4 đang xả xuống hạ du là 5.100 m3/giây. Trong trường hợp thủy điện xả xuống hạ lưu như dự kiến, tức 11.400 m3/giây, từ 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 11,2 m, trên báo động III là 2,2 m, vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43 m.
Với tình hình này, cùng với mưa to do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, nguy cơ cao gây ngập lụt trên nhiều vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An và TP Đà Nẵng. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất được cảnh báo cấp 4.
Trước diễn biến của mưa bão, ngay trong tối 28-10, sau khi kiểm tra tình hình bão số 9 tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, yêu cầu tỉnh Quảng Nam tiếp tục sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nơi dễ sạt lở, nước sâu. Phó Thủ tướng giao các bộ - ngành cùng với địa phương và các chủ đầu tư thủy điện bảo đảm vận hành an toàn hồ chứa, không để xảy ra mất an toàn, tác động tiêu cực đến đời sống người dân.
Trong ngày 28-10, thủy điện Sông Ba Hạ xả về hạ du với lưu lượng 1.100 m3/giây. Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống tiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, hiện mưa ở khu vực Bắc Tây Nguyên rất lớn nên khả năng thủy điện Sông Ba Hạ sẽ tiếp tục nâng mức xả lũ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong tối và đêm 28-10, ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 40-70 mm; từ ngày 29-10 mưa giảm. Trong khi đó, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình, từ đêm 28 đến ngày 31-10 có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt, riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500 mm. Ở Thanh Hóa có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150 mm. Mưa to cùng với việc xả lũ của các thủy điện có nguy cơ gây ngập lụt trên diện rộng.