(CLO) Ngày 29/10, trong khuôn khổ Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025, đoàn đại biểu lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố và nhiều hội viên nhà báo đã có buổi thăm quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khai trương hệ thống trưng bày thường xuyên và đón khách tham quan từ ngày 19/6. Bảo tàng được đặt trong khuôn viên Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đây không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật về lịch sử báo chí mà còn là nơi ghi dấu những ký ức về lịch sử dân tộc, đời sống xã hội nói chung.

Đoàn Đại biểu Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Đoàn Đại biểu Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa cho biết: Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ngày 21/8/2014, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500m2 và được khai thác triệt để trên các diện tích trưng bày khác nhau: trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay...

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhà báo Trần Kim Hoa trao đổi thông tin về các hiện vật.

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhà báo Trần Kim Hoa trao đổi thông tin về các hiện vật.

Ngoài ra, bảo tàng cũng áp dụng các giải pháp công nghệ phát thanh, truyền hình, số hóa để phục vụ nhu cầu tham quan của công chúng…

Nhân dịp này lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn Hội Nhà báo các tỉnh, thành trong cả nước tiếp tục góp ý, đóng góp trong công tác sưu tầm để Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp tục là điểm đến lý tưởng của người làm báo và công chúng cả nước.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh (giữa) thăm quan bảo tàng.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh (giữa) thăm quan bảo tàng.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh: Tôi ở miền Trung ra, mặc dù trời Hà Nội rất lạnh nhưng khi bước vào Bảo tàng Báo chí Việt Nam tôi cảm thấy ấm áp và tự hào. Bản thân tôi như được trôi trong dòng chảy đầy kiêu hãnh của báo chí Việt Nam – Báo chí cách mạng Việt Nam. Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều hiện vật phải sưu tầm, bổ sung nhưng hiện nay chừng ấy thôi cũng đã khiến niềm tự hào được dâng lên làm cay khóe mắt.

Nhà báo Dương Phước Thu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế: Việc sưu tầm các hiện vật là sự cố gắng nỗ lực rất nhiều của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Mọi người đã đưa về đây một khối lượng lớn hiện vật và tương đối đầy đủ, có diện mạo báo chí của ba miền qua các giai đoạn lịch sử. Từ trước thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Việc sắp xếp đẹp mắt, bước đầu cho thấy sự thành công nhất định, bởi lâu nay báo chí thường nằm rải rác trong các thư viện, nhiều năm không được quan tâm.

Nhà báo Dương Phước Thu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhà báo Dương Phước Thu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhà báo Dương Phước Thu chia sẻ thêm: Mặc dù không có ai có kinh nghiệm làm bảo tàng nhưng tất cả cán bộ  bảo tàng báo chí đều đã cố gắng thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình. Đặc biệt những người làm báo ở các tỉnh, thành cũng có những đóng góp rất nhiều cho cái chung, nhưng đặc biệt trong bảo tàng cũng có những nét riêng của từng địa phương. Bảo tàng Báo chí Việt Nam nay trở thành mái nhà chung của những người làm báo cả nước cùng tụ hợp, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm.

Nói về cảm nhận sau khi thăm bảo tàng, nhà báo Lê Thị Biết, Phó Trưởng Phòng Thời sự Đài PT-TH Phú Yên cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến với Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cảm nhận đầu tiên của tôi là rất xúc động. Hơn 20 năm tôi làm nghề, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe những câu chuyện về những người làm báo, đằng sau mỗi tác phẩm báo chí đó là những câu chuyện có nhiều cảm xúc, đó là sự hi sinh quên mình của những người làm báo. 

"Tôi được chiêm ngưỡng những tác phẩm báo chí đầu tiên cho đến thời kỳ sau này, qua đó tôi càng tự hào hơn về nghề mình đang đảm trách. Tôi cảm thấy phải cố gắng nhiều hơn nữa. Để làm tốt hơn công việc của mình được giao, nhất là trong thời đại báo chí phải cạnh tranh với loại hình thông tin khác" nhà báo Lê Biết tâm sự.

Nữ phóng viên Khổng Minh Anh - Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang.

Nữ phóng viên Khổng Minh Anh - Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang.

Phóng viên Khổng Minh Anh - Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang: Hôm nay tôi rất vui khi được tham gia tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, điều tôi ấn tượng đầu tiên là những tờ báo cổ có tuổi đời cả trăm năm, tất cả vẫn còn nguyên giá trị. Những nội dung, cách trình bày của một tờ báo trước đây sẽ giúp cho tôi trong quá trình làm báo sau này.

Đoàn Đại biểu Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam chụp ảnh lưu niệm.

Đoàn Đại biểu Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam chụp ảnh lưu niệm.

Trong những tháng qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid -19 có diễn biến phức tạp nhưng bảo tàng đã đón hơn 4.000 lượt khách, không chỉ là sinh viên học sinh, các nhà nghiên cứu mà còn có nhiều người là khách du lịch nước ngoài, những người quan tâm đến báo chí Việt Nam ở mọi miền tổ quốc.

LÊ TÂM