PNO - Theo ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang triển khai trên địa bàn TPHCM lấy vũ lượng mưa 95mm và độ cao đỉnh triều là 1.35m, hiện đã lạc hậu so với thực tế.
Ngày 10/7, kỳ họp thứ 20 của HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục với các phần thảo luận tại hội trường. Sau khi nghe ý kiến của một số đại biểu, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM và ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng đã chia sẻ một số thông tin về kế hoạch chống ngập có tuổi thọ kéo dài đến 19 năm của TPHCM.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nặng sau mỗi trận mưa có vũ lượng trên 95mm |
Theo Sở Xây dựng TPHCM, quy hoạch chống ngập của thành phố dựa trên hai văn bản pháp lý. Đó là quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 752 ngày 19/6/2001.
Đến năm 2008, Thủ tướng tiếp tục có Quyết định số 1547 về việc phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Nhưng đến năm 2015, Chính phủ mới đồng ý bố trí gần 10.000 tỷ đồng cho TPHCM thực hiện quy hoạch chống ngập, bắt đầu từ năm 2016.
Sau bốn năm thực hiện, dự án đã hoàn thành 85% khối lượng. Dự kiến, tháng 10/2020, dự án cơ bản hoàn thành.
Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết: “Hiện nay khi nghe người dân phản ảnh có ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, tôi và các anh em đi kiểm tra. Đúng là nếu lượng nước mưa trên 95mm, đường ngập nhưng chỉ... xâm xấp. Sau 30 phút là nước đã thoát đi”.
Tuy nhiên, theo ông Bình, vấn đề là khi làm quy hoạch, trong đồ án thiết kế trước đây chỉ lấy vũ lượng mưa 95mm và độ cao đỉnh triều là 1.35m. "Giờ đã thay đổi rất nhiều, phải điều chỉnh. Những thay đổi là do tốc độ phát triển và theo mực nước dâng do biến đổi khí hậu. Sắp tới, TPHCM sẽ phải xin Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch của dự án mới đảm bảo việc chống ngập".
Theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, sắp tới TP sẽ xem xét yêu cầu tất cả các nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới quy mô từ 50ha trở lên phải có hồ điều tiết. Ngoài ra, TPHCM sẽ dành ra từ 5.000 - 10.000ha diện tích đất triền ven sông để cho ngập tự nhiên. “Nếu muốn vùng lõi trung tâm an toàn thì phải tăng diện tích ngập tự nhiên ở các khu vực khác. Nơi này sẽ tạo ra khu rừng, khu du lịch, khu dân cư mới. Kinh nghiệm này chúng ta đã làm được ở Thủ Thiêm. Đây là vùng lõi của TPHCM nhưng dành hơn 100ha đất để làm vùng ngập nước tự nhiên. Tính đến nay, khu vực này đã phát huy tác dụng, môi trường rất tốt, phù hợp cho động thực vật sinh sống. Tinh thần là sẽ có khu vực tạo ra vùng chứa nước thay cho vùng trung tâm TPHCM'' - ông Hoan chia sẻ. |
Hiếu Nguyễn