LĐO - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc mất rừng có là nguyên nhân gây sạt lở đất hay không cần đánh giá cụ thể trong từng trường hợp.
Tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020 diễn ra này 30.10, ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi của báo giới về đánh giá tác động của con người, như xây dựng thủy điện, phá rừng đối với thiên tai ở miền Trung năm nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá, bão số 9 vừa qua là cơn bão mạnh nhất 20 năm vừa qua, lượng mưa có nơi lớn hơn trận bão lịch sử năm 1999.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nguyên nhân chính của việc xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung là do khu vực này có nhiều đồi núi cao, nhiều đất đá cổ bị đập vỡ, nứt nẻ… mưa lâu ngày khiến các lớp đất đá phong hóa này bị nhão, trượt kéo xuống phía dưới.
“Bên cạnh đó, các hoạt động nhân sinh như mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, trong đó có các dự án xây dựng nhà máy thủy điện đã cắt taluy, mất chân sườn dốc là nguyên nhân kích hoạt sạt lở đất xảy ra.
“Như tại thủy điện Rào Trăng 3 đang trong quá trình xây dựng, cắt xẻ vào sườn núi đã gây sạt lở”, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết.
Ông Lê Công Thành cũng nhận định, việc mất rừng có là nguyên nhân gây sạt lở đất hay không cần đánh giá cụ thể trong từng trường hợp.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vừa qua lưu lượng mưa ở miền Trung lớn hơn năm 1999 nhưng việc vận hành liên hồ chứa tốt nên đã cắt được lượng nước đổ về hạ du, chỉ có một số điểm bằng mức lũ lịch sử năm 1999, còn lại thấp hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, thiên tai miền Trung vừa qua là hiện tượng rất bất thường. Tuy nhiên, người dân đã được cơ quan chức năng cảnh báo sớm khi thống kê cho thấy đã có 56,1 triệu lượt tin nhắn gửi đến bà con miền Trung cảnh báo lũ lụt. Tuy nhiên nhiều nơi có nơi ngập diện rộng với mức ngập sâu đến 6,3m, người dân không kịp di chuyển đến nơi an toàn.
Về hoạt động ứng phó với bão lũ, đánh giá lực lượng Công an, Quân đội đã tham gia rất tích cực, chủ động, tuy nhiên ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng với những hiện tượng thiên tai mang tính cực đoan thì cần lực lượng chuyên nghiệp hơn trong công tác ứng phó, triển khai cứu nạn, cứu hộ, đồng thời cần đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn cho cảnh báo thiên tai…
Cũng trong cuộc họp báo, đại diện Bộ Xây dựng đã trả lời báo giới câu hỏi về việc thực hiện chỉ thị năm năm 2018 về công tác phòng chống lũ ống lũ quét, sạt lở đất, trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ liên quan rà soát, xem xét, cấp phép lại vấn đề về quy hoạch các khu dân cư sạt lở đất, hướng dẫn xây dựng nhà an toàn cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, việc đảm bảo an toàn cho các công trình, trong đó có nhà ở, trong bối cảnh mưa bão lũ lụt thường xuyên xảy ra, “là vấn đề nóng”. Đại diện Bộ Xây dựng lưu ý, có các biện pháp cụ thể với 3 hình thái thiên tai: Gió bão, lũ lụt, lũ ống lũ quét sạt lở đất.
Trong đó, với gió bão - thường xảy ra ở vùng ven biển, với khoảng cách cự li khoảng 30-50km từ bờ biển vào - giải pháp công trình có thể thực hiện được.
“Qua khảo sát, nhà có 3 cứng - sàn cứng, tường cứng, mái cứng - cơ bản trong các bão là nhà hoàn toàn đảm bảo được. Chủ yếu là nhà cấp 4, mái tôn, cổng chào, mái kính… đổ vỡ là chính. Việc này có thể dùng giải pháp công trình để thiết kế cho phù hợp. Với nhà cấp 4 đương nhiên sẽ di dời” - ông nói.
Với lũ lụt, đại diện Bộ Xây dựng chỉ ra, cách đây 7 năm có quyết định số 48 về chương trình nhà ở vượt lũ cho đồng bào miền Trung và thực tế đã xây được trên 30 nghìn nhà có cốt sàn trên đỉnh lũ lịch sử. Trong đợt lũ lụt vừa qua, những công trình này đã phát huy rất tốt.
Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, Bộ Xây dựng cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ nghiên cứu để nhân rộng phát triển thêm nguồn lực này. Ông tin tưởng đây là giải pháp khả thi thực hiện được.
“Tôi xin nhấn mạnh không có giải pháp công trình nào có thể chịu được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất” - đại diện Bộ Xây dựng nói về giải pháp với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Ông chỉ ra, giải pháp để phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất quan trọng là lựa chọn địa điểm với các công trình xây mới. Theo ông, hiện có bản đồ lũ ống lũ quét nhưng tỉ lệ hơi cao, tỉ lệ 1/20.0000, 1/50.000 nên cả xã chỉ là một chấm nhỏ do đó vấn đề là phải đưa về tỉ lệ 1/500 để ra thực địa cụ thể.
Với những công trình đã xây dựng rồi, tức nhà ở đã tồn tại, có 2 vấn đề là: Rà soát để di dời, lựa chọn địa điểm khác và hướng dẫn cụ thể để người dân nhận được cảnh báo chỉ dẫn về địa chất, lượng mưa trong bán kính 500m để có thể di dời trong thời gian ngắn.